Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Thiền là sống tỉnh thức trong từng phút giây

Chúng ta thường có thói quen chia đời sống ra thành nhiều ngăn: ngăn cho công việc, cho người thân, cho bạn bè và cho chính mình. Đời sống đã chia thành nhiều ngăn như vậy nên thời gian trong ngày của chúng ta cũng theo đó mà bị phân tán và thời gian để cho chính mình không còn bao nhiêu. Đây là một cách phân không được thông minh lắm đối với một người tập Thiền, làm sao để tất cả thời gian đều là thời gian của chính mình, đều là thời gian để cho chúng ta sống an lạc và tỉnh thức.
Nếu như một người tập Thiền mà chỉ đợi đến giờ nhất định mới đi tọa thiền để có được sự định tâm và nguồn an lạc thì thiền sinh ấy chưa phải là một người tập thiền giỏi. Chúng ta phải đưa thiền đi vào trong đời sống mới thực sự có nhiều lợi lạc. Nếu như ở thiền phòng, ngồi im lặng theo dõi từng hơi thở để cho tâm tư được tĩnh lặng, tự chủ, an lạc thì chúng ta cũng phải biết ứng dụng thiền như thế nào để khi làm việc trong nhà bếp hay lúc ở trong phòng làm việc, tâm của chúng ta cũng được như vậy. Làm sao đó để việc ngồi thiền có tác dụng cả những lúc ta không ngồi thiền cũng như khi vị bác sĩ tiêm một mũi thuốc vào cánh tay bạn, không phải chỉ cánh tay mà cả toàn thân bạn đều được hưởng mũi thuốc đó. Khi bạn ngồi thiền, sự an lạc mà bạn có trong một giờ phải được tỏa rạng và ảnh hưởng trong suốt hai mươi bốn giờ chứ không phải chỉ trong lúc đang ngồi thiền. Chúng ta phải thực tập như thế nào đó để không còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi thiền và không ngồi thiền thì sự thiền tập mới thực sự mang lại lợi ích.
Trong thiền phòng, chúng ta đi thiền hành từng bước chậm rãi, khoan thai và có ý thức, nhưng tại công sở hay trong siêu thị, ta trở nên một con người khác vì không còn giữ được chánh niệm và sự trầm tĩnh nữa, ta đi đứng một cách vội vã, vụt chạỵ như bị ma đuổi. Làm thế nào để khi ra khỏi thiền phòng, ta vẫn giữ được chánh niệm? Đây là vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm, bàn bạc và cùng nhau chia sẻ. Tôi có một người bạn biết thực tập hơi thở giữa những tiếng reo của điện thoại, điều đó giúp ích cho anh ta rất nhiều. Một người bạn khác là một thương gia, nhưng biết đi thiền hành khi đến những nơi hẹn, anh đi rất khoan thai và an lạc từ dãy phố này đến tòa cao ốc kia. Nhờ vậy mà những buổi gặp gỡ làm ăn của anh thường rất thành công dù với những người khó tính nhất.
Giữa bao nhiêu phiền toái của cuộc đời, để có đủ khả năng đối diện với chúng, chúng ta cần phải biết dừng lại, trở về với chính mình. Khi đó, bạn không cần phải vào ngay thiền phòng, hay đến một trung tâm thiền nào đó để thực tập hơi thở chánh niệm, bởi ở đâu bạn cũng có thể thực tập Thiền. Khi ngồi tại văn phòng, trong xe hơi, khi ở trung tâm mua bán đông người, hay khi ngồi chờ tàu chạy trong nhà ga xe lửa, nếu bạn cảm thấy bực dọc hay mệt mỏi, bạn có thể thực tập trở về với hơi thở và mỉm cười để đừng đánh mất mình và giữ được sự thăng bằng cho thân tâm. Hơi thở chánh niệm giúp cho ta khôi phục con người mình một cách trọn vẹn bất cứ ở đâu, trong tư thế nào (đi, đứng, nằm, ngồi), ta cũng thực tập thở và quán chiếu được cả. Mặc dù vậy, tư thế ngồi vẫn là tư thế tốt nhất cho việc hành thiền. Cách ngồi thiền vững chãi là ngồi trong tư thế kiết già (full – lotus positions) tức là ngồi xếp bằng hai chân lại với nhau trên một cái gối (tọa cụ) dày vừa đủ để giữ vững toàn thân. Ngồi như thế sẽ cho thân tâm bạn dễ dàng trở nên định tĩnh, an lạc và tự chủ hoàn toàn. Ngồi thiền chính là lúc trở về với nội tâm, quán chiếu và thanh lọc để nội tâm được an lạc, thanh tịnh, sáng tỏ, chứ không phải là chạy trốn chính mình hay chạy trốn thực tại. Đôi lúc chúng ta ngồi thiền là để chạy trốn cuộc đời và chạy trốn chính mình, giống như con thỏ trở về cái hang của nó. Làm như vậy chúng ta có thể tạm yên ổn trong một thời gian ngắn, nhưng khi ló đầu ra khỏi hang chúng ta vẫn phải đối diện với những vấn đề thường nhật đầy bất ổn. Cũng như những người tu hành xác (khổ hạnh), khi họ kiệt sức thì họ có ảo tưởng rằng cuộc sống chẳng còn vấn đề gì nữa hết. Nhưng khi cơ thể được phục hồi, sinh khí trở lại thì những vấn đề kia cũng trở về theo.
Tu thiền với mục đích làm cho đời sống có an lạc và sự tu tập cốt ở sự đều đặn và tinh tấn. Mỗi ngày chúng ta đều thực tập thiền tọa, thiền hành để quán chiếu mọi sự việc đang xảy ra với một tâm tư hoàn toàn tỉnh thức. Thực tập như thế dần dần chúng ta có thể tiếp xúc được sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng, đầy vô thường đắp đổi.
Để cho việc hành thiền đem lại thành quả cho bản thân bạn cũng như cho xã hội, chúng ta phải biết áp dụng thiền tập vào trong đời sống hàng ngày và luôn tự hỏi: Bạn có tập thở không khi nghe chuông điện thoại reo? Bạn có tập buông thả không khi bị căng thẳng, hay sau những giờ làm việc mệt mỏi? Đó là những câu hỏi rất thiết thực, là những đề mục thiền quán rất thực tiễn cho chúng ta thực tập hàng ngày. Nếu như lúc ăn, lúc nói, lúc làm việc, lúc ngủ nghỉ khi nào bạn cũng thiền cả, thì đời sống của bạn là đời sống thiền, điều này, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của bạn. Thiền là sống tỉnh thức, sống có chánh niệm trong từng phút giây một cách trọn vẹn với chính mình, với mọi người xung quanh. Thiền là sự sống hiện thực sinh động chứ không phải là một ý tưởng mơ hồ xa vời và tách khỏi cuộc sống.
Thích Nhuận Hải
Nguồn tin từ Giác Ngộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.