Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Dã ngoại Côn Sơn tháng 6/2013

Thu cứ đợi xem 5 lớp bên BXT đi dã ngoại về có bạn nào đăng bài, đăng ảnh, chia sẻ gì không. Đợi mãi chẳng có thông tin gì. Cuối cùng đành tải bộ ảnh trong thẻ nhớ ở  máy Thầy lên. Đợt này Thu bận một số công việc, hơn nữa không tham gia đợt dã ngoại nên đành tải ảnh suông. Ảnh chưa chỉnh sửa vì không có thời gian. Cả nhà xem tạm. Xem ảnh thấy thanh niên đợt này đi kha khá vậy mà không có ai tham gia giúp BBT một tay. Thực sự buồn. :(:(:(


Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Bình thản trước thị phi cuộc sống

 Nguồn ảnh: Internet
Vị Tổng giám đốc gọi hắn lên và hỏi chuyện:
- Tôi thấy cậu cũng đứng đắn, chững chạc và rạch ròi. Vậy sao trong công ty vẫn có lời ra tiếng vào, dị nghị đàm tếu thế?
Hắn trả lời:
- Thưa anh, trời nắng hạn cả tuần nay, đang trưa nắng gắt bỗng đổ trận mưa rào, người nông dân mừng rỡ ra mặt vì ruộng đất thoát khỏi hạn hán, kẻ làm nghề rửa xe hớn hở vì khách rửa xe đông, nhưng những người đang trên đường thì lại ghét vì đường bẩn và mưa ướt người.
Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ.
Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn bản thân em cũng đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.
Cho nên em nghĩ rằng: Đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Cấp trên nghe lời thị phi thì nhân viên bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán.
Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không rướm máu.
Cho nên cứ an nhiên mà sống thôi!
(Nguồn: Làm Nên)

 Nguồn ảnh: Internet
Nguyên nhân của tâm bất an, bất tại, quên mất chính mình, là do thất niệm hay tán tâm tạp niệm, nghĩa là tâm bị lôi cuốn về quá khứ, hướng vọng đến tương lai hoặc đắm chìm trong hiện tại. Khi chánh niệm trọn vẹn với thực tại ở đây và bây giờ thì mọi ý niệm thời gian đều tự động biến mất không còn dấu vết. Ngay đó tâm hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi áp lực của thời gian tâm lý. Vì vậy, người sống trọn vẹn với thực tại luôn được thanh thản, thoải mái, an nhiên, tự tại. (Viên Minh)

NHỮNG MÓN QUÀ


Có những món quà mà bạn không cần phải tốn tiền mua. Có những món quà mà bạn luôn muốn nhận. Có những món quà mà người khác chờ đợi bạn tặng.

- Lắng nghe: Bạn phải thực sự lắng nghe.Không ngắt lời, không nghĩ ngợi, không góp ý. Chỉ lắng nghe…
- Yêu thương: Hãy thân thiện với tất cả mọi người. Hãy để những hành động nhỏ như những cái ôm, bắt tay…biểu lộ tình cảm của bạn đối với người thân và bạn bè.
- Tiếng cười: Hãy chia sẽ những câu chuyện vui thú vị: điều này có nghĩa là bạn đang muốn nói với họ: “Tôi thích lắm những lúc được cười đùa bên bạn".
- Viết ra những điều mình nghĩ: Có thể chỉ đơn giản là “Cám ơn sự giúp đỡ của bạn” hay nhiều dòng hơn thế. Những dòng chữ ngăn ngắn này đôi khi lại làm cho người ta nhớ đến suốt đời, thậm chí có thể thay đổi cả một con người.
- Lời khen: Những câu nói chân thành như “Hôm nay sao bạn xinh thế!”, “Bạn đang có một công việc thật tốt!”. Hay “Ôi, món ăn này ngon quá!” có thể làm cho một ngày của ai đó có nhiều niềm vui.
- Giúp đỡ: Mỗi ngày hãy làm ít nhất một việc gì đó có ích.
- Một mình: Có những lúc trong cuộc sống bạn muốn được ở một mình. Hãy thông cảm với người khác trong những tình huống tương tự, hãy để họ một mình.
- Vui vẻ: Cách dễ dàng nhất để cảm thấy vui vẻ là hãy nói những lời tốt đẹp với mọi người. Thật không quá khó khi nói “Xin chào!” hay “Cám ơn nhé!”.

Hãy tặng những món quà này cho những người đang sống xung quanh bạn…
Hoàng Vân sưu tầm

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Ảnh lưu niệm Suối Hai tháng 5/2013

Thu đã chỉnh sửa xong bộ ảnh lưu niệm chụp cá nhân, chụp đôi, chụp gia đình hoặc theo nhóm. Mời các bác xem TẠI ĐÂY (ảnh đã co kích thước để load nhanh), còn download để rửa TẠI ĐÂY (ảnh để nguyên khổ).


Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Chuyến dã ngoại chùa Phật Tích lớp sáng CN BXT

Sáng chủ nhật hôm 02/06, lớp chúng tôi khởi hành đi chùa Phật Tích. Chuyến đi tuy gọn nhẹ trong 1 ngày, nhưng là sự góp mặt nhiệt tình của các thành viên trong lớp, đặc biệt là một số thành viên từ lớp khác, sự hỗ trợ của các thầy cô và ban tổ chức. Chú Tuấn, lớp trưởng, thuộc mặt từng người, điểm danh vèo 1 cái, đủ cả và xe lăn bánh.

Chùa Phật Tích rất gần, trên xe chỉ vừa nói vài câu chuyện là cả đoàn đã tới nơi. Dưới sự hướng dẫn của thầy Thường, cả đoàn cùng leo núi về phía tượng Phật. Đặc điểm nhận dạng của đoàn là: mỗi người tay cầm 1 chiếc ghế xanh.


Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Buông xả gánh nặng

Theo traitimtubi.com.vi - "Thượng tọa Thích Trí Siêu là một nhà tu hành xuất gia từ bé, ông không chỉ là một thiền sư, mà còn là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ...), ông còn là một người Việt Nam "nguyên chất" với tất cả lòng tự trọng tự hào về dân tộc mình, thể hiện một cách lạ lùng ngoạn mục ở tất cả các công trình khoa học của ông. Với những khám phá của ông, chúng ta có đủ tư liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước...XEM TIẾP"

Ảnh: Cafemotminh
Hôm nay Trang CLB DSNL giới thiệu với bạn đọc trích đoạn trong bài viết "Giây phút hiện tại đẹp tuyệt vời" của Thượng Tọa Thích Trí Siêu, với hy vọng phần nào giúp chúng ta, những người luyện tập pháp môn Thiền Thu Lửa Tam Muội, biết cách buông xả gánh nặng đời thường để có những buổi luyện thiền đạt kết quả và giúp cuộc sống được an lạc hơn.

Buông xả gánh nặng 
* * * * * * *

         Trong buổi thuyết trình về "Điều hòa sự căng thẳng", giáo sư cầm ly nước đưa lên và hỏi thính chúng: "Ly nước này nặng khoảng bao nhiêu?"
         Nhiều người trả lời khoảng từ 20g đến 50g. Giáo sư nói tiếp: "Nó nặng chính xác là bao nhiêu không quan trọng. Vấn đề ở chỗ quý vị có thể cầm nó trong bao lâu?"
         "Nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một giờ thì tay tôi sẽ bị đau và nếu tôi cầm nó suốt một ngày thì chắc quý vị phải gọi xe cứu thương tới!"
         "Trong ba trường hợp trên, sức nặng của nó vẫn y nguyên, nhưng tôi cầm càng lâu thì nó càng nặng". Giáo sư tiếp: "Đó chính là lý do vì sao cần phải biết điều hòa sự căng thẳng. Nếu chúng ta cứ vác trên vai suốt ngày những gánh nặng thì không sớm cũng muộn, những gánh nặng đó sẽ trở thành nặng hơn cho tới lúc vai chúng ta bị gãy".
         "Trở lại với ly nước, tôi cần phải để nó xuống một lúc cho đỡ mỏi rồi mới cầm lên lại. Khi được nghỉ ngơi, khỏe khoắn thì chúng ta dễ vác những gánh nặng hơn".
         "Vậy thì trước khi trở về nhà tối nay, quý vị hãy để những gánh nặng của việc làm xuống. Đừng đem nó về nhà. Ngày mai trở lại sở hãy vác nó lên tiếp. Bất cứ những ưu tư, lo lắng, phiền muộn nào mà quý vị đang mang trong người, hãy để nó xuống trong giây lát. Dành trọn thì giờ để buông thả và quên đi. Đừng lo, chúng sẽ không chạy mất đâu. Khi nào nghỉ ngơi khỏe khoắn thì hãy vác chúng lên lại. Cuộc đời ngắn ngủi lắm! Đừng dại dột ôm giữ chúng hoài!"

         Trong kinh Nhất dạ hiền giả (còn gọi là kinh Người biết sống một mình), thuộc Trung Bộ kinh, Đức Phật có dạy đừng tìm về quá khứ, vì quá khứ đã qua rồi, đừng tìm về tương lai, vì tương lai chưa tới, hãy an trú trong hiện tại. Các thiền sư cũng thường dạy như vậy, nhưng Phật tử nào cũng ôm đồm đủ thứ, nào là lo xây chùa, lập hội, tổ chức cơm xã hội gây quỹ, lễ lược, v.v... Đi làm về nhà thì chưa quên việc sở, bàn tán chuyện sở với bạn bè và vợ con. Đến chùa thì chưa quên việc nhà, đem chuyện chồng con, gia đình, họ hàng kể lể với bạn đạo. Lời Phật dạy hình như nghe quen quá thành nhàm. Câu chuyện ly nước trên nhìn qua chẳng ăn nhập gì với đạo Phật, nhưng nếu biết nhìn với nhãn quan đạo Phật thì nó cũng là bài pháp dạy cho ta buông xả, xả những vọng tưởng, phiền não, lo lắng, ưu tư bất tận của chúng ta.
         Ta sống trong đời, nhiều căng thẳng, bực dọc, chúng ta tìm đến chùa để mong tìm sự giải thoát, nhưng vô tình không biết buông xả những gánh nặng trong tâm. Trước khi bước vào cổng chùa, chúng ta nhớ đặt những gánh nặng thế gian (việc làm, gia đình, tình cảm, thế gian,...) ở bên ngoài. Vào chùa là để cho tâm nghỉ ngơi, lấy sức để khi ra về có sự khỏe khoắn sáng suốt giải quyết vấn đề.
(Trích theo bài viết "Giây phút hiện tại đẹp tuyệt vời" của Thượng Tọa Thích Trí Siêu) 

Đọc toàn bộ bài viết TẠI ĐÂY.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Thơ tặng từ trang bạn

Thu nhận được mail từ một môn sinh bên trang Trường Sinh Học Dưỡng Sinh gửi đến.

"Tôi xin mạo muội đề thơ cho tấm ảnh của các hội viên CLB Dưỡng sinh Năng lượng đi dã ngoại chụp ảnh lưu niệm tại Khu Du lịch Suối Hai nhé! Bài này cũng đồng thời là bài họa số 3 cho bài "Tặng chồng yêu" trên trang website  http://www.truongsinhhocds.com mời quý vị cùng thưởng thức.

Năng lượng tình thương

Kính tặng CLB Dưỡng sinh Năng lượng

                                    Thư thả rủ nhau, ới bạn hiền
                                    Cùng đi dã ngoại lớp… tu thiền
                                    Ông già chịu luyện, ngồi thêm trẻ
                                    Bà lão chăm rèn, tịnh bớt phiền.
                                    Mạnh khỏe nam thanh vui gặp bạn
                                    Thắm tươi nữ tú đẹp như tiên
                                    Năm dài đủ sức thăm đây đó
                                    Trải rộng tình thương – Ai chép biên?

Việt Trì, 06h30’ ngày 09 tháng 6 năm 2013
Môn sinh HOÀNG TIẾN NHẪN 
(TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Bộ ảnh chụp lưu niệm các lớp và chụp cùng ban Giám đốc Nhà nghỉ

Ảnh Thu đã sửa, bác nào cần rửa theo link dẫn sang bộ ảnh bên Picasa, chọn ảnh, download xuống. Link sang Picasa TẠI ĐÂY.


Tìm lời bình cho một bức ảnh

Thu đã sửa xong bộ ảnh chụp lưu niệm các lớp đợt dã ngoại Suối Hai vừa rồi. Vì muốn mọi người rửa được những tấm ảnh đẹp nên upload ảnh nguyên size, chỉnh lại độ phơi sáng, độ tương phản, độ sắc nét cũng như cắt lại khuôn hình cho gọn. Mọi khi sửa trên PC, lần này lại upload rồi mới dùng bộ công cụ sáng tạo trên Picasa để sửa. Do tốc độ mạng chậm nên công việc mất khá nhiều thời gian. Trong bộ ảnh có một bức ảnh Thu cứ ngắm đi ngắm lại mấy lần định xóa. Sau rồi thấy ngồ ngộ nên để lại. Cả nhà ngắm kỹ và chú thích bức ảnh dùm Thu. Ảnh chụp lưu niệm giữa Ban CN, nhóm hỗ trợ và các giáo viên phụ trách lớp. Không biết lúc đó cô Huệ chạy đâu nên không có mặt.


Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Tùy duyên

Ở CLB thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy câu trả lời "Tùy duyên." "Chị có đi/ đến/ làm/ tham gia...được không?" "Chưa biết. Thôi thì tùy duyên." Vậy tùy duyên là thế nào? Có một trích đoạn từ câu trả lời cho câu hỏi của một phật tử than phiền về việc mình tu giữa đời thường khó quá, tu mãi vẫn chưa thấy chuyển, thân tâm chưa được an lạc, phải chăng do tu chưa đúng pháp. Mời cả nhà cùng đọc.

 Ảnh: Cafemotminh

ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY LÀ MÔI TRƯỜNG TU TẬP TỐT
 * * * * * * * * * * *  

         Biết sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha mới gọi là sống đúng, sống tốt. Sống đúng là nhờ nhận thức đúng, sống tốt là nhờ hành vi tốt. Vì vậy thường nên điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi trong đời sống thực tế hàng ngày. Khi bạn nhận thức hoàn toàn đúng gọi là Minh Túc, và hành vi hoàn toàn tốt gọi là Hạnh Túc. Vì vậy Đức Phật có đức độ hoàn hảo gọi là Minh Hạnh Túc (Vijjà-carana-sampanno).

         Đời sống hàng ngày mới là môi trường tu tập tốt nhất. Thí dụ bạn làm việc trong nhà hàng với tâm phục vụ mọi người là đang tập sống với đức tính vô ngã vị tha. Và khi làm việc bạn thường thận trọng chú tâm quan sát mình trong bối cảnh công việc, không để tâm lang thang trong vọng tưởng mà luôn trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình, như vậy là bạn đang sống tuỳ duyên, thuận pháp. 

         Tuỳ duyên là tuỳ hoàn cảnh, tuỳ công việc hay tuỳ điều kiện sẵn có, thuận pháp là sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành (qua sự thận trọng, chú tâm, quan sát và khi phân tâm biết trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình trong hiện tại).

         Nếu bạn làm được như vậy, bạn sẽ thấy tiến bộ trong tu tập một cách kỳ diệu.
(Nguồn: www.trungtamhotong.org)

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Có những buổi sinh hoạt vui vẻ như thế

Dã ngoại thật vui
Nguyễn Thị Huyền
Lớp CT6 BXT
         Trong các đợt dã ngoại, CLB chúng tôi thường dành ra một khoảng thời gian để các lớp giao lưu - chia sẻ.  Khi học, học viên lớp nào sinh hoạt với lớp đó, chỉ có đi dã ngoại chúng tôi mới có dịp gặp gỡ, làm quen với các bạn đồng môn ở lớp khác. Chúng tôi được nghe các bác, các cô chú chia sẻ kinh nghiệm luyện tập, qua đó chúng tôi học hỏi được nhiều và có thêm niềm tin vào môn mình đang luyện tập.
         Đợt dã ngoại này vào tối ngày 25/5, ngày thứ 2 của đợt dã ngoại. Tham dự buổi giao lưu - chia sẻ có Ban Giám đốc Nhà nghỉ Công đoàn Suối Hai: ông Vũ Mạnh Vương (giám đốc), bà Trịnh Thị Tường (phó giám đốc); Thầy Trần Văn Nghĩa (phó chủ nhiệm CLB DSNL) cùng các thầy cô trong ban chủ nhiệm, ban hỗ trợ, giáo viên các lớp và hội viên, học viên bốn lớp DSNL8 (CT6 BXT), DSNL6 (ST5 TDH), DSNL 9 (CT5 TDH), DSNL10 (CT7 HQV). Tổng số toàn đoàn 98 người.
         Đêm giao lưu chia sẻ tại hội trường Nhà nghỉ Công đoàn Suối Hai đã mang đến một không khí rất vui tươi và hào hứng cùng với các tiết mục văn nghệ góp vui khá đặc sắc bao gồm ca, múa, ngâm thơ…

 Bác Trần Quốc Đắc (Lớp DSNL6)
         Mở đầu là bài chia sẻ kết quả luyện tập thiền của bác Trần Quốc Đắc (DSNL6) và đọc bài thơ do bác sáng tác ‘‘Tôi thiền Lửa Tam Muội”. Bác Đắc chia sẻ bác bị bệnh gout và mỡ máu, mỗi khi đi bộ là chân bác lại nhức nhưng từ khi đi thiền bác không phải đối mặt với những cơn đau gout trước đó. Những lúc mệt mỏi, đau nhức bác ngồi thiền là thấy giảm hẳn, giờ đi bộ lâu không thấy mệt. 

 Bác Lê Đình Ân (Lớp DSNL6)
          Bác Lê Đình Ân (DSNL6), một cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, mang trên mình nhiều bệnh do những năm đi chiến trường, chia sẻ về quá trình luyện thiền để điều chỉnh căn bệnh tiểu đường và nhiều bệnh khác. 

 Bác Phạm Thị Diệp Lục (Lớp DSNL9)
         Tiếp theo buổi giao lưu là bác Phạm Thị Diệp Lục (DSNL9) lên chia sẻ về “được và mất” cũng như kết quả bước đầu của việc mạnh dạn dùng năng lượng sinh học để điều chỉnh bệnh cho 2 đứa cháu bị gãy chân, gãy tay mặc dù năng lượng của bác thấp. Những lời chia sẻ chân tình và cách nói dí dỏm của bác khiến cả hội trường cười rộn rã. 

 Bác Lê Mạnh Hùng (Lớp DSNL 10)
         Bác Lê Mạnh Hùng (DSNL10) bị huyết áp cao, mỡ máu và hay đau đầu dẫn đến mất ngủ, bác chia sẻ đã từng đi tập rất nhiều lớp yoga, dưỡng sinh nhưng vẫn không có kết quả chỉ từ khi đến với lớp thiền dưỡng sinh của CLB ta bác mới thấy bệnh tình thuyên giảm đi rất nhiều dù thời gian luyện tập chưa lâu. 

 Bác Trần Thị Đặng (Lớp DSNL8)
         Cũng giống như bác Hùng, bác Trần Thị Đặng (DSNL8) cũng bị đau đầu mất ngủ và huyết áp cao, mỗi ngày bác phải uống thuốc đều đặn, cũng chính nhờ thiền mà giờ đây bác không phải dùng đến thuốc nữa.

 Bác Phạm Ngọc Chương (Lớp DSNL10)
 Bác Nguyễn Năng Tĩnh và Lê Thị Tý (Lớp DSNL10)
 Chị Đoàn Thị Quỳnh Nga (nhân viên Nhà nghỉ Công đoàn)
         Góp vui với sinh hoạt xen kẽ với phần chia sẻ kinh nghiệm là những tiết mục văn nghệ rất đặc sắc đến từ lớp DSNL 10. Tiết mục đơn ca nam bài "Sông Lô chiều cuối năm" của bác Phạm Ngọc Chương (lớp trưởng), song ca nam nữ bài "Người đi xây kẻ gỗ" (bác Nguyễn Năng Tĩnh và bác Lê Thị Tý), đơn ca nữ bài "Khúc hát sông quê"(chị Đoàn Thị Quỳnh Nga - cán bộ nhà nghỉ Công Đoàn), đặc biệt kết thúc buổi giao lưu là tiết mục "Cô gái Sầm Nưa" của bác Nguyễn Năng Tĩnh và nhóm múa phụ họa đã làm cho không khí của cả hội trường náo nhiệt và sôi động.
         Buổi sinh hoạt kết thúc lúc 9h15, mọi người đều cảm thấy vui và thấy gần gũi với nhau hơn, như trong một gia đình lớn.
Viết sau đợt dã ngoại tháng 5/2013
*Xem ảnh buổi giao lưu - chia sẻ TẠI ĐÂY.