Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

HAI VIÊN GẠCH LỆCH

 (Ảnh: Internet)
Chúng tôi cạn kiệt sau khi mua xong mảnh đất làm tự viện. Mà còn thêm nợ nữa. Mảnh đất thật trơ trọi, không nhà cửa, một túp lều cũng không. Suốt mấy tuần lễ đầu chúng tôi phải ngủ trên các cánh cửa cũ mua rẻ trong bãi phế liệu. Chúng tôi kê bốn góc cửa lên gạch làm giường (dĩ nhiên làm gì có nệm - chúng tôi tu ở rừng mà!). 

Sư cả được dành cho cánh cửa tốt nhứt bằng phẳng. Còn tôi có cánh cửa với cái lỗ bự xộn, chắc là cái lỗ của tay nắm. Tôi mừng thấy tay nắm đã được tháo gỡ, nhưng còn cái lỗ nằm chình ình giữa cánh cửa làm giường ngủ của tôi. Tôi đùa rằng bây giờ tôi không cần bước xuống giường để đi vô cầu tiểu nữa! Tuy nhiên sự thật là gió cứ luồn qua lỗ hổng đó nên nhiều đêm tôi nào có ngủ được. 

Là sư nghèo đi xây tự viện, chúng tôi không đủ tiền thuê thợ - chỉ nói tới vật liệu là thấy đủ ngán rồi. Vì thế tôi phải học xây cất, như cách làm móng, cách đổ bê-tông, cách xây gạch, cách lên mái, cách thiết kế hệ thống ống nước, vân vân. Tôi phải học toàn bộ công việc. Lúc sống đời cư sĩ tôi chỉ biết lý thuyết vật lý và dạy ở trường trung học chớ có làm công việc tay chân nào đâu. Sau mấy năm dùi mài tôi tạm gọi có tay nghề khá và từng lập một đội ngũ mà tôi gọi là đội BBC (Buddhist Building company, Công ty Xây dựng Phật giáo). Tuy nhiên lúc bắt tay vào việc mới thấy không phải là dễ. 

Xây gạch trông có vẻ rất dễ, chỉ việc lót một bay hồ bên dưới rồi đặt viên gạch lên, gõ góc này vài cái góc kia vài cái là xong, chớ có gì là khó. Nhưng không phải vậy đâu. Lúc mới vô nghề tôi làm y như vậy, nhưng hễ tôi gõ đầu này xuống thì đầu kia trồi lên, gõ lại đầu kia thì gạch bị đùa ra xéo xẹo. Tôi kéo gạch vô, cái góc tôi gõ lúc ban đầu nhô cao hơn. Mời bạn thử làm xem!

Là nhà sư tôi có thừa kiên nhẫn và thì giờ nên chi tôi cứ gò tới gò lui để công trình xây gạch được toàn hảo; tôi không nề hà tốn công hay thời gian. Cuối cùng tôi hoàn thành bức tường đầu tay và tôi bước lui đứng ngắm. Cũng ngay hàng thẳng lối đó chớ. Nhưng khi nhìn kỹ thì - ô hô - có hai viên gạch méo xẹo trông rất dị hợm. Chúng là hai “con sâu làm rầu nồi canh.” Chúng làm hỏng trọn bức tường!

Lúc đó hồ đã cứng rồi nên không sao kéo hai viên gạch lệch cho ngay ngắn lại được. Tôi trình Sư cả xin bỏ bức tường ấy để xây lại - thậm chí làm cho nó mất xác luôn cũng nên. Làm mà hư nên tôi rất tức tối. Sư cả không cho, và bức tường đứng yên!

Hôm đưa các khách đầu tiên đi tham quan khu chùa mới cất, tôi cố tránh bức tường gạch tôi xây. Tôi không muốn bất cứ ai nhìn thấy nó. Nhưng một ngày nọ, khoảng ba bốn tháng sau, có một vị khách nhìn thấy bức tường trong lúc đi bách bộ với tôi. Ông bất chợt khen: 
“Ồ, bức tường đẹp quá!”

Ngạc nhiên, tôi nghĩ ông khách chắc đã bỏ quên mắt kíến trong xe hoặc mắt ông rất kém. Tôi bèn nói: “Thưa có hai viên gạch lệch làm hỏng cả bức tường kìa!” 
“Vâng, tôi có thấy hai viên gạch lệch đó. Nhưng tôi cũng có thấy 998 viên gạch khác rất ngay ngắn.” Vị khách vừa nói ra những lời làm thay đổi hẳn cái nhìn của tôi về bức tường, về tôi và về nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

Tôi sững sờ. Trong hơn ba tháng qua, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những viên gạch khác trên bức tường, những viên gạch nổi bật cạnh hai viên gạch lệch. Bên trên, bên dưới, bên trái, bên phải của hai viên gạch lệch đó là những viên gạch ngay hàng thẳng lối rất đẹp mắt. Đã vậy, những viên gạch hoàn hảo có nhiều, rất nhiều so với hai viên gạch lệch đó. Trước đây mắt tôi chỉ tập trung vào hai lỗi của mình và không thấy được gì khác hơn. Đó là lý do tại sao tôi không muốn nhìn cũng như không muốn để người khác ghé mắt vào bức tường. Đó cũng chính là lý do tôi muốn phá hủy nó. Giờ thấy được những viên gạch đẹp rồi tôi nghĩ nó không còn trông xấu xí nữa. Chính vậy mà vị khách mới khen “bức tường đẹp quá.” Bức tường ấy vẫn còn đứng vững đây sau hai mươi năm và tôi không còn nhớ đâu là hai viên gạch lệch hết. Tôi hầu như không còn nhìn thấy có chút lỗi nào nữa cả.

Biết bao nhiêu người trong chúng ta đã dứt bỏ mối quan hệ của họ hoặc ly dị nhau bởi vì họ chỉ nhìn thấy “hai viên gạch lệch” nơi bạn họ. Biết bao nhiêu người trong chúng ta từng tuyệt vọng, thậm chí từng nghĩ đến việc tự vẫn, bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy trong chúng ta “hai viên gạch lệch”. Sự thật, có rất nhiều, rất nhiều viên gạch tốt, viên gạch hoàn hảo ở bên trên, bên dưới, bên trái, bên phải của hai viên gạch lệch ấy, nhưng chúng ta chưa nhìn thấy mà thôi. Và mỗi lần nhìn chúng ta hay chăm chú vào các lỗi lầm. Rồi chúng ta chỉ thấy toàn lỗi lầm, nghĩ chỉ có lỗi lầm, và muốn phá đổ tất cả. Đáng buồn thay, nhiều lúc chúng ta đã lỡ đập vỡ “một bức tường đẹp!”

Tất cả chúng ta đều có hai viên gạch lệch, nhưng cũng có những viên gạch toàn hảo, nhiều và rất nhiều so với những viên gạch lệch. Khi chúng ta nhận ra điều này thì sự việc không hẳn là xấu xa. Không những chúng ta có thể sống hoà với chính mình, kể cả những lỗi lầm của mình, mà còn có thể sống vui với mọi người. Một tin không vui cho các luật sư ly hôn, nhưng là tin tốt cho các bạn có gia đình. Phải không các bạn?

Tôi có dịp kể giai thoại này khá nhiều lần. Lần nọ có nhà xây cất đến gặp tôi và bật mí cho một bí mật nghề nghiệp. Ông nói: “Nhà thầu chúng tôi lúc nào cũng bị sơ hở hết. Nhưng chúng tôi nói với khách hàng rằng đó là những ‘nét đặc thù’ mà các nhà chung quanh không hề có. Rồi chúng tôi tính thêm vài ngàn đô-la nữa!” 

Như vậy “nét độc nhứt vô nhị” trong nhà bạn có thể phát xuất từ những lỗi lầm xây cất. Cũng giống như vậy, những gì bạn cho là lỗi của mình, của bạn mình, của cuộc đời nói chung có thể là những “nét độc nhứt vô nhị” làm phong phú thêm đoạn đời của bạn nếu bạn không đặt trọng tâm vào chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.