Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

ĐI BỘ ĐÚNG CÁCH

Đi bộ là hoạt động tự nhiên của con người nên không cần phải học gì nhiều, không cần tốn tiền để mua sắm dụng cụ, trang thiết bị tập luyện. Tuy nhiên, khi áp dụng đi bộ như một phương pháp tập luyện để phòng bệnh và điều trị bệnh nên tuân theo một số nguyên tắc nhất định để đạt kết quả tốt nhất.


Trong nhiều trường hợp, sau khi khám bệnh xong, thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân đi bộ. Thế nhưng, vì quá bận rộn, thầy thuốc không thể hướng dẫn bệnh nhân đi bộ như thế nào cho hợp lý (đôi khi thầy thuốc chưa có kinh nghiệm về đi bộ nên không chỉ cho bệnh nhân được!), hoặc bệnh nhân nghe bạn bè mách bảo đi bộ tốt cho sức khỏe… nên bắt đầu đi bộ. 

Đi bộ một thời gian, có người khỏe ra, sung mãn và vui tươi, có người bệnh ngày càng nặng thêm mà chẳng hiểu tại sao!? 

Đi bộ là một loại hình thể dục thể thao đơn giản nhất nhưng cũng cần phải có những chỉ định và cách thức đi bộ hợp lý. Một bệnh nhân bị đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm nặng mà đi bộ với tốc độ nhanh, đi trên quãng đường dốc thì chắc chắn bệnh sẽ nặng thêm. 

Bệnh nhân đau khớp gối, thoái hóa khớp gối đợt cấp đi bộ nhiều cũng sẽ làm cơn đau tăng thêm và làm tổn thương mặt khớp. Bệnh nhân viêm khớp háng, thoái hóa khớp háng, hoại tử chỏm xương đùi vô khuẩn… đi bộ sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Bệnh nhân gai gót chân, viêm gân bàn chân… không thể đi bộ nhiều được. 

Những bệnh lý tim mạch nặng cũng cần có chỉ định nghiêm túc của thầy thuốc để tránh tai biến xảy ra… Quá nhiều bối cảnh bệnh lý không nên đi bộ hoặc đi bộ hết sức cẩn thận và không được quá sức. Ngay cả những trường hợp cần phải đi bộ để phòng bệnh hay điều trị bệnh nhưng nếu đi không đúng cách, không đúng thời điểm thì cũng không thể lành bệnh mà còn làm cho bệnh trở nặng. Có thể đưa ra một số trường hợp sau.

Đi bộ quá sớm, rủ nhau đi bộ lúc 4 giờ sáng, khi đó trời còn tối, khí âm còn đầy trong đất trời, sương lạnh ẩm ướt, đặc biệt ở các công viên vẫn còn những cây cổ thụ lâu năm, biết đâu vẫn vấn vương chút “sơn lam chướng khí” của núi rừng xa xưa? Đi bộ trong bối cảnh như thế rất dễ cảm phải “phong, hàn, thấp…”, có thể gây ra hoặc tái phát các chứng bệnh cảm cúm, viêm phế quản, hen suyễn, thấp khớp… đặc biệt là ở người lớn tuổi, sức đề kháng đã yếu. 

Kiểu đi bộ vào buổi chiều khi nắng chưa tắt hẳn, không khí ngột ngạt, oi bức, đầy bụi bặm, dòng người đi bộ lại đông đảo, mồ hôi nhễ nhại, nói cười ồn ào. Bức “tranh đời” này có thể tìm thấy tại một số công viên ở trung tâm TPHCM. Với một không gian như thế, với một số lượng người đông như thế, đi bộ có còn là thú vui, có còn là phương pháp tập luyện sức khỏe thư nhàn nữa không, hay đó là môi trường của bệnh tật! 

Đi bộ trên các ngả đường của thành phố vào buổi sáng cũng như buổi chiều thật là kinh khủng, xe cộ dày đặc, khói bụi mịt mù. Khi ấy, bầu không khí không còn trong lành để hít thở nữa mà đã trở thành khí độc cần phải thanh lọc qua nhiều loại khẩu trang. Thế nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy có người tập luyện hít thở bên vệ đường hoặc đi bộ, chạy bộ với trang phục thể thao, thật tội nghiệp! 

Tôi đã có lần đến công viên vào lúc thiên hạ tập luyện đông đảo (từ trẻ con cho đến người già) để ngắm nhìn những người đi bộ, ôi thật là “thiên hình vạn trạng”. Có người đi lắc lư theo tiếng nhạc, có người đi cúi gằm xuống, người nghiêng về phía trước như đang đi ngược gió, có người đi ưỡn ngực, ngửa người ra sau như lúc lên sân khấu để nhận giải thưởng, có người đi liêu xiêu (nhưng tôi biết chắc không phải do những di chứng của bại liệt hay tai biến mạch máu não), có người đi trên tay mang đủ thứ nước uống, thức ăn, có người còn mang theo tạ tay để tập luyện thêm… Đi bộ kiểu như thế thì đến bao giờ mới có kết quả?

Đi bộ là một phương pháp tập luyện cơ thể và thư giãn thân tâm. Nhưng đi như thế nào cho đúng cách là một vấn đề phải chú ý, nếu không chúng ta sẽ mất thời gian mà không thu được kết quả nào, đôi khi còn mang thêm bệnh như đã trình bày ở trên!

Để đi bộ đúng cách, trước tiên hãy bàn về cách đi. Khi đi, cứ tự nhiên, đừng quá gò bó theo kỹ thuật nào cả, mà nên nhìn thẳng về phía trước, toàn thân thư giãn, đặc biệt là hai vai, hai tay, khớp háng và hai chân, người giữ thẳng, đừng chúi người ra phía trước hay ngửa ra phía sau quá nhiều, hai tay vung vẩy thoải mái, nhẹ nhàng, biên độ vừa phải và sát hai bên thân người. Khoảng cách giữa hai bước chân tùy từng người mà bước sao cho khoan thai, thư thái là được. Cần nhớ, khi chân tiếp đất phải bắt đầu từ gót rồi đến cả bàn chân và cuối cùng là mũi chân trước khi nhấc chân lên, cứ thế bước liên tục chân này đến chân khác.

Khi đi bộ không nên cầm nắm thêm những vật dụng khác trên tay, kể cả nước uống, thức ăn, dắt theo em bé… vì như thế tâm trí sẽ bị chi phối, không được hoàn toàn thảnh thơi, đồng thời có thể làm sai lệch tư thế đi do không thể vung vẩy hai tay một cách đều đặn được. Khi đi, nên thở một cách tự nhiên. Nếu đi một đoạn đường dài với tốc độ nhanh, hơi thở sẽ nhanh hơn, sâu hơn như một sự bù trừ tự nhiên, đừng gắng sức hoặc thở theo nhịp này nhịp kia chỉ thêm phức tạp và đôi khi có tác dụng ngược lại. 

Đi bộ vừa vận động thân thể, vừa thưởng thức phong cảnh và không gian xung quanh để tâm trí được thư giãn hoàn toàn, không nên sử dụng những phương tiện giải trí khác như nghe nhạc hoặc nói chuyện, bàn chuyện làm ăn… 

Nên đi bộ vào buổi sáng (sau 6 giờ sáng) hoặc buổi chiều (5-6 giờ chiều) trong công viên có những lối đi đẹp, nhiều cây, nhiều hoa, những nơi có thêm hồ nước, tiếng chim hót… càng tốt. Nếu sống ở vùng thôn quê, có thể đi bộ xuyên qua những cánh đồng lúa, những vườn cây tươi tốt, dọc bên bờ những con sông nước chảy trong xanh, trên những con đường làng với những ngọn cỏ xanh tươi, đưa đón bước chân mình thì thật rất tuyệt… 

Đi bộ là một thú vui tao nhã và có lợi cho sức khỏe, nên chọn những lộ trình khác nhau nếu có thể được để phong cảnh luôn thay đổi, tránh nhàm chán. Đi bộ đúng cách làm cho hệ cơ bắp dẻo dai, các khớp vận động tốt, hệ tuần hoàn lưu thông thông suốt và mạnh mẽ, rất tốt cho những bệnh lý về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành…, làm mạnh mẽ và an tĩnh thần kinh, phòng tránh nhức đầu, mất ngủ, trầm cảm… 

Những bệnh lý về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, tâm phế mạn… cũng chuyến biến rất tốt khi đi bộ. Béo phì là một bệnh lý rất cần tập đi bộ để tiêu hao lượng mỡ thừa, giảm xơ vữa động mạch, phòng và điều trị các biến chứng về tim mạch… 

Đi bộ là hoạt động tự nhiên của mọi người cho nên không cần phải học gì nhiều, không cần tốn tiền để mua sắm dụng cụ, trang thiết bị tập luyện, không có yếu tố cạnh tranh (không ai khen người này đi bộ đẹp hơn người kia…). Chính vì vậy đi bộ là sự tập luyện đơn giản nhất, có thể mang lại trạng thái thư giãn nhất cho cơ thể cũng như tâm hồn của người tập để tái tạo lại một “sức khỏe tâm thể” toàn diện. 

Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi các tu sĩ chọn đi bộ như là một phương pháp thiền hành để phát triển trí huệ trên con đường hành đạo. Tuy nhiên, khi áp dụng đi bộ như một phương pháp tập luyện để phòng bệnh cũng như điều trị bệnh nên tuân theo những vấn đề đã trình bày ở trên để đạt được kết quả tốt nhất.

BS. Lê Hùng 
(Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM)
Nguồn http://www.thesaigontimes.vn

Lời bàn: Có một phương pháp đi bộ rất hay đó là vừa đi vừa niệm “Nam Mô A – Di – Đà – Phật”. Đi như vậy vừa điều hòa được hơi thở, vừa giữ được tốc độ nhịp nhàng. Lúc đầu mỗi tiếng niệm một bước, sau tăng dần lên một bước rưỡi hoặc hai bước tùy theo sức khỏe của người đi. Chỉ cần sau 15 – 20 phút bạn sẽ thấy người khoan khoái dễ chịu. Phương pháp này tôi mới được phổ biến và thử áp dụng thấy rất hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.