Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

TÁC DỤNG CỦA THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT

I. DẪN NHẬP: Nền khoa học kỹ thuật cũng như công nghệ thông tin hiện nay trên thế giới tiến triển vượt bực. Đời sống nhân loại được nâng cao rất nhiều. Con người có thể vượt hàng ngàn cây số chỉ trong vài giờ, có thể liên lạc với nhau dù cách một đại dương. Chỉ cần vài phút trước máy vi tính là mình đã có được các thông tin cần thiết. Không cần tốn nhiều công sức mà mọi thứ đều nhanh chóng dễ dàng…
Do điều kiện vật chất cao, nhu cầu thụ hưởng lớn, cũng như tiếp xúc quá nhiều với các loại phương tiện kỷ thuật đó, điển hình là tiếng ồn, lại phải làm việc với nhịp độ tăng tốc liên tục cho kịp với tiến độ phát triển của xã hội - không phải chỉ với người lớn mà ngay với trẻ con, cũng được giáo dục theo chiều hướng như thế - nên con người dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, mất cân bằng. Hệ quả là mình trở nên yếu đuối, thiếu nhẫn lực, không làm chủ được bản thân, dễ gây hấn với người chung quanh.
Cuộc sống khắc nghiệt và vội vã nên đời sống gia đình bị bỏ quên. Giới trẻ lại tiếp xúc và huân tập vào tiềm thức của mình quá nhiều phim ảnh bạo động. Vì thế những việc đáng tiếc xảy ra liên tục, ngay trong môi trường học đường. Loại thuốc mang tính xoa dịu hay kích thích thần kinh được lạm dụng khá phổ biến.
Một khi tâm đã hướng ngoại, tham sân si đã làm chủ lấy tâm, thì cũng có nghĩa, PHẬT TÂM – là TRÍ TUỆ và TÌNH THƯƠNG bao la sẵn có trong mỗi người - đã bị che khuất.
TRÍ TUỆ PHẬT một khi đã bị che khuất thì con người không còn nhìn đúng bản chất của mọi hiện tượng hay sự vật trong thế giới này. Không thấy được mọi hiện tượng từ vật chất cho đến tinh thần, không gì không là nhân duyên. Một cái nhân đã gieo, đủ duyên sẽ cho ra một cái quả nhất định. Nhân thiện thì quả lành. Nhân bất thiện thì quả bất hạnh. Do không thấu được nhân gì cho ra quả gì, nên ngày nay con người giải quyết mâu thuẫn trong xã hội rất đơn giản : Sẵn sàng dứt bỏ không thương tiếc những gì mình không thích và những gì làm ảnh hưởng đến quyền lợi của riêng mình. Giết người, cướp bóc, chiến tranh ngày càng thông dụng. Ngay trong môi trường giáo dục hay Phật pháp và pháp luật, là môi trường cầm cân nảy mực cho vấn đề đạo đức xã hội, mọi tha hóa nhiễu nhương cũng xảy ra. Đạo đức ngày càng suy, đời sống tâm linh ngày một xuống dốc, thiên tai hoạn nạn thêm nhiều. Chỉ vì không biết gì về thực lý Duyên khởi đang chi phối thế giới này.
TÌNH THƯƠNG đối với muôn loài một khi đã bị hạn cuộc trong cái tôi và cái của tôi, thì con người nghĩ nhiều đến bản thân và đuổi theo những mục đích vị kỷ hơn là làm mọi thứ vì lợi ích của cộng đồng xã hội. Hầu hết trong mọi lãnh vực, con người dễ chú trọng đến lợi nhuận của bản thân mà quên đi sinh mạng của người khác. Kẻ trên tham quyền, người dưới lấn công, thản nhiên lạm dụng của công, coi thường sự cơ cực của người khác. Độc chất được sử dụng rộng rãi ngay trong môi trường ăn uống. Bê trễ trách nhiệm đối với công việc dù đó là việc cứu người v.v… Tất cả, đều do không dụng được phần Phật tâm của chính mình.
II. TÁC DỤNG CỦA THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
Thiền, chính là khai phát lại phần Phật tâm của chính mình. Phật tâm một khi được khai phát thì trí tuệ và tình thương đối với muôn loài được hiển bày. Vì khai phá lại Phật tâm của chính mình nên thiền của đạo Phật không chú tâm vào việc giữ gìn sức khoẻ hay đạt được một sự thần kỳ hảo diệu nào. THIỀN, chỉ là dừng đi mọi ham muốn hướng ngoại và những lăng xăng không cần thiết, để trở về chỗ tịch lặng trong sáng của tâm. Yếu chỉ là như thế, nhưng thiền ra sao là việc ta phải tìm hiểu, thực hành thông qua sự chỉ dạy của chư vị thiền sư. Đó là một quá trình đòi hỏi sự thực nghiệm, không thể vài dòng mà có thể lý giải được hết. Đây chỉ nói đến tác dụng của thiền khi ta ứng dụng nó vào đời sống của mình.
1. Thiền tạo ra sự bình ổn của tâm.
Ta thường để đầu óc của mình bám trụ vào sách báo, phim ảnh, mưu toan, tính toán … nói chung là lăng xăng loạn động quá nhiều nên sức khoẻ của bản thân suy giảm, bệnh tật dễ xuất hiện, con người dễ bức xúc gây hấn. Thiền là dừng đi những lăng xăng loạn động đó của tâm. Nó giúp tâm trở lại trạng thái yên định. Sự yên định này giúp ta ổn định được mọi bức xúc, làm chủ mọi suy nghĩ hành động để đời sống của mình và người được tốt đẹp. Những thành viên trong gia đình có định tâm, gia đình ấy thực sự là một gia đình yên bình. Nhiều gia đình trong xã hội có định tâm, xã hội ấy là một xã hội bình yên.
2. Thiền giúp cho công việc được hoàn thiện tốt đẹp
Một trong những việc mà một hành giả tu thiền cần phải có là chánh niệm. CHÁNH NIỆM là làm việc gì chỉ biết việc đó mà thôi. Ngày nay tai họa dễ xảy ra, một phần là do lòng tham và sự tính toán của con người, một phần là chúng ta ít để tâm vào thời điểm hiện tại. Đi xe giữa chốn thị thành nhưng hồn để tận nơi tháp cổ chùa xưa. Làm việc này mà tâm nghĩ đến việc khác. Ít ai đặt tâm trong thời điểm hiện tại. Vì thế, tai nạn dễ xảy ra, công việc không được toàn thiện. Thiền chính là mang tâm trở về với hiện tại. Ăn chỉ biết ăn. Ngủ chỉ có ngủ. Làm thứ gì chỉ tập trung vào thứ đó. Việc đó vừa mang lại định tâm, vừa giúp ta tránh được bệnh tật, vừa khiến công việc của mình được hoàn chỉnh tốt đẹp.
3. Thiền giúp con người hạn chế sự phung phí.
Phải nói, phung phí hiện nay là một trong các tệ nạn của xã hội. Chúng ta, trước đây cũng như bây giờ, dễ phung phí những gì mình có. Tiền bạc, thức ăn, thời giờ, điện nước v.v... Công việc không cho phép chúng ta quan tâm đến những việc nhỏ nhặt trong gia đình. Còn trẻ con thì không ý thức được sự tai hại của việc phung phí. Gà, chúng ăn nửa con và quăng nửa con vào thùng rác. Chúng vò chocolat thành từng cục để ném nhau. Chúng mở nước bỏ đó rồi đi. Không bao giờ tắt điện. Mặc dù nhiều nơi đang thiếu điện và nước. Người lớn thì chẳng quan tâm đến những gì không phải của mình v.v...
Trong khi, một trong những đức tính cần có của hành giả nhập thiền là cẩn trọng từng chuyện nhỏ nhặt trong những sinh hoạt đời thường. Cẩn trọng nhưng không dính mắc.
Một lần, thiền sư Nghi Sơn vào tắm, vì nước nóng quá nên sai đệ tử mang nước châm thêm. Trích Thủy pha nước xong, thuận tay hất nước thừa đi. Nghi Sơn liền quở “Nhân địa tu hành, âm đức là bậc nhất, cớ sao không biết tiếc phước? Tuy là một giọt nước, tưới cây cây cũng hoản hỉ, tưới cỏ cỏ cũng hoan hỉ, nước cũng không mất giá trị của nó, vì sao không biết tiếc vật như thế ?”.
Người ngoài đời, ít ai chú ý đến việc giữ lại một chút nước thừa cho việc tưới cây như thế. Người nào có thái độ chú tâm kỹ càng sẽ được nhìn với con mắt khắc khe khó chịu. Nhưng trong sự tu tập của các thiền viện chính thống, một chút nước thừa cũng không được phí. Ngày nay mình dễ dàng phí phạm nhiều thứ vì nó quá thừa mứa với mình. Mình không quan tâm vì mình không ý thức được sự cần thiết của nó. Trong Bạch Ẩn Thiền Định Ca, thiền sư Sessan nói “Theo quan điểm hiện thời thì có vẻ khó hiểu, nhưng những điều như thế có ý nghĩa sâu xa trong sự tu tập của các thiền sinh. Không chỉ nhìn nó theo mặt công dụng hay nguy hại, có lợi hay không có lợi theo nghĩa kinh tế, mà phải thâm nhập vào tận cốt tủy để khám phá ra cái diệu dụng và mật hạnh, phải tôn kính vì ánh sáng ẩn tàng trong đó”. Cái ánh sáng ẩn tàng trong đó là thứ gì, ta sẽ hiểu khi ta hành thiền. Điều tiên quyết là thiền giúp ta ý thức được sự cần kiệm dù đó không phải là ý nghĩa đích thực mà chư vị thiền sư muốn nói đến. Song nó là sự cần thiết cho bản thân, gia đình và xã hội.
4. Thiền giúp ta yên vui với cuộc sống
Thiền đưa đến định tâm. Định tâm tạo cho hành giả sự an lạc. Bản chất của định tâm là như thế. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” vì thế một khi có định tâm, thì cái nhìn của ta cũng bị tác động bởi cái lạc của định tâm. Ta không có được cái lạc miên viễn như các thiền sư bởi tâm mình còn bị cảnh vật sai sử. Cái vui và buồn của mình là vui buồn bị lệ thuộc vào duyên. Cảnh vừa lòng thì vui. Cảnh không vừa lòng thì buồn. Song mọi hình tướng ở thế gian có gì là vĩnh viễn? Đều là pháp nhân duyên sanh diệt. Một cái nhân như thế cho ra một cái quả như thế. Chỉ là những đầu mút nhân duyên sanh diệt nối tiếp nhau. Cái vui của mình trở thành pháp sanh diệt.
Thiền không những giúp ta có được sự an lạc của thân tâm, nó còn giúp ta chấp nhận và bình thản với những được mất ở thế gian. Bởi Phật tâm hiện diện trong tất cả mọi thứ mà không hề dính mắc với thứ nào. Dụng của Phật tâm là như thế. Mọi sợ hãi đau thương được đẩy lùi. “Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng. Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi”. Đã có sự an lạc của tự tâm, có thể làm chủ lấy bản thân thì những tệ nạn đáng tiếc như tự tử, ma túy, thuốc lắc v.v... sẽ không còn chỗ đứng trong xã hội.
5. Thiền, giúp ta nhìn đúng mọi sự như chính nó.
a. Con người thường nhìn thế giới chung quanh qua lăng kính tình cảm và tư duy của chính mình. Thiền giúp ta cất đi cặp kính màu muôn thuở đó. Con người xảy ra tương tàn gấu ó lẫn nhau không phải chỉ ngoài xã hội mà ngay cả trong gia đình một phần vì “Kẻ mất búa nhìn đâu cũng thấy kẻ trộm búa”. Người nói đông, qua tâm thức của mình đều thành tây. Đó là một trong những nhân duyên đưa đến sự tranh tàn trong gia đình và ngoài xã hội. Thiền giúp ta giải quyết được khổ nạn đó.
b. Nhìn đúng sự vật như chính nó cũng chính là nhìn ra được thế giới chung quanh ta không lìa ta mà có. Một thế giới tranh tàn đau thương hay hạnh phúc ấm no tùy thuộc vào những nghiệp nhân mà người ở thế giới đó đã tạo ra trong quá khứ. Y báo không lìa chánh báo. Ai tạo nhân, đủ duyên người ấy sẽ lãnh quả. Không tạo nhân, dù duyên có đầy bao nhiêu cũng không có quả để lãnh. Vì thế khủng bố tràn lan nhưng không phải ai cũng bị tai họa vì khủng bố, không phải có sóng thần thì ai cũng chết vì sóng thần. Ngược lại, y học tiến triển rất mực, nhưng không phải vì thế mà mọi bệnh nhân đều được cứu chữa lành lặn. Nền khoa học hiện đại vẫn có những mặt trái của nó (điển hình như bom mguyên tử, chất độc màu da cam v.v...). Nghĩa là, vẫn có người chết vì sự tiến bộ của nền khoa học kỷ thuật hiện đại. Tất cả đều có nhân duyên.
Nhận ra được điều đó, con người sẽ hạn chế bớt những trách cứ đổ thừa cũng như hạn chế đi những tư tưởng và hành động tàn bạo. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được một hoàn cảnh tốt đẹp khi thân khẩu ý của ta hoàn toàn bất thiện. Cho nên, có lập đàn tràng tế độ nhân sinh, không phải để cầu cho khủng bố thiên tai hay hoạn nạn hết hoành hành mà chính là cầu cho mọi người chúng ta có cái nhìn đúng đắn về thực lý Nhân Quả đang chi phối thế gian này, cầu cho chúng ta phát tâm hướng thiện. Tâm bớt bạo tàn tham dục thì khủng bố thiên tai sẽ không còn. Khủng bố dẹp rồi mà tâm con người không hết tham dục, sẽ có loại nạn tai khác xảy ra cho tương thích với những gì mà nhân loại đã gieo. Bởi hoàn cảnh chung quanh không hề lìa tâm mà có. Y báo nào lìa chánh báo?
Một lần, Tô Đông Pha đi dạo cũng Phật Ấn. Khi thấy tượng Quán Thế Âm cầm chuỗi niệm Phật, Tô Đông Pha đã hỏi:
- Quán Thế Âm là người để ta lễ bái, vì sao trên tay còn cầm chuỗi niệm Phật?
Thiền sư Phật Ấn trả lời: Đó phải hỏi chính ông.
Tô Đông Pha không hiểu: Sao con biết niệm ai?
Phật Ấn trả lời : Niệm Quán Thế Âm chứ ai.
Tô Đông Pha hỏi lại : Vì sao lại phải niệm mình?
Phật Ấn đơn giản : Cầu người không bằng cầu mình.
Nghĩa là, không có gì thay đổi một khi tâm con người còn đầy tham dục và sân hận. Mọi thứ chỉ thay đổi khi suy nghĩ và hành động của mình thay đổi.
c. Nhìn đúng sự vật như chính nó cũng chính là nhận ra tính cách vô thường ảo mộng của thế gian. Con người và vạn pháp ở thế gian không có gì tồn tại vĩnh viễn như thiền sư Vạn Hạnh đã nói “Thân như bóng chớp có rồi không. Thịnh suy như cỏ hạt sương đông”. Danh vọng tiền tài, hạnh phúc, được, mất v.v… chỉ như hạt sương sớm, hào nhoáng long lanh nhưng mong manh dễ vỡ ... Tuy thế, những gì đã gây tạo ở quá khứ, một khi đủ duyên, sẽ cho ta một cái quả không tránh khỏi. Cái quả ấy như hạt sương mai, nhưng với tâm thức nhìn đâu cũng thấy thực như mình, thì khổ đau, nạn tai, mất mát không phải là thứ dễ chịu. Đó là cái đáng tội của con người. Nhận ra được tính huyễn mộng mà không huyễn mộng này của thế gian, mọi tranh tàn sẽ chấm dứt.
6. Thiền giúp phát triển tình thương với muôn loài.
Thiền của Phật giáo giúp phá bỏ tham sân si, hiển bày Phật tính trong mỗi chúng sanh. Phật tính một khi đã hiển lộ thì tình thương đối với muôn loài sẽ hiện diện. Đó là dụng của Phật tâm. Ranh giới giữa bạn và thù không trở thành nặng nề đến nỗi phải tàn hủy lẫn nhau mới vừa lòng. Cũng không thể vì những lợi ích của riêng mình mà xâm phạm tàn hại đến người khác. Các tệ nạn như tham nhũng, buôn gian bán lận, giết người, cướp của, tạt ác xít v.v… sẽ bị đẩy lùi.
Chính nhờ loại tình thương này, nên dù nhận ra được thực chất mộng ảo của thế gian, chư vị Bồ tát vẫn trải dài sanh tử với những hạnh nguyện vô cùng vô tận của mình. Hạnh nguyện của chư vị được thể hiện qua 32 lời nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm : Hiện thân Phật, thân Tỳ kheo, thân Phạm vương, thân cư sĩ v.v... Cái gọi là xả thân vì lợi ích của người hầu làm vơi đi nỗi khổ cho người, chính là lý tưởng của chư vị. Chỉ vì, những thứ chư vị thấy như huyễn thì với người đời, mọi thứ vẫn như thực. Khổ đau là như thực. Hạnh phúc là như thực. Đã như thực, thì việc gieo nhân gặt quả như thực là điều không thể tránh khỏi. Giúp, chính là giúp họ nhận ra được nhân nào cho ra quả nào, để đời sống đỡ tai ương, cuộc sống đỡ hoạn nạn.
III. KẾT LUẬN :
Cuộc sống không phải khi nào cũng bình yên và hoàn toàn theo ý mình muốn. Có những thứ hình như vượt khỏi tầm tay và công sức của con người. Tai nạn, bệnh tật, thiên tai, chết chóc luôn rình rập. Khoa học tiến bộ đến đâu, vẫn có kẻ hở cho những thứ đó xuất hiện. Người nghèo có cái lo của người nghèo. Người giàu có cái lo của người giàu. Vì thế dù đời sống nhân loại văn minh đến đâu, tôn giáo vẫn có chỗ đứng nhất định của nó trong xã hội.
Mục đích chung của tôn giáo là dạy con người có cách sống sao cho phù hợp với chân lý hầu mang lại hạnh phúc và ấm no cho đời sống nhân loại. Cùng một mục đích như thế nhưng trong hiện thực, ta thấy tôn chỉ giáo lý của mỗi nơi mỗi khác, khác cả trong từng tông phái của một tôn giáo, thấy tôn giáo cứ như là biệt lập với xã hội. Thậm chí có tôn giáo chỉ thấy mang lại sự mê tín chết chóc hơn là làm lợi ích cho ai. Cái sai khác về tôn chỉ giáo lý có thể dựa vào tánh dục và căn cơ của người đời để hiểu. Vì tánh dục và căn cơ của người đời khác nhau nên giáo pháp lập ra có khác. Còn nói về mặt lợi hay hại mà một tôn giáo mang lại cho cá nhân, gia đình và xã hội thì phải nói đến sự vận dụng giáo pháp của người đó vào đời sống của mình. Nó lệ thuộc vào trình độ nhận thức của từng giáo phái, của từng thành phần, đẳng cấp, con người và cuối cùng là mục đích của chính người đang sử dụng nó. Vì thế tôn giáo trở thành đa dạng phức tạp, có mặt tích cực mà cũng có mặt hạn chế.
Song dù là tôn giáo nào, một khi đã xuất hiện ở thế gian thì đều phải chịu sự chi phối của lý Nhân Duyên. Phật pháp cũng như thế. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói “Pháp của chư Phật có nhân có duyên. Nhân duyên đầy đủ thì pháp mới tựu thành”. Dù đầy đủ giá trị bao nhiêu, nếu không có cái nhân là người ứng dụng và ứng dụng đúng Phật pháp thì cái gọi là “giá trị” ấy cũng không thành hình. Cho nên, Phật giáo nếu đúng là một tôn giáo như Einstein đã nói “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo này siêu việt khỏi một đấng thiêng liêng, tránh hết mọi giáo điều và thần học. Vì bao trùm cả thiên nhiên lẫn tâm linh, tôn giáo này phải được đặt nền tảng trên một ý niệm đạo giáo phát sinh từ những thực nghiệm của mọi sự vật thiên nhiên và tâm linh như là một sự hợp nhất đầy ý nghĩa. Đạo Phật đáp ứng được điều đó”, thì không có nghĩa là nó có thể giải quyết ổn thỏa được mọi khủng hoảng, tai ương, tội ác của nhân loại một khi nhân loại quay lưng với nó, hoặc đến với nó chỉ với tính cách tham khảo nghiên cứu rồi lớn tiếng ca tụng đức Phật, mà không hề ứng dụng những gì Phật đã nói trong giáo pháp của ngài. Phải có người ứng dụng giáo pháp của ngài một cách đúng đắn thì mọi khủng hoảng bế tắt mới được giải quyết. Duyên Phật pháp đầy ra đó mà không có cái nhân là người ứng dụng, thì đầy đủ lực dụng thần thông như Phật cũng đành bó tay, nói là hàng nối pháp của ngài. Tai ương vẫn là tai ương. Hoạn nạn vẫn là hoạn nạn. Phật pháp vẫn là Phật pháp. Lặng lẽ chênh vênh giữa cõi đời ô trọc. Thế thôi!
Thiền cũng không ra ngoài qui luật đó.
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.