Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Chuyện về dã ngoại

Trần Thị Hồng
Trưởng Tiểu ban Dã ngoại
         Tôi viết về dã ngoại để mong CLB cùng chia sẻ, cùng bàn bạc đóng góp cho công tác dã ngoại của CLB ngày càng tốt hơn lên:
         Tôi nhận công việc dã ngoại của CLB từ 2013, tính theo nhiệm kỳ, tôi đang ở năm cuối của nhiệm kỳ 4 năm, mong những chia sẻ của tôi giúp cho những ai tiếp tục làm dã ngoại có thêm chút kinh nghiệm...
         CLB nhà mình chủ yếu là những người già, nghỉ hưu, số trẻ có nhưng không nhiều. Mà người già thì làm gì ra mà có nhiều tiền, sức khỏe lại có hạn nữa, không phải muốn đi đâu cũng được. Bởi vậy tiêu chí được đề ra là: Tìm địa điểm thiền không xa lắm, không khó đi, không đắt đỏ và đương nhiên là phải có năng lương tốt rồi. Và còn phải đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lương học viên của CLB, nghĩa là phải có chỗ ăn, chỗ ngủ cho trên dưới 200 người mỗi đợt. Phải đảm bảo an toàn cho các đợt dã ngoại. Thôi thì đủ thứ lo!
         Ban Chủ nhiệm đã đi khảo sát rất nhiều nơi, nhưng cũng chỉ chon được vài điểm tạm đáp ứng những tiêu chí đã đề ra, nhưng còn chỗ ăn ngủ thì vẫn nan giải: học viên phải nằm chung 2 người 1 giường 1,2m; các bác nữ nói chung là ổn, các bác chấp nhận được, còn các bác nam thì lần nào cũng khó. Khi chia phòng cứ phải co kéo mãi, làm sao cho hợp lý nhất: Thường phòng 2 giường 1,2m ở 4, phòng 3 giường 1,2m ở 6; phòng 1 giường đôi ở 3 nữ còn được chứ 3 nam thì áy náy quá, không ổn, không ghép thế thì cứ thừa người ra, lần nào chia phòng cũng vất vả! Ban Dã ngoại chẳng muốn mọi người phải ở ghép, nhưng mỗi người một giường thì không có nơi nào đủ chỗ cho CLB, và tiền cũng tăng nếu mỗi người một giường.
         Chia phòng xong rồi, mà bao giờ cũng phải chia sau khi hết hạn đăng ký nhưng vẫn cứ phải chia đi chia lại vì lớp này bớt, lớp kia thêm, rồi thì bớt nữ lại thêm nam, hoặc ngược lại, mỗi thay đổi là một lần chia lại phòng ở, chia lại xe đi. Đi đông rất vui, nhưng bộ phận dã ngoại rất lo, lo từ lúc chuẩn bị cho tới kết thúc đợt mới thở phào nhẹ nhõm nếu trọn vẹn, còn nếu có gì chưa ổn thì còn ngẫm nghĩ, còn bắt trí nhớ lục lọi lại để tìm, để phân tích xem tại sao lại thế này? tại sao lại thế kia???, rồi ghi chép lại mà rút kinh nghiệm cho đợt khác...
         Khi chia xe, Ban dã ngoại phải ghép sao cho vừa đủ xe, đảm bảo tiết kiệm nhất cho mọi người, vậy mà đã có lần vào dịp du xuân, tối hôm trước cố đổi xe để ai cũng có chỗ ngồi nhưng tới sáng hôm sau thừa chỗ tới gần hết một xe vì số không đi quá nhiều. Thuê nhiều xe tốn nhiều tiền, đầu năm lại còn tiền mừng tuối lái xe nữa chứ, mỗi xe 1 lái 1 phụ, khi đó chỉ còn biết tiếc đến ngẩn ngơ, còn đâu tâm trí mà vãn cảnh với du xuân!
         Nói đến chia xe, mong cả nhà mình thông cảm cho Ban Dã ngoại: Khi đã chia xe thì mọi người đều có chỗ ngồi đủ, nhưng rồi vẫn có người phải ngồi ghế nhựa kê thêm hoặc ngồi xuống sàn xe vì người xe A chạy qua xe B để ngồi cùng chị em hay bạn thân, vậy là người xe B không có ghế. Cũng có lúc do đi thêm sau với đủ lý do mà người phụ trách dã ngoại không thể từ chối, hơn nữa quá một vài người nếu gọi thêm xe rồi hôm sau lại thiếu vài người thì quá phí, thuê nhiều xe mà đi ít, tiền thuê xe cao mọi người sẽ phải nộp nhiều, Ban dã ngoại chúng tôi chẳng muốn chút nào.
         Tới thanh toán thì sao? Khi có thanh toán của nhà nghỉ, Ban dã ngoại mới chia xem mỗi người là bao nhiêu, rồi thông báo cho các lớp để thu. Các lớp thu nhanh là tốt, thu chậm chỉ còn biết chờ, chờ cho tới khi đủ. Mọi người sốt ruột chờ xe lên đón chứ dã ngoại chúng tôi cứ cắm đầu vào thanh toán chẳng biết sớm muộn là gì. Nhiều lần đồ đạc mặc kệ, ai ở cùng cầm hộ thì cầm, hết giờ nhẩy đại lên xe rồi tính tiếp.
         Ban Dã ngoại luôn cố gắng có chi phí ít nhất cho mỗi đợt. Trước 2013, khi thuê xe Mai Linh chi phí cao hơn bây giờ vì mỗi xe phải thuê 7.000.000đ. Sau thuê chỗ khác còn 5.000.000đ, mà lần nào gọi xe cũng phải gọi vài nơi để cân nhắc xem đâu rẻ hơn, tất nhiên phải luôn coi trọng tới chất lượng. Từ khi có Hoàng Lan (lớp thiền 2) lo xe, dã ngoại chỉ việc gọi Hoàng Lan, đỡ hơn rất nhiều mà lại rẻ nữa. Cảm ơn Hoàng Lan nhiều nhiều!
         Viết mãi chắc mọi người đã chán đọc. Mong nhận được nhiều đóng góp của mọi người trong CLB để dã ngoại ngày một tốt hơn.
Ngày 3/11/2016

6 nhận xét:

  1. Những chuyện chị kể bọn em đều biết, muốn giúp mà không biết làm thế nào, chỉ biết lúc ra về giúp chị thu dọn đồ đạc, rồi đi cùng chị để xem mọi người ngủ, nghỉ thế nào mà thôi...
    HV thấy nên: tại từng lớp, ai đăng ký thì thu tiền luôn, thu 100% tiền xe ạ. Cán bộ lớp tự quản lý số người đi của lớp và quán triệt: không đi phải chịu mất tiền, hoặc không đi được thì phải báo cán bộ lớp trước chuyến đi bao nhiêu ngày, không nên để người khác phải "gánh" số tiền đó và cũng không nên quá nể nang.
    Khi ra xe, trưởng xe vẫn điểm danh quân số mà chị? thêm ai, bớt ai thì trưởng xe phải báo cáo và quán triệt. Sau mỗi chuyến đi, em thấy cần có ý kiến gửi về từng lớp, mỗi lớp cần rút kinh nghiệm chuyến đi chị ạ.
    Ngày trước, khi đi dã ngoại phải là học viên thế nào mới được đi, em nhớ là thế, phải sau thời gian tu thiền là bao lâu đó. Giờ theo em nên giữ như thế, tiêu chuẩn thế nào thì mới nên đi (thời gian tu luyện, sức khoẻ có bảo đảm?...), họ cần hiểu: làm phiền người khác cũng là gây nghiệp xấu cho bản thân, nhưng chỉ có ai phải sau một thời gian tu thiền nhất định mới có thể hiểu được điều đó.
    Về phòng ở: đúng là nan giải. Việc này cần phân công cụ thể cho cán bộ mỗi lớp ạ. Ví dụ: bệnh tật vợ chồng cần ở chung để chăm sóc đỡ đần thì cán bộ lớp phải nắm cụ thể, báo cáo, điều đó cũng giúp cho chị đỡ vất vả. Tại các lớp cũng nên quán triệt cho các bác nam về vấn đề ở chung, ngủ chung. Nếu ai khó quá thì theo em có lẽ nên để đến khi nào "bớt khó" hãy đi dã ngoại tập thể ạ. Vấn đề ai hoan hỷ thì đi nên làm ngay tại lớp, chứ không nên đẩy lên đến chị.
    Một số ý kiến của riêng em vậy đấy ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Hoàng Vân đã hiểu và đóng góp ý kiến.

    Trả lờiXóa
  3. Em có soạn "nháp" một số công việc mà cán bộ lớp cần làm để giúp giáo viên, giúp ban tổ chức, giúp chính các học viên ở lớp mình, em đăng lên đây để cả nhà xem rồi cho ý kiến ạ.
    Nhiệm vụ của ban cán sự từng lớp mỗi đợt đi dã ngoại chung với CLB:
    Ở nhà:
    1. Thông báo thời gian dã ngoại của CLB, cụ thể địa chỉ nơi đến, địa chỉ tập trung, giờ xuất phát.
    2. Thông báo thời hạn cuối nộp tiền.
    3. Lên danh sách học viên đi dã ngoại, thu tiền 100% .
    4. Cần thông báo rõ ràng: nếu học viên nào đã nộp tiền, nhưng vì lý do bất khả kháng, không đi được cần thông báo với ban tổ chức (BTC) của chuyến đi trước 3 ngày. Sau 3 ngày mới báo coi như vẫn có đi, không hoàn lại tiền.
    5. Thông báo với BTC danh sách học viên tham gia của lớp mình, cụ thể:
    6. Tổng số học viên sẽ đi
     Số học viên nữ
     Số học viên nam
     Cần ưu tiên: học viên nào đau ốm đặc biệt cần có người chăm sóc.
    Tại chỗ tập trung:
    1. Nhận số xe
    2. Điểm quân số tại xe.
    3. Quán triệt: học viên lớp nào ngồi đúng xe đã được phân công, không tự ý chuyển xe.
    Tới nơi:
    1. Nhận phòng ở của lớp.
    2. Phân công học viên theo phòng.
    3. Luôn sát xao học viên cùng với giáo viên lỡ có việc gì đột xuất cần giải quyết.

    Trả lờiXóa
  4. Em nhất trí với đề xuất của chị Hoàng Vân. Nếu như Ban Cán sự các lớp hoạt động tích cực hơn sẽ giảm tải cho Ban Dã ngoại.

    1. Ban Cán sự các lớp nên chủ động thu tiền trước 100% (VD: đi 2 ngày thu 400k, 1 ngày thu 200k) để khi Ban Dã ngoại báo chi phí cụ thể tính trên đầu người, Ban Cán sự có tiền nộp ngay chứ không phải đợi đi thu của từng người. Điều này sẽ giúp cho khâu thanh toán với nơi nghỉ được nhanh và thuận tiện.

    2. Giáo viên phụ trách các lớp nên quán triệt trước với học viên tinh thần "rèn thân - rèn tâm". Nếu học viên chưa quen với điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của các đợt dã ngoại như dạy sớm, thiền nhiều ca, nhiều giờ, ở chung, nằm ghép giường, tiện nghi chưa đầy đủ,... hoặc do điều kiện sức khỏe chưa cho phép, thì chưa nên tham gia các đợt thiền dã ngoại.

    3. Việc chốt quân số chỉ nhận từ Ban Cán sự, ko nhận báo lẻ từ học viên. Trước khi đi 3 ngày khóa sổ.

    4. Không đăng ký cho người nhà, bạn bè, người không phải là học viên - hội viên CLB DSNL tham gia dã ngoại.

    5. Các lớp chưa học thiền được 3 tháng cũng không nên tham gia dã ngoại.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Hoàng Vân đồng ý và đồng tình với ý kiến của Đoàn Thu. Giáo viên các lớp nên cùng nhau mạn đàm về việc này, mỗi người một tay, chia lửa thì công việc sẽ được giảm tải, giảm khó khăn vất vả.
    Vân cũng thêm ý kiến: học viên nào không tuân theo quy định về dã ngoại thì nên được góp ý chân thành, không nên xuề xoà, bỏ qua. Việc tổng kết, góp ý sau mỗi chuyến đi nên có, và cụ thể cho từng lớp qua trang blog và fb. Trên lớp tăng cường nghe Pháp để tu tâm.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.