Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

ĐÔI DÒNG CẢM XÚC

Chị Phan Hà là học viên với lớp DSNL16 - bạn của chị Lưu Mai Phương đã làm bài thơ ĐÔI DÒNG CẢM XÚC ngay tại Côn Sơn, trong lần dã ngoại đầu tiên cùng với CLB. Được phép của chị, Hoàng Vân xin đăng bài thơ này lên trang nhà để cả nhà mình cùng chia sẻ niềm vui với chị.

Cám ơn Thầy Tổ ĐASIRA NARAĐA
Cùng thầy cô giáo thật là mát tay
Chăm sóc học viên từng ngày
Nhẹ nhàng êm ái như là Cô Tiên
Hội viên ở khắp mọi miền
Về đây tu luyện như trong một nhà
Gặp nhau nói chuyện chan hòa
Chia sẻ kinh nghiệm ngồi thiền ra sao
Thầy cô chẳng quản gian lao
Tu luyện công lực chữa cho mọi người
Thầy cô luôn nở nụ cười
Nét mặt đôn hậu, nụ cười vô tư
Mỗi lần đến lớp thật vui
Nước ngon cô nấu, ghế ngồi thật êm.

Chúng con cung kính xin Người
Gia ân phù hộ độ trì chúng sinh
Cho con xin lực gia trì
10 vòng cầu lửa đi vào luân xa
Lửa tam muội đến quanh ta
Trùm vào cơ thể cho ta lửa vàng
Khai thông bế tắc bệnh tình
Điều chỉnh khiếm khuyết cho mình khỏe ra
Đào thải bệnh tật bay xa
Đi vào cơ thể - tinh hoa diệu kỳ.

Đến nay bệnh đã đỡ nhiều
Công ơn Thầy tổ trong lòng con ghi
Giờ con không biết nói gì
Đôi dòng cảm xúc tỏ lòng BIẾT ƠN.

Côn Sơn, 17/5/2014
Phan Hà

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Báo cáo kết quả luyện tập thiền

         Tôi là Phạm Duy Khiêm, hội viên lớp sáng T6 - BXT xin báo cáo kết quả quá trình luyện tập thiền như sau:
      Tôi được một người anh họ giới thiệu CLB DSNL. Ngày 1/3/20o9, tôi được nhận vào lớp và bắt đầu luyện tập thiền. Tôi được biết: "Thiền là kỹ thuật tu luyện nhằm đưa cơ thể sống con người hòa nhập với trạng thái tự nhiên huyền diệu của trật tự vũ trụ. Năng lượng vào sẽ lưu thông mọi ách tắc, tái tạo, điều chỉnh bổ sung mọi khiếm khuyết, đào thải các chất độc hại, ô trược và bệnh tật ra khỏi cơ thể để cơ thể khỏe mạnh". Với mục đích này làm tôi rất phấn khởi và hăng say luyện tập.
         Đúng là vạn sự khởi đầu nan. Lúc đầu tưởng ngồi thiền dễ nhưng khi vào luyện tập mới thấy rất khó. Nó khó ở chỗ làm sao ngồi tĩnh lặng được lâu. Mới đầu ngồi được 30 phút đã thấy ê ẩm cả mông, đùi và chân, sau đó mỏi lưng, mỏi vai, và hai tay. Nhưng khó nhất vẫn là "tâm không vô thức", vì trong mỗi phút mỗi giây "bao nhiêu ý nghĩ chợt đến chợt đi" không để cho mình vô thức. Làm được 2 điều đó là cả một quá trình lao tâm và mất nhiều thời gian. Nhưng vì mục đích có được một cơ thể khỏe mạnh và không bệnh tật, tôi đã kiên trì luyện tập. Thời gian đầu cố gắng ngồi mỗi ngày được một tiếng đồng hồ, sau đó tăng dần lên tiếng rưỡi và đến nay ngồi được 2 tiếng có kết quả tốt. Để khắc phục sự đau, mỏi chỉ bằng cách kiên trì luyện tập, sau một thời gian sẽ quen và sự đau, mỏi sẽ hết. Còn việc không vô thức được phải khắc phục bằng cách khấn xin Thầy Tổ trợ duyên và quán tưởng như Đức Thầy Tổ đang ngồi bên cạnh đưa mình vào trạng thái vô thức. Cứ như vậy sẽ thực hiện được "tâm không vô thức".
         Thời gian đầu, tôi cố gắng thu nạp thật nhiều năng lượng để nuôi dưỡng cơ thể và "tái tạo, bổ sung mọi khiếm khuyết và đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể", sau đó vận dụng năng lượng để chữa bệnh.   
         Trước đây tôi rất nhiều bệnh: chóng mặt, lúc nào cũng thấy lảo đảo, đứng lâu mà không có chỗ tựa là chỉ chực đổ; nhịp tim thì rối loạn, đập nhanh, có lúc đập rất nhanh, phải uống thuốc để kiềm chế lại, đứng lên ngồi xuống mắt cứ tối sầm lại; huyết áp cao; khớp 2 đầu gối bị thoái hóa, đi lại khó khăn; lại còn bị đau dạ dày. 
         Khi đo năng lượng thấy đã tích lũy được kha khá, tôi vận dụng năng lượng để chữa bệnh. 
         - Trước hết tiến hành chữa bệnh chóng mặt bằng cách thu năng lượng vào luân xa 6 và luân xa 7 rồi quán tưởng đưa năng lượng vào não bộ để hệ thần kinh lưu thông mọi ách tắc, tái tạo, bổ sung mọi khiếm khuyết, các hệ thần kinh thực vật, não tủy, giao cảm và phó giao cảm hoạt động cân bằng. Cứ như thế một thời gian hiện tượng chóng mặt mất hẳn.
         - Khi chữa bệnh ở bộ máy tuần hoàn thì thu năng lượng vào tim qua luân xa 4, quán tưởng năng lượng vào tim và hệ thống mạch máu lưu thông mọi ách tắc, tái tạo bổ sung mọi khiếm khuyết, đào thải các chất độc, cặn bã ra khỏi bộ máy tuần hoàn để bộ máy tuần hoàn khỏe mạnh và hoạt động cân bằng. Cứ làm như vậy một thời gian thấy bộ máy tuần hoàn khỏe mạnh, hoạt động nhịp nhàng trở lại. Nhịp tim ổn định (65-70 nhịp/phút), huyết áp ổn định ở mức 140/80. Không còn hiện tượng đứng lên ngồi xuống tối sầm mắt lại như trước nữa. 
         - Chữa bệnh đau dạ dày cũng dùng năng lượng để chữa bằng cách đưa năng lượng từ lao cung vào dạ dày và kết quả cũng rất tốt. Cho đến nay không còn thấy đau nữa.
         - Chữa thoái hóa khớp đầu gối: Trong quá trình chữa bệnh tôi nhận thấy chữa các bệnh rối loạn về chức năng sinh lý thì dễ chữa và nhanh khỏi hơn, còn các bệnh do lão hóa thì lâu và khó hơn. Bệnh thoái hóa khớp đầu gối là bệnh lão hóa. Để chữa bệnh này tôi dùng cách khấn xin Đức Thầy Tổ về trợ giúp, sau đó phát năng lượng ra 2 lòng bàn tay rồi úp vào 2 đầu gối quán tưởng năng lượng vào làm tăng sinh lớp sụn và dịch nhờn khớp gối để khớp đầu gối trở lại hoạt động bình thường và dẻo dai. Tôi kiên trì chữa bằng cách đó, đến nay thấy có chuyển biến tốt, đi lại dễ dàng và đỡ đau hơn.
         Do quá trình luyện tập thiền mấy năm nay, tôi cảm thấy cơ thể rất khỏe mạnh, không mệt mỏi, ăn ngon, ngủ yên, tinh thần rất sảng khoái. Đã là lớp người "xưa nay hiếm" nhưng không cảm thấy già, vẫn trẻ trung, vui vẻ và yêu cuộc sống. Muốn có được kết quả khi thiền thì phải làm tốt mấy việc sau đây: 
         - Phải luyện tập đều, khi thiền phải tập trung cao độ, tốt nhất là thiền theo bài nhạc hướng dẫn để không bị phân tán khi thiền.
         - Nên chọn khung giờ tốt nhất để thiền. Trước đây tôi đã chọn rất nhiều khung giờ để thiền nhưng tốt nhất là ngồi vào khoảng thời gian từ 4-6h sáng, lúc đó rất yên tĩnh lại vừa sau một giấc ngủ ngon, tinh thần rất sảng khoái, không có bất cứ một sự quấy rầy nào từ bên ngoài cho nên kết quả thiền rất cao. 
         - Tích cực đi dã ngoại.
         Sau mấy năm luyện tập thiền, tôi thấy con người tôi khác hẳn, khỏe mạnh, trẻ trung và yêu đời. Được như vậy là nhờ công ơn của Đức Thầy Tổ, sự chỉ bảo tận tình của Thầy Chủ nhiệm CLB và sự giúp đỡ của tất cả các anh chị và các bạn trong lớp để tôi có được kết quả như ngày nay. Tôi xin ghi tạc công ơn này.
         Tôi mong tất cả chúng ta đều cố gắng để ai nấy đều có được cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật, trẻ trung và vui vẻ. 
         Xin chân thành cảm ơn.
Hà Nội, ngày 25/4/2014

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Đến với CLB DSNL - Cuộc sống của tôi trở nên có ý nghĩa hơn

Đặng Thị The
Lớp ST6 - BXT
         
          Tôi là học viên lớp sáng T6 ở BXT của CLB DSNL. 
         Đến với CLB từ tháng 5/2011 tôi mang theo những thứ bệnh trong người: bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày, đại tràng, huyết áp cao, thoái hóa, thoát vị đốt sống cổ, bệnh đau đầu, mất ngủ triền miên.
         Nhớ lại những ngày đầu khi tập luyện ngồi thiền thật gian nan. Cứ nghĩ ngồi không, không phải làm gì là an nhàn, dễ chịu lắm. Ai ngờ nhạc thiền mở được 15-20 phút là ngáp liên hồi, nước mắt chảy dàn dụa, những cơn buồn nhủ liên tục kéo đến rồi chân đau nhức mỏi. Sau nhiều lần đổi chân và đấu tranh tư tưởng lắm mới ngồi hết bài thiền 1 tiếng. 
         Những hôm ngồi thiền bớt được ngáp vặt thì những thứ trên trời dưới biển thi nhau nhảy nhót xáo trộn. Thân ngồi một chỗ nhưng tâm đi du lịch khắp nơi và làm mọi việc. Lúc đó tôi chỉ muốn làm sao giữ được tư thế yên lặng không thay đổi trong 1 tiếng là lý tưởng lắm rồi. 
         Cứ như thế ngày qua ngày, thấm thoắt đã gần 3 năm trôi qua, đối với tôi bây giờ thiền hàng ngày như một nhu cầu thiết yếu. Hôm nào vì bận không thể thiền được thì thấy khó chịu và thiếu vắng cái gì đó. Nhờ vậy tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, không phải trằn trọc mất ngủ lo nghĩ phiền muộn về bệnh tật, thần kinh đỡ căng thẳng và bệnh đau đầu cũng giảm hẳn. 
         Đến với CLB DSNL không chỉ bản thân tôi thấy được lợi ích và duy trì theo học mà ông xã tuy không đến lớp vì bận công tác nhưng nhờ Thầy mở luân xa và tự giác kiên trì tu tập nên rất phấn khởi và tinh tấn trong tập luyện.
         Hãy đến với CLB, bạn sẽ chiêm nghiệm được những lợi ích cho sức khỏe và tâm linh của mình đó là lời chia sẻ tâm sự của tôi.
Hà Nôi, 21/3/2014

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

THÔNG BÁO

Ban Chủ nhiệm CLB DSNL thông báo tất cả các lớp nghỉ hè từ ngày 2/6 đến ngày 16/6.
Đề nghị giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự các lớp lưu ý phổ biến cho các học viên - hội viên.
Ban CN CLB DSNL

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Làm sao từ bỏ tham - sân - si (tiếp theo)

......
         Đa số người học Phật, thấy Phật Tổ dạy trong kinh luận: Thân này là vô thường giả tạm, chúng ta cũng nói theo thân này là vô thường giả tạm. Chớ tự mình chưa có kinh nghiệm bằng trí tuệ thấy rõ thân này vô thường giả tạm; nên miệng nói thân vô thường giả tạm, mà ý niệm cứ nghĩ mình thật, mình sống lâu, nên tham lam sân giận mãi không hết. Giờ đây phải dùng trí quán sát thân này thật là giả, thì tham sân ngang đó liền hết. Bây giờ quí vị hãy nghe tôi hỏi:
- Hiện tại chúng ta ngồi đây, lỗ mũi đang làm gì?
- Dạ đang thở.
- Thở là sao và để chi?
- Thở là hít không khí của trời đất để sống.
- Không khí ở ngoài của trời đất, chúng ta hít vô là mượn, mượn vô rồi trả ra, trả ra rồi mượn vô, mượn vô rồi trả ra... mượn trả đều đặn gọi là sống. Nếu trả ra mà không mượn vào thì sao?
- Dạ chết.

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Nối dài yêu thương

Học Thiền để tâm an
Học Thiền cho Trí sáng
Thế rồi theo năm tháng
Ta tìm thấy bình an.

            Cuộc sống vẫn gian nan
            Dòng đời còn hối hả
            Thôi! Buông dần chấp ngã
            Chỉ giữ lại yêu thương.

                    Thêm yêu những con đường
                    Yêu hàng cây vạt cỏ
                    Thêm thương từng góc phố
                    Có mảnh đời gian truân.

                                  Thương những ai tảo tần
                                  Sớm hôm lo cuộc sống
                                  Thương ai còn đau ốm
                                  Thân tâm chẳng an vui.

                                                     Cứ Thiền...Cứ Thiền thôi
                                                     Cho tâm thêm rộng mở
                                                     Thử thách không đáng sợ
                                                     Khổ nạn rồi cũng qua.

                                                                    Đời vẫn đẹp như hoa
                                                                    Muôn hương và muôn sắc
                                                                    Trao vòng tay ấm áp
                                                                    Ta nối dài yêu thương. 
Tháng 5/2014
Võ Thị Lệ Hằng
Lớp DSNL6

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Làm sao từ bỏ tham, sân, si?

Được đọc bài giảng của Hoà Thượng Thích Thanh Từ (Sư Ông Thường Chiếu), Hoàng Vân thấy thấm thía quá, muốn chia sẻ với các đồng môn trong CLB. Cả nhà mình cùng đọc nhé. 

         Có người bệnh đến nhờ bác sĩ khám bệnh, bác sĩ khám xong đưa toa và dặn rằng: “Ông uống theo toa thuốc này thì bệnh sẽ hết”. Người bệnh nhận được toa thuốc hay, mừng quá, cầm đọc thuộc lòng, mà không chịu mua thuốc uống. Như vậy bệnh có hết không? Chắc chắn là không hết dù thầy giỏi, thuốc hay. Thế nên, khi được toa thuốc rồi phải mua thuốc uống mới hết bệnh.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Hương ngọc lan tháng 5


Xem bộ ảnh do Thầy Chủ nhiệm, Huấn, Nam và Vương chụp TẠI ĐÂY. 

"Chị ơi, sắp tới đi Côn Sơn đó. Chị đi không?"
"Thế à! Ừ, đi!" :)
-----
Đi học thiền, lúc nào cũng vui, nhưng khoảng thời gian thú vị nhất có lẽ là những chuyến đi dã ngoại lên núi Côn Sơn. Không biết từ khi nào, cái việc đi lên núi Côn Sơn đã trở thành cái việc được ưu ái hơn cả. Mình có thể dàn xếp mọi việc, chỉ để lên đó vài hôm rồi về. Hay thật! Có thể bởi đó là nơi mình có ấn tượng đầu tiên về các chuyến dã ngoại, nên cứ hay tưởng tượng rằng, đi thiền dã ngoại là leo núi vào lúc 5h sáng, là ngồi thiền trên cỏ, hít hà cái âm thanh vi vu của hàng thông reo, là ăn xôi, vân vân...
 
Chuyến đi tháng 5 này là một chuyến đi được mong đợi. Bởi nhiều lẽ, nhưng hơn cả, là bởi mình muốn dứt bỏ những mối tơ còn đang giăng mắc, trong cả suy nghĩ, lẫn trong ký ức. Tập thiền đã được hơn 3 năm, những khi nhìn lại bản thân, vẫn cảm thấy đó là một bức tranh còn loang lổ, với nhiều sắc mầu của tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố. Duy có điều, dần dần nhận rõ và chắc chắn vào con đường mình lựa chọn, để rồi kiên trì thay đổi bản thân mình.

Đến Côn Sơn trong một buổi chiều nóng. Gặp các bạn thiền vui biết bao. Tìm một góc thoáng mát để ngồi và để nói chuyện.
"Chị ơi, ra gốc cây ngọc lan đi."
Ôi, thơm! Và từ đó, cái hương ngọc lan cứ nhuốm đầy trong tâm trí.

Đáng nhớ nhất có thể là ca thiền tối thứ 6, ngồi giữa sân nhà nghỉ. Không biết có phải cái ý niệm về hương ngọc lan nó vấn vít từ chiều hay không, mà mình cứ tưởng tượng là mình đang trôi bồng bềnh như một cái lông trong mùi hương đó. Chưa khi nào cảm thấy khoan khoái như vậy! 

Đi thiền, mình thích nhìn thấy Thầy cứ chạy khắp nơi quán xuyến tình hình cả đoàn, mình thích các bữa cơm nhàn nhạt, thích ngồi phệt uống trà đêm và ngồi nói chuyện cùng các cô các bác. Lân rân nhớ lại nhiều điều! Thật là nhớ!

Trong cái mùi ngọc lan ngòn ngọt ấy, chợt nghĩ về lòng dũng cảm.

Có lẽ, đó là một trong những điều cần thiết nhất để đạt đến đích của việc tu. Đầu tiên là dũng cảm đối diện với mình. Việc này khó nhất, bởi hiếm khi chúng ta làm, mà thường chối bỏ bằng nhiều cách khác nhau, hoặc nhìn mình bằng cách thức của người khác. Đường tu chính là một con đường làm ngược lại những gì mình đã được sắp đặt, cho nên nó gập ghềnh giống như người ta đi trên núi hoang, với những trắc trở không lường trước được. Và chỉ khi có lòng dũng cảm, chúng ta mới có được tâm thái tự nhiên bình thản, để đi tiếp. Ngồi thiền có gì đâu, ai cũng nghĩ thế. Bởi chỉ thấy ngồi im thôi chứ có nặng nề gì. Nhưng kỳ thực đó là một chuyện cực khó, mà mình hình dung nó như một cuộc đương đầu, giữa người chủ quản, với đám ý nghĩ đang nổi loạn bên trong. Dẹp yên được chúng, là một công cuộc chứ không hề là chuyện một sớm một chiều.

Nói là một cuộc đương đầu, nhưng nó là một cuộc đương đầu không hề đơn điệu. Người tu sẽ thấy hơn ai hết, cuộc sống xung quanh nó đẹp một cách tinh tế, dù rằng điều đó được thể hiện trong cái sự đơn giản đến vô cùng.

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Tôi học được nhiều điều từ mỗi người trong CLB DSNL

Võ Thị Hương
Lớp DSNL 6
 Đợt dã ngoại tháng 11/2013 tại Suối Hai
         “Mẹ ơi, từ ngày tham gia CLB con thấy mẹ học hỏi được nhiều điều và thấy mẹ hay cười đấy mẹ!” Con gái vừa nói vừa cười với tôi. Một niềm vui dâng tràn, tôi khẽ: “” và lẳng lặng nhớ lại tất cả.
         Nhớ những năm trước, mỗi khi đến ngày 8/3, ngày sinh nhật tôi, tấm thiếp mà con tôi tặng luôn là dòng chữ: “Mẹ ơi, mẹ hãy vui lên, bớt lo cho con và em Bi, con mong nhìn thấy mẹ cười thật nhiều”.
         Biết vậy, nhưng để thay đổi bản thân thì không dễ và thực tế tôi không biết cách để thay đổi, để vượt qua.
         Cho đến đầu năm 2012, tôi được biết đến CLB là nhờ gặp được Thầy Nghĩa - phó chủ nhiệm CLB, sau đó tôi được gặp Thầy Thường - chủ nhiệm CLB, Cô Huệ, chị Hồng Thu, chị Hoàng Vân, bà Thoa, bà Yến rồi cô Bình, cô Hồng… Ý nghĩ mong muốn thay đổi bản thân, mong muốn tu tập, muốn sống tốt cứ ngày ngày mạnh mẽ thôi thúc tôi. Tôi thấy mình như tìm được con đường đi của chính mình. Ở mỗi người đều cho tôi nhận thấy mình học hỏi nhiều điều.

THÔNG BÁO

Ban Chủ nhiệm CLB DSNL thông báo về việc thay đổi giờ học.
Từ ngày 20/5/2014 các lớp học buổi sáng bắt đầu từ 7h30.
Mong giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự các lớp và hội viên - học viên lưu ý.

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Hoàng Thành Thăng Long - Kỷ niệm lớn của tôi

Kiều Thị Thuỷ
Lớp DSNL 13

Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.
         Ngày mồng 9 và mồng 10 vừa qua, tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) đã diễn ra đại lễ cầu siêu cho các vong linh anh hùng liệt sỹ, cầu Quốc thái dân an và hoà bình thế giới do Bộ Ngoại Giao, Uỷ Ban Nhà Nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức.
         Mặc dù không nhận được tấm vé mời (vì lý do đột xuất mà CLB chỉ nhận được số lượng vé mời có hạn) nhưng tôi vẫn quyết tâm từ Sóc Sơn đến Hoàng Thành Thăng Long dù có phải đứng ở ngoài cổng ngưỡng vào đại lễ. May thay, tới nơi cổng Hoàng Thành Thăng Long dang rộng đón tôi và những ai không có vé mời đều được vào.
         Đặt chân vào ngưỡng cổng Hoàng Thành mới có 7h30’ nhưng tôi thật sự xúc động vì rất đông, có đến cả vài ngàn người đã ngồi yên vị tại sảnh đại lễ. Rất nhiều người không phải là người Hà Nội mà đến từ vùng quê Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ… Họ đến từ rất sớm. 
         Vội vàng vòng quanh tranh thủ hỏi chuyện những người ở xa và đi chụp vài kiểu ảnh trước giờ đại lễ, rồi chạy đi chạy lại bê được cả mấy thùng nước phục vụ cho các bác, các cô, các chú trong CLB và mọi người xung quanh nữa. Lần đầu tiên trong đời tôi được tham dự một đại lễ lớn mang tầm cỡ Quốc Tế như thế này trong lòng phấn khởi lắm. Tìm một chỗ yên vị cho mình, bao quát xung quanh tôi thấy hiện lên là khuôn mặt rạng ngời háo hức mong chờ đến giờ đại lễ của tất cả các mọi người đang có mặt tại nơi đây. 
         Đúng 10h, ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNN về người Việt Nam ở nước ngoài đọc diễn văn khai mạc. Tiếp theo là lễ rước Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Nhiếp Chính Vương Gyalwang Dokhampa và Tăng đoàn Truyền Thừa Drukpa Ấn Độ trong không khí tưng bừng. Sau đó là lời khai thị của Đức Pháp Vương, lễ triệu thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát và Thánh Chúng, triệu thỉnh hương linh liệt sĩ, hương linh trong các thiên tai, cúng dàng Hoả tịnh, phóng sinh, vũ điệu Kim Cương Hộ Pháp… 
         Buổi lễ kết thúc lúc 13h. Bữa trưa tất cả phật tử đều được thụ lộc mà trong suốt đại lễ buổi sáng đã được các Chư Phật, Chư Bồ Tát và Thánh Chúng ban lực gia trì. Lần lượt ai cũng được nhận một phần lộc dù chỉ là một chiếc bánh mỳ, một chai nước hay một nắm xôi nho nhỏ. Dưới cái nắng giữa trưa lên tới đỉnh điểm, nhiệt độ là 37-38 độ C, nóng hầm hập không một gợn gió, mồ hôi lăn dài trên gương mặt và tấm lưng áo đẫm ướt vậy mà ai cũng ngồi nghỉ yên tại chỗ hoan hỉ chờ đến đại lễ buổi chiều. 
         Đúng 14h Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Nhiếp Chính Vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền Thừa làm lễ bắc cầu giúp các hương linh anh hùng liệt sỹ, các hương linh tử nạn trong các thiên tai và hương linh của các phật tử gửi lên vượt qua 6 cửa ải về nơi Tây Phương Cực Lạc. Không chỉ riêng tôi mà tất cả hàng ngàn phật tử cung kính bày tỏ lòng biết ơn Đức Phật A Di Đà và Đức Pháp Vương bằng khả năng thiền định đã ban lực gia trì đưa người thân của mình về đến cõi an lạc. Với vũ điệu Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát du hành dưới hình dạng một quỷ dữ đi diệt trừ tà ác, tôi cảm nhận một điều vô cùng thấm thía đó là cái ác thì sẽ bị tiêu diệt và cái thiện sẽ luôn được bảo vệ tồn tại mãi mãi.
         Kết thúc đại lễ của ngày mồng 9 vào buổi tối sau lễ cúng dường Đèn và hồi hướng. Hàng ngàn cây nến được thắp lên lung linh như những vì sao sáng lấp lánh, hàng ngàn người cùng hô vang "A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!" tiếng hô vang, vang mãi đưa tôi về tận Sóc Sơn bình an.
Hà Nội ngày 15/5/2014

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Nhờ thiền DSNL tôi sớm lành bệnh

Phạm Văn Vang
Lớp DSNL 6 TDH
Gần tám tháng qua mắt mờ dần
Sách, báo, tivi không xem được,
Đời buồn nhiều lúc lệ trào tuôn,
Khám mắt lần đầu thì mới biết (1)
Đục thủy tinh thể mờ cả hai
Mười phần còn lại chỉ một hai (2)
Nghĩ thoáng ký ngay mổ mắt trái (3)
Tuần sau tiếp tục mổ con hai (4)
Hai tuần mổ mắt phải nằm viện
Lớp Thiền không đến được không yên (5)
Nhưng vẫn Thiền mỗi ngày tiếng rưỡi
Cả những ngày sau mổ ba giờ (6)
Hai lần bước lên nằm bàn mổ
Sau lời khấn xin Đức Thầy Tổ (7)
Cùng lời cầu nguyện Đức Dược Sư (8)
Bông cúc vàng vành đỏ hiện lên
Nên mổ không đau người thanh thản
Bỏ băng, mắt sáng đẹp yêu đời
Ơn Đức Thầy Tổ, Đức Dược Sư
Ơn Thầy Chủ nhiệm, các thầy cô (9)
Ơn cả lớp 6 câu lạc bộ (10)
Không ngừng cho thêm năng lượng sạch
Đẩy lùi bệnh tật biết bao người
Bản thân tôi thường xuyên tu, luyện
Hai tư tháng bền bỉ từng ngày,
Kiên trì thực hiện: Chân - Thiện - Nhẫn
Học Thầy, học bạn ở mọi nơi,
Trên lớp cũng như đi dã ngoại
Học thêm sách, báo, học đường đời
Nên sớm cho tôi nguồn sáng mới
“Cửa sổ tâm hồn” được thảnh thơi.
Hà Nội ngày 24/4/2014
-----------------------------------------------
(1) Khám tại khoa mắt, bệnh viện Hữu Nghị
(2) 01/10 và 02/10
(3) Ký giấy đồng ý mổ mắt trái
(4) Mắt phải 02/10
(5) Lớp thiền DSNL Lửa Tam Muội
(6) Mổ mỗi mắt phải nằm bất động tới 3 giờ
(7) Thầy Tổ Đasira Narađa
(8) Đức Phật Dược Sư
(9) Thầy Chủ nhiệm CLB DSNL
(10) Lớp 6 - Lớp sáng thứ năm Trần Duy Hưng

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

THƯ CẢM ƠN

Ban Chủ nhiệm CLB DSNL nhận được thư cảm ơn của bác Nguyễn Văn Nhã, nhà ngoại cảm tâm linh, người đã giúp CLB có một số vé mời tới dự Đại lễ Cầu Siêu tại Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội. Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của bác và xin đăng lại toàn văn lá thư.

"Kính quý thiện hữu,

Đại lễ Cầu siêu cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới tại Hoàng Thành Thăng Long và Quảng Bình đã đạt thành tựu rất hy hữu và viên mãn.

Hàng triệu chư hương linh chiến sĩ, đồng bào, và gia tiên trong các thời kì đều được về cõi giới an lạc. 

Xin chân thành tri ân và cảm niệm công đức vô lượng của quý thiện hữu. Chúng ta nguyện tinh tấn tu tập để tri ân đến chư Phật, chư Bồ Tát, anh linh tổ quốc. 

Xin quý vị nhắn lại cho thân hữu. Rất cảm ơn.
 Nguyễn Văn Nhã"

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Bộ ảnh Đại lễ Cầu siêu QT

Chiều nay, anh Dương, học viên lớp chiều thứ 7 BXT, tặng CLB một bộ ảnh anh chụp tại Đại lễ Cầu siêu QT. Có thể nói đây là bộ ảnh đẹp, rất giá trị, không chỉ với những ai không dự lễ, mà ngay cả những người đến dự lễ cũng ngạc nhiên vì nhiều cảnh mình không được chứng kiến. Xin cảm ơn anh rất nhiều. Các video clip anh tặng Thu sẽ xử lý rồi đăng sau. 

Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Đại lễ Cầu siêu Quốc tế

Một số hình ảnh chụp từ điện thoại của chị Nguyễn Hoàng Vân, tại Đại lễ Cầu siêu Quốc tế ngày 9-10/5/2014 tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội. 
Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

THÔNG BÁO

Ban Chủ nhiệm CLB DSNL thông báo tất cả các lớp DSNL nghỉ sinh hoạt 2 ngày 9 và 10 tháng 5.

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

CÙNG SUY NGẪM

Cùng Suy Ngẫm
Cuộc sống là gì nhỉ? Mục đích cuộc đời bạn là gì? Bạn có đạt được những điều bạn mong muốn không? Đôi khi chúng ta cứ mải miết quay cuồng đi tìm cái “mục đích to lớn” của cuộc đời mà quên  mất rằng nó vẫn luôn hiện hữu ngay bên cạnh. Hãy  tỉnh táo để nhận ra và tận hưởng … đừng bỏ lỡ.

Mời các bạn cùng đọc và suy ngẫm câu chuyện:

VÒNG TRÒN CUỘC SỐNG

            Một buổi chiều nắng đẹp, người đàn ông nọ ra biển câu cá. Ông ta nằm thư giãn trên bãi biển, cắm cần câu trên cát trắng sợi dây câu dài vươn tít ra ngoài xa, bập bềnh với sóng xanh. Ông lim dim mắt tận hưởng nắng chiều ấm áp. Đúng  lúc đó một nhà doanh nghiệp trẻ từ đằng xa đi tới. Nhìn thấy người đi câu, anh ta bèn lại gần để trò chuyện:
            - Bằng cách này ông chẳng thể kiếm được nhiều cá đâu! Lẽ ra ông nên làm việc thì tốt hơn.
            Người đi câu ngước nhìn lên:
             - Vậy ư? Nếu tích cực làm việc thì tôi sẽ được gì nào?
           - Ông sẽ có tiền và có thể mua được tấm lưới lớn, bắt được nhiều cá hơn – Thương nhân trẻ tuổi đáp.
             - Rồi sau đó?
           - Ông sẽ kiếm được thêm nhiều tiền từ đó và có thể mua một chiếc tàu. Sản lượng đánh bắt cá sẽ càng cao thêm.
            - Tôi còn có thể nhận được những gì nữa? – Người đi câu cười.
Nhà doanh nghiệp bắt đầu khó chịu với câu hỏi của người đi câu:
            - Ông sẽ có thể mua được tàu đánh cá to hơn nữa và thuê người làm cho ông.
            - Rồi sau đó?
           - Ông sẽ có thể xây dựng cả một đội tàu đánh cá lớn, đi vòng quanh thế giới và để người lao động đánh bắt cá cho ông.
            Một lần nữa người đi câu hỏi:
            - Thế lúc đó tôi được gì?
Thương gia đỏ mặt vì giận dữ, hét toáng:
           - Chẳng lẽ ông không hiểu? lúc đó ông trở nên giàu có tới mức ông không bao giờ phải động chân động tay làm việc để kiếm sống nữa. Ông có thể ngồi cả ngày trên bãi biển xinh đẹp này và thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn. Ông sẽ không còn một lo lắng nào trên đời này nữa.
Người câu cá vẫn mỉm cười, nhìn chàng thương gia trẻ với vẻ thương hại:
           - Thế cậu thấy tôi đang làm gì đây?

Sưu tầm: Trần Ngọc Tuyết - lớp CT7 Quang Trung