Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Làm sao từ bỏ tham, sân, si?

Được đọc bài giảng của Hoà Thượng Thích Thanh Từ (Sư Ông Thường Chiếu), Hoàng Vân thấy thấm thía quá, muốn chia sẻ với các đồng môn trong CLB. Cả nhà mình cùng đọc nhé. 

         Có người bệnh đến nhờ bác sĩ khám bệnh, bác sĩ khám xong đưa toa và dặn rằng: “Ông uống theo toa thuốc này thì bệnh sẽ hết”. Người bệnh nhận được toa thuốc hay, mừng quá, cầm đọc thuộc lòng, mà không chịu mua thuốc uống. Như vậy bệnh có hết không? Chắc chắn là không hết dù thầy giỏi, thuốc hay. Thế nên, khi được toa thuốc rồi phải mua thuốc uống mới hết bệnh.


         Hiện tại quí phật tử nghe kinh, học đạo biết tham, sân, si là xấu, là bệnh. Vậy quí vị bỏ được chưa? - Chưa. Đây là điều mà tôi muốn nhấn mạnh hôm nay. Chúng ta học kinh luận, ai cũng biết sân là món độc làm tiêu mòn hết công đức tu hành. Một lần nổi sân thì bao nhiêu công đức tu hành gây tạo hồi nào đến giờ ngang đây liền tiêu tán. Chẳng hạn từ trước đến giờ quí vị đối xử với mọi người rất tốt, giúp ích đỡ đần họ mọi việc, nên họ biết ơn và thương mến quí vị. Nhưng một hôm nào đó họ làm điều bất chánh, khiến cho quí vị bực mình nổi sân la chưởi họ làm cho họ ghét quí vị, thì công ơn mà quí vị giúp họ mấy năm qua không còn nữa. Chỉ một phút giây nổi sân là công đức tiêu tan hết. Sân giận tác hại như thế! Quí vị học ba năm qua, buông bỏ sân giận được bao nhiêu rồi? - Dạ chút chút. Học ba năm mà bỏ được chút chút, như vậy là tiến chậm quá! Học Phật mà chưa bỏ được tham, sân, si là chưa có thực hành, chưa có tu, thì sẽ bị người đời chê cười : Chị đó đi chùa học đạo đã lâu, thế mà đụng tới chị nổi sân ầm ầm, học đạo như vậy đâu có lợi ích! Chính vì vậy mà hôm nay tôi phải nhắc nhở quí vị. Những điều quí vị đã học thì phải nỗ lực tu hành và phải nhớ đi chùa về nhà, ai nói gì cũng nhịn cũng vui vẻ.

         Năm vừa qua có một phật tử từ Bến tre đến Thiền viện, lúc mười giờ trưa, gần tới giờ thọ trai. Ông xin tôi cho hỏi hai câu, được giải đáp xong là ông về Bến tre liền. Ông hỏi:

         - Thưa Thầy, con học đạo hiểu đạo, ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật.
          - Nhưng không biết tại sao nóng giận con bỏ chưa được, tham lam con bỏ cũng không được, thấy cái gì đẹp con cũng ham. Xin Thầy chỉ dạy con phương pháp bỏ được tham, sân, si?

         Quí Phật tử hiện có mặt ở đây có giống phật tử Bến tre này không? Đa số phật tử đều vấp phải lỗi này. Vậy làm sao bỏ được nóng giận, làm sao bỏ được tham lam? Tụng kinh niệm Phật cũng chưa hết tham sân. Còn tụng kinh, còn niệm Phật thì tham sân tạm lóng lặng một chút. Ngưng tụng kinh, thôi niệm Phật gặp duyên thì tham sân vẫn bộc phát. như vậy làm sao cho hết tham sân? Tôi hỏi đạo hữu ấy rằng:

         - Theo đạo hữu thì mỗi khi người ta làm trái ý đạo hữu, đạo hữu nổi giận lúc ấy đạo hữu phải làm sao?
         - Thưa, phải nhịn.

         À nhịn lần thứ nhất. Nhưng lần thứ hai họ làm nữa, đạo hữu ráng nhịn lần thứ hai. Lần thứ ba họ làm nữa thì đạo hữu làm gì? Chắc nói: “Tôi nhịn lần thứ ba rồi nghe, lần nữa là tôi không nhịn đó!” Phải vậy không? Bởi nhịn đây là do đè. Vì đè nên quá sức chịu đựng thì bung. Vậy, muốn không giận mà cũng không cần nhịn phải làm sao? - Cần thấy rõ nguồn gốc sanh ra nó. Sở dĩ chúng ta có tham lam, có sân giận là do chấp ngã, thấy mình quá cao, quá lớn, muốn như thế này, muốn như thế nọ; muốn mà không được thì tức giận. Ví dụ quí vị ở nhà với quyền làm cha làm mẹ, mỗi khi con cái làm điều gì trái ý liền nổi giận la rầy. Còn đến cơ quan chính quyền, họ làm ngược ý, quí vị có dám giận không? - Không. Tại sao con cái làm trái ý quí vị giận còn chính quyền làm ngược ý quí vị không dám giận? - Tại sợ. vì đến cơ quan chính quyền, quí vị tự thấy mình thấp hơn họ, nên sợ không dám giận. Còn con cái trong nhà, quí vị thấy nó nhỏ, cái ngã quí vị cao lớn hơn nó nên dễ nóng giận. Rõ ràng bệnh sân giận gốc từ chấp ngã mà ra, chấp ngã là do si mê. Như vậy, muốn hết sân giận phải phá trừ chấp ngã, làm cho cái ngã mòn đi, thấp xuống. Đó là then chốt của sự tu hành. Sở dĩ chúng ta chấp ngã là do chúng ta thấy thân tâm mình là thật, nên quí nó, thấy nó cao trọng hơn mọi người, lo vun bồi tô đắp cho nó to lớn thêm. Giờ đây quán chiếu thấy nó vô thường, duyên hợp tạm có không thật, thấy như thế niệm chấp ngã liền tan.
(Còn tiếp)
Hoàng Vân chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.