Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Tôi thật may mắn khi đến được với CLB DSNL

Nguyễn Thị Ngọc Thanh
Lớp DSNL 13
 Dã ngoại một ngày ở chùa Bách Môn (tháng 4/2014)

         Tôi thật may mắn và hạnh phúc được là học viên của lớp DSNL 13. Tôi xin cảm ơn Đức Thầy Tổ Dasira Narađa đã tìm ra pháp môn Thiền Thu Lửa Tam Muội, tôi cũng cảm ơn Ban chủ nhiệm đã duy trì và phát triển được CLB DSNL ngày càng lớn mạnh, trong nhiều năm qua CLB đã mang lại sức khỏe hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người và cả gia đình của họ.

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

THÁNG SÁU – MỘT CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA

Xem lại bộ ảnh "Tháng 6 - TP.HCM" TẠI ĐÂY. Ảnh đi Đã Nẵng, Thu sẽ biên tập sau.

          Chỉ còn gần 2 tháng nữa là CLB DSNL của chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập để nhìn lại chặng đường hoạt động và phát triển liên tục. Tháng sáu CLB lại có một chuyến đi đầy ý nghĩa vào Nam để tiếp tục nối tiếp những chặng đường phát triển.
         9-10/502014 nhà nước tổ chức Đại lễ Cầu siêu Quốc tế ở Hoàng Thành Thăng Long, CLB ta vinh dự có 150 giấy mời. Do nhân duyên, tại lễ Cầu siêu ấy, một người từ phía nam đến với CLB qua cháu Thủy dẫn đường. Người đó là cháu Trịnh Thị Huệ ở quận 7, thành phố HCM. Thầy trò gặp nhau trao đổi nguyện vọng, chúng tôi đã làm nhiệm vụ hướng dẫn ban đầu.

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

TÁM QUYỂN SÁCH QUÝ (Trích đoạn)

Căn Bản Phiền Não

1. THAM là tham lam. Người tham lam, tánh hay để ý dòm rình những cái gì họ ưa thích: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v… Rồi họ lập mưu này kế nọ, để tìm kiếm cho được, được mấy cũng không vưà, nên tục ngữ có câu: "Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy!" Tham cho mình, rồi tham cho bà con quyến thuộc. Nói rộng ra, tham cho cả quốc gia, xã hội của mình.
Cũng vì lòng tham, mà nhơn loại tranh giành xâu xé cướp bóc giết hại lẫn nhau, chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ. Tham không những có hại cho mình về hiện tại, mà còn liên lụy đến người và về tương lai nữa là khác.
Phật tử tự xét mình, nếu có tâm tham lam, phải tập tánh thiểu dục tri túc, bỏ dần lòng tham đi; như thế gọi là "Tu Tâm".

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

LỜI CẢM ƠN CỦA HỌC VIÊN QUẬN 7, TP.HCM


Cảm ơn Thầy đã đến đây
Giúp cho kiến thức để xây lại mình
Năng lượng dinh dưỡng thần tình
Là năng lượng sạch gấp nghìn thuốc thang
Để ta mạnh cốt, mạnh gân
Để ta sáng suốt tinh thần thanh cao!
Khỏi hết bệnh tật dài lâu
Là ta hạnh phúc bên nhau suốt đời
Ơn Người, ơn cả Phật, Trời
Cơ duyên gặp mặt ai thời dễ quên?
Cảm ơn Thày Thường, cháu Thủy, chị Minh
Và cả cô Huệ nhiệt tình đến đây!

Trịnh Trọng Phổ
Học viên lớp Thiền Dưỡng sinh Năng lượng Quận 7, TP.HCM

ĐÔI LỜI CHIA SẺ

Ninh Thị Kim Thu
Lớp DSNL 13
          Tôi được đến với CLB DSNL vào đầu thu tháng 8 năm 2013. Đó cũng là một cơ duyên may mắn đối với tôi - tôi đã đến được với “tu luyện Thiền môn”.
          Khi đến với lớp luyện tập Thiền tôi mang trong mình các căn bệnh:
- U xơ tử cung, u nang thanh quản - khản và mất tiếng, mất ngủ thường xuyên, viêm mũi dị ứng mãn, viêm họng hạt, luôn có những cơn đau đầu vùng cột sống và ngang thắt lưng…
          Những bệnh này làm cho cơ thể tôi đang ở vào cái tuổi vươn lên “Thất thập” này càng suy nhược nặng, mỏi mệt, rã rời.
          Ngay sau những buổi đầu tiên đến lớp Thiền, tôi được nghe giảng và được luyện tập. Tôi thấy mình phấn chấn lên nhiều và tự xác định cho mình: “Đây đúng là con đường tu luyện giúp phục hồi sức khỏe tốt nhất cho tôi". Qua gần một năm được học và tập luyện, nhìn lại mình tôi nhận thấy sức khỏe đã được cải thiện nhiều:
          Bệnh mất ngủ gần như đẩy lùi, lưng và cột sống đã ổn, không còn xuất hiện cơn đau nào, giọng nói của tôi đã rõ hơn nhiều, ít bị khàn. Trước đây do viêm họng hạt và dị ứng mũi, hầu như lúc nào tôi cũng trong tình trạng cảm ốm, nay đã đỡ rất nhiều, da dẻ sáng sủa hơn xưa. Tôi đã đạp xe đạp liên tục được 30 km, đặc biệt là tôi đã tham gia đi dã ngoại nhiều lần bằng phương tiện ô tô, một loại phương tiện mà trước đây tôi rất sợ nó. Trước đây dù có uống thuốc chống say để đi nhưng khi về nhà tôi vẫn chếnh choáng, ốm đến hàng tuần.
         Lớp Thiền không những là nơi tôi được sự dẫn dắt và hỗ trợ của các thầy cô trong CLB mà còn là nơi giao lưu chia sẻ, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, góp thêm phần làm cho cuộc sống được vui vẻ, vô tư. Đến với lớp Thiền mọi người đều được khỏe mạnh hơn.
          Tôi nhận thấy mình tu luyện chưa cao, còn lo nghĩ bộn bề, chưa buông bỏ được nhiều, dễ bị phân tán khi tập luyện, nhưng tôi vẫn luôn đặt một niềm tin vững chắc vào phương pháp tu Thiền này. Nếu mình quyết tâm cao, tu tập đều đặn, thì chắc chắn có nhiều điều kì diệu hơn nữa sẽ đến với mình.
        CLB DSNL thực sự là nơi chia sẻ, chiêm nghiệm tâm linh, giúp mọi người có được cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh, vô tư.
          Mọi người hãy đặt niềm tin vào phương pháp tu Thiền này và hãy luyện tập nó.
Ngày 19/6/2014

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

TÁM QUYỂN SÁCH QUÝ - TU TÂM

Hoàng Vân được đọc tác phẩm TÁM QUYỂN SÁCH QUÝ của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa từ những ngày đầu biết đến tu thiền. Nay xin được chia sẻ với đồng môn. Xin phép được trích đăng mỗi lần một chút để bạn đọc vừa đọc vừa ngẫm. 

TU TÂM
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Thưa quý vị,
         Tôi rất vui mừng, vì thấy mỗi ngày chủ nhật, quý vị bỏ thì giờ quý báu, để đến chùa lạy Phật nghe kinh, Một giờ quý vị lạy Phật nghe kinh, thì ngày ấy hay tháng ấy quý vị tránh được việc dữ, làm được điều lành. Một người tránh dữ làm lành, thì người ấy trở nên hiền từ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì gia đình được hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì toàn dân có đạo đức, trở nên một nước thạnh trị. Cả nhơn loại đều tránh dữ làm lành, thì lo chi thế giới chẳng được đại đồng, nhơn loại không hưởng được hạnh phúc thái bình.
         Hơn nữa, trong kinh Pháp Hoa Phật dạy: "Người nào niệm "Nam mô Phật" thì người ấy (hột giống Phật đã gieo vào trong tâm điền của họ rồi, không sớm thì chầy) sẽ được thành Phật". Huống chi quý vị thường đến chùa lạy Phật nghe kinh, thì có lý nào sau này chẳng được thành Phật quả.

TÁM QUYỂN SÁCH QUÝ

TU LÀ CỘI PHÚC

Người đời sớm phải tri cơ,
Gương lu vì bụi, trăng mờ vì mây.
Chở che nhờ đức cao dày,
Dẫu tu cho mấy chẳng tài tu tâm.

TU TÂM LÀ MỘT VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

Người đời hung dữ, vì chẳng biết tu tâm
Gia đình không hạnh phúc, vì chẳng biết tu tâm;
Xóm, làng hay rầy rà kiện cáo vì dân quê chẳng biết tu tâm;
Thế giới chiến tranh, tương tàn tương sát, vì nhân loại chẳng biết tu tâm;
Phật tử tu hành bị thối chuyển, vì chẳng biết tu tâm.

Con người có Tu Tâm, mới trở nên hiền từ,
Gia đình có Tu Tâm, thân tộc mới được hạnh phúc.
Quốc gia có Tu Tâm, nước nhà mới có thạnh trị.
Nhơn loại có Tu Tâm, thế giới mới được hòa bình
Phật tử có Tu Tâm, mới mau thành đạo chứng quả.

Cố Hoà Thượng Thích Thiện Hoa
Hoàng Vân trích từ "Tám quyển sách quý

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

NHỮNG BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA CÂU LẠC BỘ DSNL QUA MƯỜI NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Phạm Văn Vang
Lớp DSNL 6 TDH
         Thấm thoát đã mười năm CLB DSNL đã trải qua một chặng đường phát triển đáng nghi nhận. Mới ngày đầu thu năm 2004, từ một nhóm ít người 7 thành viên rồi tăng lên 10 thành viên, đến nay CLB DSNL đã có hơn 600 hội viên, học viên, được tổ chức thành 16 lớp tại các cơ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là chưa kể các lớp ở xa mới được thành lập như ở chùa Bách Môn Bắc Ninh và theo yêu cầu từ lâu của một số người ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy chủ nhiệm vừa mới bay vào đó để tổ chức một lớp Thiền gần trung tâm thành phố. 
         Các hội viên CLB xuất thân từ nhiều tầng lớp: nông dân, công nhân, trí thức, quân đội, công an, thương gia, học sinh, sinh viên. Người ít tuổi nhất ở độ tuổi 16-20, người nhiều tuổi nhất ở độ tuổi 85-90. Trong đó đa số là người cao tuổi, có nhiều điều kiện thuận lợi tham gia luyện tập. 

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

THA THỨ

Thích Tánh Tuệ
         Một thiền sinh hỏi: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?
         Vị sư phụ đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.
         Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!
         Sư phụ đáp: “Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.
        Người đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm”.
         Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.
         Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.”
        Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: “Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!
         Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.

SUY NGHĨ:

         Câu chuyện thật ý nghĩa, chúng ta có thể nhận ra rằng tha thứ giúp cho chúng ta đóng lại những đau thương, bất công trong quá khứ và nhìn nhận các sự việc rõ ràng để buông xuống. Tha thứ giúp cho chúng ta mở rộng lòng yêu thương, giúp cho ta nhìn lại chính mình đã làm hao phí năng lượng khi đánh mất lòng khoan dung.
         Tha thứ chính là một tiến trình tiến hóa tích cực của nội tâm, khi chúng ta thật sự đối diện và buông xuống những đau thương, mất mát, bất công… chúng ta sẽ không còn mang lòng oán hận, giận dữ… từ đó giúp cho chúng ta không nuôi dưỡng những niềm cay đắng, phẫn uất, trả thù… để rồi tạo thêm những điều bất thiện ở hiện tại và tương lai lại phải nhận sự khổ đau.
         Qua đó, chúng ta nhận rõ tha thứ giúp cho chúng ta sống an ổn hiện tại và tương lai. Vì vậy, có thể nói rằng “tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình”, vì khi chúng ta buông bỏ lòng thù hận, sẽ giúp cho tâm mình luôn bình an. Tâm bình an sẽ là chất liệu để tạo dựng nên lòng yêu thương từ bi cho mình và cho tất cả.
         Đọc và suy ngẫm câu chuyện một lần nữa, chúng ta thấy rõ như một trình tự khi bạn biết tha thứ, bạn sẽ có lại tình thương với những đối tượng đã gây cho mình đau khổ mà bấy lâu mình đánh mất vì thiếu lòng khoan dung, hiện khởi Tâm Từ Bi rộng lớn, nhớ ơn tất cả đã cho chúng ta sự thành tựu này và chợt nhận ra rằng “vạn pháp vốn bình đẳng”.
         Trên bước đường tu tập của người con Phật, chúng ta phải cảm ơn những bậc thiện hữu tri thức đã đưa đến cho mình nghịch duyên để chúng ta có cơ hội nâng cao đời sống tâm linh của chính mình. Nghịch tăng thượng duyên là vậy! Thật vậy, nếu lúc nào cũng thuận duyên, cũng đều được quí mến thì ta dễ dàng bị ru ngủ trong niềm tự hào, hãnh diện, ta đang biến mình thành nô lệ cho sự cống cao ngã mạn… tự đánh mất chính mình lúc nào không hay. Vì vậy, vị Sư đã dạy người học trò của mình phải biết ghi ơn những người đã đem đến cho mình những phiền não, oan uổng…để chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, thực hành và chuyển hóa nội tâm, để nhận chân sự thật “chẳng có ai là người tha thứ và được tha thứ cả!”
         Với tôi, việc học cách tha thứ và hành theo những lời dạy của Chư Phật, Chư Tổ không phải đơn giản và dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó nếu mình muốn và tôi đã bắt đầu cho những sự việc nhỏ nhất từ trong cuộc sống của chính mình với mọi người xung quanh…để có được sự bình an hạnh phúc chân thật!
         Cổ Đức có câu này:
“Càng buông bỏ dưới chân này,
Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao.”
Hoàng Vân sưu tầm và chia sẻ

Bí mật của Luật Hấp Dẫn

         Hôm qua, cô bé Thủy thì thào mới giới thiệu với Thầy Cô 1 video clip rất hay. Sáng nay qua lớp Thầy giới thiệu với mọi người về clip này. Thu nghe tên đã thấy ngờ ngợ, nghe nội dung, rõ ràng mình đã xem. Về nhà vào tra Blog thấy đúng là ngày 6/4/2012 Thu đã đăng bài giới thiệu về quyển sách LUẬT HẤP DẪN và có kèm thêm video clip ở bên dưới.
         Hôm nay Trang CLB DSNL giới thiệu bộ phim khá nổi tiếng về 1 trong những quy luật của vũ trụ - Luật Hấp Dẫn. Bộ phim được bạn có nick Thông Minh chia thành 3 cấp độ để giúp người xem có thể cảm nhận được sâu sắc hơn. Phim có phụ đề tiếng Việt.

Clip 1: Bí Mật Luật Hấp Dẫn - The Secret (Cấp độ 1) (thời gian: 1:31:04)
Clip 2: Bí Mật Siêu Hình - Luật Hấp Dẫn (Cấp độ 2) (thời gian: 1:29:53) 
Clip 3: Vận Dụng Luật Hấp Dẫn (Cấp độ 3) (thời gian: 1:24:23)

MỜI CẢ NHÀ CÙNG XEM
(Để xem chế độ toàn màn hình, nhấn chuột vào ô vuông có 4 góc,
 cạnh chữ YouTube ở góc phải trên thanh điều khiển của clip)  

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

NỤ CƯỜI

Đặng Thủy gửi tặng cả nhà mình bức ảnh đẹp. 
Yêu quá hai nụ cười. Mong tỏa sáng mãi. 


Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ CỦA TẬP SAN CÂU LẠC BỘ DSNL

Nguyễn Thị Nga
Lớp DSNL 6
         Tôi là học viên lớp DSNL6, tuổi đời không cao mà cũng chẳng thấp. Tôi đã tham gia lớp Thiền từ tháng 7 năm 2012 đến nay tròn 2 tuổi.
         Sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì hoàn cảnh gia đình nên việc học hành có hạn, không được biết về ngoại ngữ cũng như tin học. Cả hai bộ môn này trong tôi đều thiếu vắng.
         Lúc còn trẻ, bản thân bận rộn với cuộc sống đời thường, đến khi già nghỉ hưu mới thấy mình cần phải biết 2 bộ môn trên. Ước muốn nhiều khi không làm được, muốn đọc sách nước ngoài mà không biết ngoại ngữ, muốn xem tin tức mà không biết lên mạng để tìm kiếm. Khác nào người khiếm thị đến nơi đô thị xa lạ. May thay nhờ đi học thiền, tôi được mở mang thêm kiến thức mà lâu nay còn thiếu. Đó là những kiến thức về lý luận cũng như thực tiễn mà thông qua nhiều hình thức của CLB như đi dã ngoại ngắn và dài ngày đến các địa điểm như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Tây Thiên, Bái Đính ở Ninh Bình, chùa Bách Môn ở Bắc Ninh, Tam Đảo, Suối Hai - Ba Vì, rồi chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang và nhiều nơi khác nữa. Hàng tháng đi học trên lớp 4 buổi, được gặp thầy cô, các bạn đồng môn thật là vui vẻ và bổ ích.
         Các bài đăng trên tập san của CLB DSNL lấy từ trong Blog là tiếng nói, là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn của CLB. Ở đó đã cho tôi cũng như nhiều người khác tìm đọc thấy nhiều điều thú vị. Có thể nói, khi đọc tập san CLB DSNL khác nào người đi vào rừng rậm bắt được la bàn chỉ phương hướng.
         Trong tập san, kết cấu gồm nhiều chương mục, nhiều thể loại vô cùng phong phú đa dạng. Mở đầu là những trang tin hoạt động, tiếp đến là phần chia sẻ kinh nghiệm, trang thơ, cuộc sống quanh ta và sống khỏe mỗi ngày.
         Hàng năm, hàng quý, hàng tháng, tập san CLB đã ra mắt đều đặn các số, chuyển đến hơn 600 học viên của 16 lớp ở các cơ sở nằm trên địa bàn Hà Nội: cơ sở 1, cơ sở 2, Hoàng Quốc Việt và trường mầm non Quang Trung.
         Kỉ niệm 10 năm thành lập CLB DSNL Tập san ra đời cũng tròn 10 tuổi. Có thể nói, tập san là cầu nối của tất cả học viên, hội viên CLB. Mỗi khi đọc mục chia sẻ kinh nghiệm trong các đợt đi dã ngoại, tôi vô cùng thú vị khi được tham dự mục này. Đó là các báo cáo điển hình người thật, việc thật, những tấm gương tu luyện về thiền, những hội viên, học viên điển hình của các lớp, họ đã có nhiều hình thức tập luyện. Đi học cách nhà 80 km mới đến được địa điểm, con nhỏ, bệnh tật như anh Trần Nghiệp lớp DSNL 1 học tại Bùi Xương Trạch nhà ở Sóc Sơn, thương binh ¼ hay chị Kiều Thị Thủy lớp DSNL 13 và chị Ngoan học lớp Hoàng Quốc Việt… và nhiều người khác nữa. Họ là những tấm gương đầy nghị lực, đẩy lùi bệnh tật làm cho sức khỏe ngày càng tốt hơn. Mục chia sẻ kinh nghiệm này không những đối với tôi mà còn nhiều người khác cũng thấy được kết quả thu nhận đáng khích lệ. Thật là “học thầy không tầy học bạn”.
         Bên cạnh đó, mục cuộc sống quanh ta đã cho tôi nhiều kiến thức ở trong nước cũng như trên thế giới. Những bài giảng pháp của Đức Phật, các lời khuyên về chân lí cao cả, về con đường giác ngộ, về giáo lí căn bản xoay quanh nhiều khía cạnh, về cách tu tâm tính. Tu tâm trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc, tu ở chợ, ở chùa, tu tại gia, tu khi đang bị bệnh.
         Để có cuộc sống cân bằng và thanh thoát trong tâm hồn, tôi thấy thú vị khi đọc “Bí kíp” của Đạt Lai Đạt Ma thứ 14. Ông sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935, là nhà lãnh đạo giáo quyền của nhân dân Tây Tạng. Ngài sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959 đến nay. Ngài được trao giải Nobel hòa bình năm 1989, đồng thời là người đại diện Phật giáo xuất sắc nhất hiện nay trên thế giới. Ông đã tổng kết lại gồm 39 lời khuyên về sức khỏe, nhân cách, đời sống xã hội … Theo tôi nghĩ có lẽ phần này chiếm 1/3 số lượng trang của tập san trong Blog. Tôi mong rằng được đọc nhiều hơn nữa các mục chia sẻ kinh nghiệm, cuộc sống quanh ta… của tập san trong các kì tiếp theo.
         Cảm ơn tập san của CLB DSNL, cảm ơn người chủ bút (cô Hồng Thu) và nhiều người cộng sự cùng toàn thể các hội viên và học viên đã có nhiều đóng góp làm cho tập san ngày càng đạt nhiều số lượng và chất lượng.
         Nhờ có tập san đã đem đến cho tôi và nhiều người khác nữa thưởng thức một cách thú vị, bổ ích, tiện lợi. Tôi xem nó là người bạn tri kỷ, người bạn thường xuyên của mình. Đó cũng là món ăn tinh thần rất bổ ích và thiết thực đối với tôi và chắc chắn cũng như nhiều người khác nữa.
Hà Nội, 15/6/2014

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Ngủ dậy vẹo cổ hãy bấm tay

(Nguồn: xaluan.com)
         Một sáng nào đó khi thức dậy, bạn chợt phát hiện cổ mình bị căng cứng, cử động rất khó khăn, kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu. Sự đau nhức càng tăng lên khi cố làm động tác quay cổ, có khi đau lan xuống bả vai, chi trên hoặc vùng liên sống bả, khiến cho cổ phải nghiêng về một bên trong tư thế rất gò bó để chống đau. Nếu có những biểu hiện đó, rất có thể bạn đã mắc chứng bệnh vẹo cổ mà y học cổ truyền thường gọi là lạc chẩm hay thất chẩm.

         Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh vẹo cổ khi ngủ dậy thường là do tư thế lúc ngủ không hợp lý, đầu gối quá cao hoặc quá cứng khiến cho đầu cổ lệch về một bên, các cơ vùng cổ như cơ thang, cơ ức đòn chũm bị căng giãn kéo dài mà sinh đau. Ngoài ra, tình trạng thoái hoá cột sống cổ hoặc cổ bị lạnh cũng là những yếu tố góp phần làm bệnh phát sinh hoặc nặng thêm.

         Khi lâm vào tình trạng khó chịu này, trước tiên bạn phải hết sức bình tĩnh và sau đó lần lượt tiến hành các thao tác sau đây:
         1. Dùng lòng bàn tay xoa xát vùng cổ: trong vài phút sao cho tại chỗ nóng lên là được, có thể thoa thêm một chút dầu cao hoặc cồn rượu xoa bóp để làm tăng tác dụng trị liệu. Cũng có thể chườm vùng cổ vai bằng muối sao nóng hoặc muối sao với lá ngải cứu.
         2. Dùng các ngón tay nhẹ nhàng day ấn cổ vai: để xác định được các điểm đau nhiều (áp thống điểm). Sau đó dùng ngón tay cái hoặc ngón giữa day ấn các điểm này trong vài phút. Chú ý mỗi điểm day đều với một lực vừa phải chừng 30 giây rồi ấn áp thống điểm từ nhẹ đến mạnh trong năm giây, nghỉ hai giây rồi lại tiếp tục ấn, tiến hành chừng 3 – 4 lần như vậy là được. Khi ấn cảm giác đau nhức thường tăng lên nhưng không vì thế mà giảm cường độ tác động.
         3. Dùng ngón tay trỏ hoặc đầu bút bi (không phải đầu nhọn): day ấn huyệt lạc chẩm trong vài phút, mỗi ngày kiên trì day ấn vài lần.

Huyệt Lạc Chẩm trên bàn tay (Ảnh: Hồng Thái)
         Vị trí huyệt lạc chẩm là ở mu bàn tay, nằm giữa hai xương bàn tay 2 và 3, trên khớp xương bàn – ngón khoảng 0,5 thốn (một thốn ở người trưởng thành là từ 2 – 2,2cm). Khi ấn có cảm giác đau tức nhất. Huyệt vị này còn có tên gọi là hạn cường, hay kỳ huyệt, có tác dụng chữa trị các chứng bệnh như cứng gáy, đau nửa đầu, đau dạ dày, đau họng, đau vai và cánh tay... Vì là huyệt hết sức hữu hiệu trong trị liệu chứng vẹo cổ nên được gọi là huyệt lạc chẩm.

         Bạn chỉ cần áp dụng thủ pháp trị liệu như trên chừng 3 – 4 lần là có thể chữa khỏi chứng vẹo cổ hoặc ít nhất cũng giúp cho bệnh trạng thuyên giảm nhiều.
         Nếu hiệu quả không rõ rệt thì cần đi khám để tìm thêm nguyên nhân và loại trừ biến chứng của các bệnh khác.
Hoàng Vân sưu tầm

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

NIỀM VUI CÙNG CHIA SẺ

Tô Thị Nội
Học viên lớp DSNL 6
         Nhân dịp kỉ niệm 10 năm ngày thành lập CLB DSNL. Tôi muốn chia sẻ cùng các đồng môn một vài kinh nghiệm nhỏ sau hơn hai năm tu luyện của bản thân.
         Để đạt được kết quả như ngày nay, tôi đã kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết của các bài giảng huấn về kĩ thuật thiền định và lí thuyết trong bài giảng pháp của Sư Tổ với thực hành khi ngồi thiền. Tôi thường xuyên nghe bài giảng Pháp để suy ngẫm kĩ lưỡng từng câu, từng ý quan trọng để hiểu bản thân cần thực hành thế nào trong tu luyện. Tôi hiểu rằng: Trong cuộc đời mỗi người phải trải qua những đau khổ đó chính là Nghiệp phải trả. Bài giảng của Sư Tổ còn nhiều vấn đề nhưng tôi chỉ nghiên cứu kĩ phần Pháp và 5 bộ công pháp vì ở đây tôi đã tìm thấy con đường tu luyện đúng đắn cho mình. Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Sư Tổ, mỗi lần gặp khó khăn trong bệnh tật, tôi luôn tự nhủ đây là khổ nạn mà bề trên đưa ra thử thách tâm tính của mình. Nghĩ vậy tôi quyết tâm vượt qua tất cả mà không hề than phiền.
         Tôi nhớ lại ngày đầu tiên mới đến với pháp môn này tôi vô cùng bỡ ngỡ vì khi tôi vào học thì lớp đã học được gần 5 tháng. Khi đó sức khỏe của tôi kém vô cùng. Tôi có nhiều bệnh mãn tính như đau dạ dày, đại tràng co thắt, trĩ nội, thoái hóa đa khớp, thoát vị đĩa đệm đa tầng, suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh thực vật. Lúc ấy tôi cảm thấy mệt mỏi, chán chường, tôi thấy cuộc sống vô vị, trống rỗng. Và ngay buổi đầu đi dã ngoại tôi đã được cô Bình quan tâm giúp đỡ. Đến địa điểm thiền, tuy trời nóng mà tôi vẫn phải mặc một áo len mỏng, đội mũ ngồi thiền mà vẫn cảm thấy lạnh, mặt mày tái nhợt. Lúc đó Thầy chủ nhiệm đã đến mở luân xa cho tôi và tiếp theo là cô Hoàng Vân, cô Lệ ra hỗ trợ năng lượng cho tôi. Người tôi ấm dần và tôi ngồi thiền hết bài “Rũ sạch bụi trần” thì mặt không còn tái nhợt nữa. Đến bữa cơm, tôi không ăn được, tôi đã xin Thầy chủ nhiệm chữa cho tôi bệnh đau bụng. Lúc ấy thầy bảo tôi: “Bác cứ thiền đi rồi sẽ khỏi”. Quả thật lúc đó tôi hơi buồn, nhưng sau này nghe kĩ bài giảng Pháp tôi mới hiểu lời Thầy chủ nhiệm nói lúc đó là rất đúng. 
         Khi thực hành tu luyện tôi luôn nhớ lời các thầy cô giáo giảng trên lớp để giữ đúng kĩ thuật thở 4 thì và 2 thì. Thầy chủ nhiệm và thầy Nghĩa đã giảng và ôn rất kĩ về vấn đề thở đúng. Tôi hiểu rằng hơi thở là kim chỉ nam, là minh sư cho chính mình và hơi thở cũng là dây neo để neo tâm về với thân mỗi khi tâm không định. Hiện nay tôi đã nâng dần thời gian tập lên 2 giờ một lần thiền. Tôi còn chú ý xả thiền đúng kĩ thuật để trút hết được trược khí ra ngoài cơ thể. 
         Đến nay sức khỏe của tôi đã khá lên nhiều. Tôi không còn bị đau nhức như trước. Tôi cảm thấy cuộc sống trở nên có ý nghĩa và thật tươi đẹp. Tôi thấy mình thật may mắn đã có cơ duyên với Thiền Thu Lửa Tam Muội, tôi nguyện sẽ theo học Pháp môn này suốt đời.

         Tôi vô cùng cảm ơn Thầy chủ nhiệm, thầy Nghĩa, cô Hoàng Vân, cô Lệ, cô Bình - những người đã tận tình giúp đỡ tôi trong những ngày đầu tiên đến với CLB. Nhờ đó mà tôi cảm nhận được tình yêu thương của mọi người và nhờ vậy tôi thấy thêm yêu cuộc sống.

Để thay lời kết, tôi xin có mấy vần thơ gửi các bạn đồng môn:
Dưỡng sinh năng lượng thật diệu kì
Trẻ già tu luyện có ngại chi
Bốn thì, hai thì ta thở đúng
Tĩnh tâm hai tiếng chẳng nghĩ suy
Bệnh tật tiêu tan, yêu cuộc sống
Thử thách vượt qua có sợ gì.

Con xin tạ ơn đức Thầy Tổ Dasira Narada.
Tôi xin cảm ơn Thầy chủ nhiệm, thầy Nghĩa - người trực tiếp phụ trách lớp DSNL6, xin cảm ơn ban chủ nhiệm và tất cả các thầy cô giáo. Tôi xin chúc CLB Dưỡng Sinh Năng Lượng của chúng ta ngày càng phát triển vững mạnh.
Tháng 6 năm 2014

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Món ăn chay - Canh chua chay

Trời nắng được ăn bát canh chua thật dễ chịu. Giới thiệu với cả nhà món canh chua chay.
CANH CHUA CHAY
Nguyên liệu:
- 2 miếng đậu phụ                                - 1 quả dứa
- 2 quả cà chua                                    - 500g nấm rơm
- một ít rau ngổ                                    - 200g giá
- một ít me chua                                   - muối, bột ngọt vừa nêm

Cách làm:
- Đậu phụ cắt miếng nhỏ vừa ăn (rán hoặc để trắng tùy theo sở thích)
- Dứa gọt bỏ mắt chẻ làm tư rồi cắt lát. 
- Cà chua bổ múi cau.
- Nấm rơm rửa qua với nước muối. 
- Giá nhặt rửa sạch. 
- Rau ngổ cắt khúc dài 3cm.
- Đổ dầu vào, cho dứa và ½ cà chua vào xào trước. Tiếp đến cho nước vừa đủ dùng vào nồi, khi sôi thì thả me để dầm, đến đậu phụ, giá, ½ cà chua còn lại. Nêm canh với chút muối và bột ngọt. Trước khi tắt bếp mới cho rau ngổ.

Chúc cả nhà thành công với món canh chua thanh mát này. 
(Sưu tầm)

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Chiến đấu với bệnh mạch vành tim

Vừa qua trên TIVI đưa tin cựu danh thủ bóng đá,cựu thủ quân đội bóng Cảng Sài Gòn khi xưa, ông Phạm Huỳnh Tam Lang vừa từ trần ở tuổi 72 (sinh 1942) vì căn bệnh thoái hóa khớp và tai biến tim mạch. Giật mình vì tuổi tôi bằng tuổi ông, cũng Nhâm Ngọ 1942, cũng từng bị thoái hóa khớp gối nặng, rồi lại bệnh GÚT (thống phong), hiện nay lại bệnh mạch vành tim... Nhờ trời, tôi chưa phải đi như bác Tam Lang, mà hàng ngày vẫn đi tập tành TDTT, đánh cầu lông cùng chúng bạn. 

Vậy chiến đấu với các bệnh thế nào, nhất là bệnh mạch vành. Kể ra chi tiết thì dài lắm không đưa lên trang tin này được. Chỉ kể sơ 1 chuyện: chiến đấu với bệnh mạch vành. Trong y học, bệnh tim mạch nói chung được gọi là KẺ THÙ SỐ 1 CỦA CON NGƯỜI, vì nó gây chết người nhiều nhất (theo thống kê quốc tế cũng như ở Việt Nam). Vì vậy không đùa với nó được. 

Tôi phát hiện ra bị bệnh mạch vành từ ngày 17.3.2014 sau khi bênh viện chụp cắt lớp vi tính ở BV Hữu Nghị. Bác sỹ đề nghị vào viện điều trị ngay vì nguy cơ nhồi máu tim bất cứ lúc nào (mạch vành tắc 75-80%). Tôi xin hoãn nhập viện, tự chữa ở nhà. Sau 1 tháng vào bệnh viện khám lại, BS nói không thấy có bệnh về tim. Sau 45 ngày khám lại ở trung tâm SOS International, BS cũng không thấy có bệnh ở tim. Sau 2 tháng (60 ngày), khám lại ở BV bảo hiểm y tế, cũng không thấy có biểu hiện gì bệnh tim. Các chỉ tiêu điện tâm đồ, siêu âm tim bình thường. Các chỉ tiêu máu huyết rất tốt, Cholesterol & Triglycerit đều thấp. BS nói: thế này thì không phải uống thuốc gì nữa! 

Vậy tôi chiến đấu thế nào mà đẩy lùi được bệnh mạch vành, tránh được phải vào viện can thiệp cơ giới (đặt ống thông Sten). Nói tóm tắt là: 
1. Thực hiện phương châm: Bác sỹ tốt nhất là bản thân mình. Trong mỗi con người đều có 1 bác sỹ tài giỏi, phải biết dựa vào BS ẩn danh này. 
2. Thực hiện phương châm trên bằng thực hành thiền hàng ngày + tiết thực hạ cân giảm béo (giảm được 6 kg sau 1 tuần nhịn ăn, từ 72 kg xuống còn 66 kg). 
3. Kết hợp uống các vị thuốc đông y (có người thích gọi là thực phẩm chức năng) có tác dụng đánh tan mỡ máu, phá cục máu đông gây tắc mạch máu...
Có 5 vị đã dùng là: Mộc nhĩ đen + tam thất + Đan sâm + Địa long + Nattopes. Các loại thuốc tây y bệnh viện cho đều không dùng, cất làm kỷ niệm. 

Bạn nào trong CLB có bệnh mạch vành muốn chữa theo kinh nghiệm tôi dùng, tránh dùng thuốc tây y, thì liên hệ với tôi nhé. Địa chỉ tôi: 67 Phó Đức Chính, Hà Nội. ĐT: 0985076891 - máy bàn: 04038291590.
Lâm Phúc