Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Thiền một phương pháp dưỡng sinh kỳ diệu

"Bất cứ ai biết suy nghĩ đều có thể thiền định"
Trần Văn Tiến
Lớp ST6 - BXT
 Chụp lưu niệm tại Suối Hai
         Thiền đã được con người ta phát hiện từ thời cổ xưa, đó là một phương pháp dưỡng sinh kỳ diệu, nó đã tạo ra những tác dụng đáng kinh ngạc trong việc cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng, làm dịu tình trạng lo âu, giận dữ và trầm cảm, làm tăng sinh lực, khả năng sáng tạo, sự tin tưởng và lòng tự trọng, chống lão hóa... Có rất nhiều nguyên nhân khiến con người đến với thiền định. Vậy, theo định nghĩa khoa học, thiền định là gì: Theo tác giả Erica Brealey viết trong cuốn "Thiền định hành trình khám phá chính mình" thì "Thiền định là quá trình đạt tới sự tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái tĩnh, có được do luyện tập". Đó là trạng thái tập trung ức chế đồng đều cả nơron thần kinh cảm giác lẫn nơron thần kinh vận động, tập trung bắt đầu từ vỏ não và hệ thần kinh vận động.

         Thiền định đã được gọi là "Phản ứng thư giãn" vì nó trái ngược với "Phản ứng căng thẳng cấp tính". Căng thẳng là một cơ chế sinh tồn thiết yếu, là phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể. Khi nào áp lực bị dồn dập nhưng không có hướng thuyên giảm, lúc đó căng thẳng mới gây nguy hiểm. Con người khỏe hay yếu có quan hệ chặt chẽ tới tác động tinh thần. Tinh thần căng thẳng bị kích thích đột ngột hay lâu dài sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, làm rối loạn hoạt động của các cơ quan tạng phủ. Các sách đời xưa đã dạy rằng: Giận dữ làm thương tổn đến can khí, mừng rỡ quá độ làm thương tổn đến tỳ khí, khiếp sợ làm thương tổn đến thận khí... Mọi sự căng thẳng có hại cho sức khỏe đều sẽ được giải tỏa, trạng thái cân bằng tự nhiên của cơ thể sẽ được phục hồi khi tiến hành thiền định.

Có nhiều lợi ích to lớn trong việc thiền định:
1. Thiền định kích hoạt và làm tăng cường hệ miễn dịch.
         Nghiên cứu gần đây phát hiện rằng thiền định có thể giúp chống lại bệnh tật bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch. Khảo sát qua một số người tham gia thiền định cho thấy mức kháng thể trong máu của họ cao hơn những người không tham gia, do đó hệ thống miễn dịch được tăng cường, tăng khả năng chống lại bệnh tật. Thực tế cho thấy người tham thiền có thể chữa khỏi nhiều bệnh cấp tính và mãn tính, thậm chí cả một số bệnh hiểm nghèo. Trong tình trạng thư giãn ý thức kết hợp với việc thiền định đã giúp cơ thể tự điều chỉnh và phục hồi.

2. Thiền định giảm căng thẳng, nâng cao trực giác, làm chủ bản thân.
         Thiền định là một liệu pháp chống căng thẳng đồng thời tạo ra sự tự tin, nâng cao trực giác, làm chủ bản thân để bình tĩnh và dũng cảm đối diện với những thách thức của cuộc sống.

- Thư giãn thân thể: Bước đầu tiên là phải tự nhận biết và quan sát cơ thể của mình. Dần dần càng tỉnh táo nhận biết về các hoạt động của cơ thể như hít vào thở ra, toàn thân thể như hòa nhập vào hơi thở. Đến một phút nào đó mọi tạp niệm và thói quen vô ích sẽ tan biến, trong người luôn lan tỏa một sự bình an sâu sắc.

- Thư giãn tâm trí: Khi nhận biết được bản thân thì dòng tâm trí tự phát sẽ giảm hoặc tạm dừng - đó là thư giãn tâm trí. Tâm trí bị căng thẳng triền miên có hại cho sức khỏe, dẫn đến nhiều bệnh tật. Con người với tâm tư luôn được thư giãn sẽ sáng suốt hơn, ứng xử hài hòa hơn, yêu đời hơn.

- Giải tỏa tâm trạng: Khi con người có tâm trạng bất ổn như buồn chán, lo âu, tức giận, hồi hộp...đều là nguyên nhân có hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, thiền là cách tốt nhất để thoát khỏi tâm trạng không có lợi ấy - Tất cả sẽ được giải tỏa khi tham thiền.

- Nâng cao trực giác, làm chủ bản thân: Trực giác là khả năng vô cùng quan trọng của con người. Con người sẽ mở rộng tầm hiểu biết và đi tới sáng tạo; Thiền giúp quan sát, đánh giá bản thân cũng như mọi vật hiện tượng xung quanh một cách khách quan, toàn diện hơn. Thiền giúp con người trở nên thông minh hơn.

3. Thiền định làm chậm tiến trình lão hóa.
         Không có gì có thể đảm bảo cho con người trẻ mãi không già, nhưng ở một chừng mực nào đó, có thể nói rằng thiền định có thể kéo dài tuổi xuân. Những người tham gia hành thiền trong một khoảng thời gian nhất định sẽ có tuổi sinh lý, cũng như vẻ ngoài trẻ hơn so với tuổi thực của họ. Việc đắm chìm vào tĩnh lặng trong bản chất của nội tâm sẽ mang lại một vẻ rực rỡ cho khuôn mặt mà không có bất kỳ một loại kem dưỡng da nào có thể mang lại và một khi căng thẳng tan biến, những nếp nhăn trên mặt cũng giảm bớt, vóc dáng, làn da được phục hồi rõ rệt giúp bạn trẻ lại.

4. Thiền định làm tăng khả năng sáng tạo.
         Có một điều liên quan đến các tác động chống lão hóa của thiền định, đó là sự cải thiện chung trên mọi khía cạnh thuộc khả năng của tinh thần: Phản ứng nhanh hơn, suy nghĩ rõ ràng hơn, khả năng sáng tạo và mức độ thông minh gia tăng, khả năng tập trung cao hơn, làm việc có chất lượng và hiệu quả hơn. Rõ ràng điều này rất có ý nghĩa trên mọi phương diện; Giúp cho con người thành công hơn và mãn nguyện hơn trong cuộc sống.

5. Thiền định làm lành mạnh về cảm xúc.
         Các thiền giả cho biết sự tự ý thức, tự tin, và lòng tự trọng của họ gia tăng, họ cảm thấy hạnh phúc hơn và cân bằng hơn về cảm xúc. Những quan hệ tình cảm cũng được cải thiện khi chúng ta trở nên có ý thức hơn và có khả năng hóa giải trước khi nó bùng cháy.

6. Thiền định thanh tẩy và khai sáng tâm hồn.
         Thiền định là một phương pháp công hiệu giúp điều trị nhiều bệnh chứng tâm hồn và thể xác, là phương tiện giúp gọt giũa nhận thức và khả năng sáng tạo của con người, nhưng điều kỳ diệu thực sự của thiền định là khả năng thay đổi cá tính và giải thoát tâm hồn. Qua thiền định chúng ta bắt đầu ý thức được về mình, xem xét đánh giá bản thân một cách rõ ràng hơn, chính xác hơn. Để tạo ra sự thay đổi bản thân thật sự và lâu dài, không có cách nào khác hơn là phải thường xuyên tham thiền. Khi chúng ta đã đạt được sự tiến bộ trong thiền định, tâm trí bắt đầu trở nên tinh khiết và tĩnh lặng, chúng ta có thể đạt được mọi điều mong muốn.

Thay cho lời kết
         Khi tiến hành thiền định bạn sẽ nhận được một khối lượng rất lớn nguồn năng lượng thanh trong sạch của vũ trụ, nguồn năng lượng này giúp tăng cường sức khỏe về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Cũng qua hành thiền bạn sẽ được trải nghiệm nhiều điều. Có thể bạn nhận thấy nguồn năng lượng dồi dào đang đi vào cơ thể, cũng có thể thấy có cảm giác ê ẩm, căng, ngứa, như kiến bò khắp cơ thể, hoặc có thể xảy ra những hoạt động tự phát của cơ thể như lắc lư, chao đảo, những cảm giác lâng lâng, nhẹ, nổi, cảm giác hạnh phúc tuôn trào và những hiện tượng tâm linh như những ảo ảnh, những ánh sáng, mùi hương hoa và những âm thanh lạ lẫm....Xin bạn hãy bình tĩnh chớ nên lo lắng, vì đó là những điều thường xảy ra, nhất là những người có năng lượng nội tâm đã được đánh thức qua luyện tập. Điều đó cho thấy bạn đang đi đúng hướng và là dấu hiệu của sự tiến bộ. Tuy nhiên bạn cũng không nên quá quan tâm và nặng lòng đến các hiện tượng như vậy, tốt nhất hãy coi chúng chẳng khác gì những hiện tượng ta gặp trong đời sống hàng ngày, tâm trí đừng cuốn theo chúng mà hãy bình tâm chú ý đến hơi thở. Theo dõi hơi thở làm tâm của bạn sẽ trở về trạng thái tĩnh và nhập định nhanh hơn. Sự tiến bộ thật sự trong thiền định không thể được đánh giá qua tần xuất xuất hiện những hiện tượng mà được đánh giá qua sự thay đổi về thể chất và tinh thần. Sự thăng tiến về thể chất làm cho con người khỏe mạnh hơn, sự thăng tiến về tinh thần mang lại cho con người sự yêu thương, lòng từ bi, và lòng trắc ẩn lớn lao hơn./. 
Hà Nội, tháng 10 năm 2013

(Các tài liệu tham khảo: "Tìm lại chính mình" - Hòa thượng Thích Giáng Nghiên, "Thiền định hành trình khám phá chính mình" - Erica Brealey, "Sức mạnh vô thức" - Đoàn Thanh Hương, và một số bài viết trên mạng Intenet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.