Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

5 QUYỀN LỰC TÂM LINH (Ngũ Lực)

(Trích từ “Quyền lực đích thực” của Th.sư Thích Nhất Hạnh)
(Tiếp theo kỳ trước)
... Có nhiều loại Định. Định thứ nhất là định Vô Thường. Quán chiếu Vô thường chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự, mọi vật thay đổi không ngừng. Chúng ta có thể chết ngày mai hay bất cứ lúc nào. Vậy thì ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để đem lại hạnh phúc cho những người ta thương ngay hôm nay. Đợi đến ngày mai thì e quá trễ. Định thứ hai là định Vô Ngã. Ta không có một tự tính độc lập gọi là Ngã. Quán chiếu Vô Ngã ta sẽ thấy rằng không bao giờ có chuyện chỉ mình ta đau khổ, mà luôn có thêm những người khác đau khổ theo ta. Khi ta khổ thì con ta, chồng (vợ) ta, bạn bè, đồng nghiệp của ta cũng cùng đau khổ với ta. Định thứ ba là định Tương Tức. Quán chiếu Tương Tức, ta thấy rõ mối liên hệ nhân duyên giữa tất cả mọi sự, mọi vật. Ta cũng thấy rõ rằng nếu ta gây đau khổ cho ai thì người ấy sẽ gây đau khổ lại cho ta...

Tuệ giác, nguồn sức mạnh thứ năm, là lưỡi gươm cắt đứt mọi đau khổ, sợ hãy, tuyệt vọng, sân hận và kỳ thị. Năng lượng của định, của tuệ giác giúp ta thấy rõ bản chất đối tượng của định...

...Tuy nhiên lắm lúc ta quên hẳn vô thường. Trên lý thuyết ta biết rằng tất cả đều là vô thường, nhưng ta quên đi rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ bệnh, sẽ chết. Ta quên đi rằng chính ta rồi cũng sẽ chết. Ta có xu hướng suy nghĩ như là ta sẽ sống mãi. Và vì vậy ta không có tuệ giác vô thường để sống đẹp từng giây, từng phút, để trân quý người thương. Rất nhiều người trong chúng ta đã đau khổ cùng cực khi một người thương ra đi, không phải vì ta thương nhớ mà vì nuối tiếc rằng khi người thương còn sống ta đã không có thì giờ gần gũi và hết lòng săn sóc. Có thể ta đã đối xử với người ấy một cách bất công. Bây giờ người ấy không còn nữa và ta mang mặc cảm tội lỗi. Nếu có tuệ giác vô thường thì phải biết rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ chết và hôm nay ta phải làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người ấy. Đừng đợi đến ngày mai. Ngày mai có thể quá muộn. Nếu biết sống theo tuệ giác vô thường ta sẽ không phạm quá nhiều lầm lỗi. Ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Ta có thể thương yêu, săn sóc người ta thương ngay ngày hôm nay. Ta không bươn chải về tương lai để rồi đánh mất sự sống. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.

Bụt dạy vô thường như là một tuệ giác. Bụt không bi quan mà chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng sự sống rất đáng quý và chúng ta phải trân quý sự sống từng giây phút. Duy trì định vô thường như vậy sẽ đem đến tuệ giác vô thường. Nhờ tuệ giác vô thường mà ta không bị tuyệt vọng, sân hận, tiêu cực cuốn đi, bởi vì tuệ giác vô thường cho ta biết phải nên làm gì và không nên làm gì để xoay chuyển tình thế . Nhờ vô thường mà không có gì không làm được.

Nếu không có tuệ giác, ta sẽ nghĩ rằng quyền lực là do ta tự tạo nên, chỉ cho riêng ta. Nhưng có một tuệ giác khác ta có thể đạt được, đó là tuệ giác vô ngã. Vô Ngã không có nghĩa là ta không có mặt. Vô ngã chỉ có nghĩa là ta không có tự tính riêng biệt. Nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ chính là do tâm phân biệt, phân biệt giữa mình và người, do ý niệm về một cái Ngã riêng biệt. Giả sử bạn là cha mẹ, hãy nhìn con của bạn và bạn sẽ thấy rằng con trai hay con gái của bạn chỉ là sự tiếp nối của bạn. Cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Trong con có tế bào của cha. Cha và con không phải là một người nhưng cũng không phải là 2 người. Khi người cha nhận ra điều này, ông đã chứng được tuệ giác vô ngã, cha đau khổ thì con cũng đau khổ và ngược lại. Cũng vậy, giận con mình tức là tự giận mình, giận cha mình tức là tự giận mình. Rất rõ ràng. Một khi đã thực chứng tuệ giác vô ngã, khi không còn phân biệt giữa bạn và con trai, con gái, cơn giận của bạn sẽ tiêu tan... Bạn biết rõ rằng sân hận của họ là sân hận của bạn, đau khổ của họ là đau khổ của bạn, hạnh phúc của họ là hạnh phúc của bạn.

Khi cánh tay trái của tôi bị phong thấp đau nhức, tôi săn sóc, xoa bóp, tôi làm đủ mọi cách để cho cánh tay trái bớt đau nhức mà hoàn toàn không giận dỗi gì cánh tay ấy. Khi tôi có một đệ tử chưa dễ thương, tôi cũng thực tập như thế. Tôi không giận đệ tử của tôi mà chỉ gắng săn sóc người đệ tử như tôi đã săn sóc cánh tay trái vậy. Bởi vì tôi biết rằng giận đệ tử tức là tự giận mình và chẳng giúp ích được gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể hành xử khôn ngoan như thế khi chúng ta đã thực chứng được tuệ giác vô ngã.
(còn tiếp)

4 nhận xét:

  1. Bài hay quá chị ạ. Đọc thấy thấm thía, các ví dụ của Thầy rất đơn giản và dễ hiểu nhưng lại nói lên được rất nhiều điều.

    Trả lờiXóa
  2. Em lại đọc lại bài này và lại tìm thấy những câu trả lời cho riêng mình. Nếu mọi vấn đề dù tinh tế, nhạy cảm đến đâu mà dùng Pháp Phật vô biên soi sáng thì sẽ không bị si mê. Thank chị lần nữa.

    Trả lờiXóa
  3. Chị cũng tâm đắc lắm nên cũng muốn chia sẻ với tất cả mọi người. Tất cả các điều Thầy dạy đều đúng cả và như kim chỉ nam với tất cả chúng sinh.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.