Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Ngồi thiền chữa bệnh thân và tâm

Ngồi thiền 

Luyện thân có luyện Tĩnh và Động, Thiền Tĩnh là ngồi yên, Thiền Động có thể Kinh Hành hoặc có một bài quyền thường tập, giúp khí huyết lưu thông, nhất là những vùng khí lạnh cần phải tập động công cho cơ thể ấm áp. Bài viết này chú trọng đến Thiền Tĩnh nặng về luyện Thân Ý còn Thiền Động nặng về luyện Thân Tướng.
Ngồi thiền chữa bệnh thân và tâm
Sau khi đã có đời sống thay đổi như thế, bắt đầu ngồi yên tịnh cho thân được yên. 

Ngồi để làm gì? Không phải ngồi để cho khỏe mạnh sống lâu. Cũng không phải ngồi để thành Thánh Tiên Trời Phật. Cũng không phải ngồi để kiến tánh thành Phật, cũng không ngồi để suy diễn những điều cao sâu, cũng không ngồi để cho một hy vọng gì khác. Ngồi chỉ để mà ngồi yên tịnh thân. Vậy thôi. Khi ngồi ban đầu thân rất khó chịu, khó ngồi yên được. Ai ngồi Kiết Già được một giờ yên tịnh thì như có Đại Căn Tu Tập rồi.
Ngồi để làm gì? Ngồi để thấy thân khổ đau khó chịu, ngồi để vượt qua sự vọng động của thân, ngồi để thấy cái vô vị hoang mang của lòng người, ngồi để biết rằng mọi người tu tập ai cũng ngồi và nhờ ngồi mà thành tựu, ngồi là cái đầu tiên ông thánh ông thần nào cũng hành xử. Chính Đức Giêsu đêm nào cũng lên núi ngồi. Đức Phật sau khi đi sáu bảy năm theo các môn phái tu tập, do duyên chưa tròn, vẫn không giác ngộ được Đạo nhiệm mầu. Ngài đành ngồi dưới một gốc cây và thề rằng: “Dù thịt nát xương tan, nếu không đạt Đạo, thề không rời khỏi chốn này” (theo Kinh Phật). Ngài đã ngồi miên mật rất nhiều ngày, sách kinh cho rằng 49 ngày đêm, sau đó đã chứng ngộ được Đạo pháp vi diệu. Gốc cây ngài ngồi được đặt tên là Budda có nghĩa là cây tỉnh thức. Tên của Người cũng được đặt là Budda có nghĩa là người tỉnh thức. Vì vậy không ngồi thì gọi là không Budda có lẽ là được. 
Ngồi cho tê dại, cho mệt mỏi chán chường, cho tối tăm mày mặt, cho đến khi chán chê mê mỏi rồi bạn sẽ biết ngồi thiền là gì? Cái này chỉ có người ngồi mới biết, không ngồi dù nói ngàn năm cũng chẳng biết. Nếu không vượt qua giai đoạn này, thì xem tư liệu này chỉ rối trí thêm, bạn nên dừng lại và thực tập ngồi đi.

MỖI NGÀY PHẢI CÓ ÍT NHẤT MỘT GIỜ NGỒI THIỀN.

Nếu bạn bỏ một ngày không thiền định, coi như công phu từ trước mai một mất thật nhiều. Chọn một giờ cố định, một nơi cố định, thời lượng cố định, thường ít nhất là 60 phút (mới tập thì ít hơn, về sau phải ngồi cho được 60 phút).
Đối với những người tu tập thiền định, sau một thời gian, họ tự tăng giờ và buổi thiền định lên mỗi ngày hai đến ba lần, thời lượng vượt qua 60 phút là bình thường. Có thể lên 70, 80, 100, 120 phút, .không giới hạn. Chẳng cần tìm Pháp ngồi Thiền, vì khi ngồi pháp THIỀN tự hiện. Không ngồi dù có pháp Thiền thật, pháp thiền hay, pháp thiền của Phật. cũng trở thành phí bỏ. Vì mọi pháp thiền đều có LÝ và HÀNH. Nếu không HÀNH tức nhiên thành HUYÊN, đã là huyễn thì thành vọng tâm mà thôi. Phật ở trong Tâm, Pháp ở trong Ý, Tăng ở trong Thân. Đó là Tam Bảo, tất cả đều có nơi con người. Bạn không chỉ tìm bên ngoài, không chỉ tìm nơi người khác. Chắc chắn không có nếu nơi bạn không có. Nếu nơi bạn đã có thì nơi đâu cũng THẤY. Ngồi thật ra như thế nhưng về sau không gì hạnh phúc cho bằng NÓ, trên đời này nó là báu vật vượt qua mọi cái mà người viết đã từng cảm nếm. Nên ngồi kiết già, giai đoạn đầu hơi khó thì ngồi tạm kiểu Bán Già rồi tập dần dần hai chân bắt chéo. Mỗi ngày ngồi ít nhất một giờ, liên tục hoặc hai ba giờ tùy, hoặc nhiều hơn.
Ai bàn không cần ngồi cũng có năng lượng tuệ giác, có thần thông, có hạnh phúc, có an lạc.. .xin bạn đừng tin. Ngồi không có giới và hạnh, thà đi ngủ còn sướng hơn. Ai nói ngồi thiền mà không giữ giới bạn hãy thương họ, người ấy chắc chắn đang mê hoặc là thần tiên. Bạn nghĩ coi làm sao trong đời có Thần Tiên xúi người không giữ giới?

Chữa bệnh thân và tâm

Một số vấn đề chữa bệnh trong công phu thiền định: thật ra thiền định không phải là một phương pháp chữa bệnh của thân, nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ trên thân xác một cách tự nhiên, vốn nó không có ý chữa bệnh thân tướng. 
Vì vậy khi có bệnh trên thân xác, bạn nên đến thầy thuốc để được chữa bệnh. Mọi kết quả hiện trong đời đều có nhân duyên, bệnh là một tập hợp nhiều nhân duyên hình thành, đương nhiên bệnh thì khổ, nhưng bệnh còn những ý nghĩa tích cực vô biên mà con người cần nhận lấy. Bệnh có thể là nơi trả nghiệp, do tích lũy độc chất lâu ngày, sinh ra một chứng bệnh báo hiệu độc tố đã nhiều trong thân, ở đây bệnh lại là cơ hội giúp mình đoạn trừ độc chất đầy ắp trong thân thể. Có lúc bệnh do uống quá nhiều rượu, khi bệnh đau gan hoặc tiêu hóa xuất hiện, bạn phải hiểu rằng do uống nhiều rượu đã làm hư tổn bộ máy tiêu hóa, bệnh trở thành lời nhắn nhủ và khuyên từ bỏ bớt tánh xấu có hại. Nơi khác bệnh đau nhức xương khớp do uống quá nhiều nước đá đã sinh ra. Mỗi khi trời trở lạnh, bệnh đau nhức hành hạ, do bên ngoài trời lạnh gặp bên trong cũng đã có nhiều nước đá ẩn tàng, nên “nội công ngoại kích” thì bệnh chứng sinh ra dai dẳng không phương trị. Đôi lúc bệnh lại là một đại hồng phúc mà Trời đã ban tặng cho con người. Sao kỳ vậy? ... Giả như có một người chạy xe rất là ẩu tả, và có một ngày bị tai nạn gãy hai chân và hôn mê sâu. Sau điều trị đau đớn nhiều ngày, anh ta tự hối sau này không làm như thế nữa. Giả như anh ta không tự hối, vẫn tiếp tục hành động như cũ. chắc chắn tai nạn cho mình và cho cả những người đi đường khác sẽ xảy ra. Tai nạn đã làm anh ta bừng tỉnh và tránh tai họa cho nhiều người khác, nhờ đau đớn của những ngày trong cơn bệnh tật. Bệnh tật đã trở thành một cơ hội thay đổi lỗi lầm. Có hồng phúc nào làm cho con người thay đổi lỗi lầm mà không lớn lao? Chỉ có người mê mới không nhận thấy, vì không thấy quả thật là con người đang mê, chúng ta nhìn lại cứ tưởng mình đang tỉnh thức, nhưng thật ra là chúng ta còn đang rất mê. Xin tạ ơn bệnh tật nhưng xin cho chúng con nhìn bệnh tật trong tâm tình của hồng ân Trời Đất. Con thật không dám xin bệnh tật xảy đến, nhưng xin cho con nhận ra ánh sáng của bệnh tật trong tình yêu của Thánh Trời Tiên Phật.

 Chính thế bệnh thường khổ, khổ để nhắc con người tránh làm những điều trái tự nhiên, đôi lúc bệnh chưa cần phải chữa gấp mà là một thời gian nhìn ngắm đau thương, đủ để chuyển đổi đời sống, bệnh trở thành một nguồn vô tận của động lực thăng tiến. Hiểu như thế không có khổ, chỉ sợ không biết chuyển khổ mà thôi. Ngày nay với một ít dược liệu cỏ cây gồm: Tứ Khí: Thăng, Giáng, Phù, Trầm hoặc Ngũ Vị: Mặn, Ngọt, Chua, Cay, Đắng, của nền y học Đông phương, dựa trên nền tảng lý luận của Kinh dịch, cao lắm chỉ chữa được Thân Tướng và chuyển đổi Thân Khí. Không thể ngăn được Dòng Sinh Tử biến hiện trên thân mạng con người. Đối với bệnh thuộc phạm trù của tinh thần dẫn đến nội thương bởi tình chí, thường không thể chữa bằng dược vật, tự thân người bệnh chuyển bệnh bằng ý niệm mới hóa giải cái kẹt mắc. Như người đã tham của bất chính, bị phát hiện, đêm về nghĩ suy lo lắng sợ người đời sỉ nhục, qua vài đêm tóc đã bạc trắng, thần thái bạc nhược, thân thể tiều tụy, giọng nói thất thần.làm sao có thể dùng dược vật để chữa được. Nếu nhận thức cho mình đã sai phạm, sám hối và bồi đền, chấp nhận người đời lên án.vì mình xứng đáng chịu như thế, nhờ vậy sự lo âu giảm bớt dần và không tổn thương đến thân tướng. Lấy sự lành giải sự ác, đó cũng chính là phương pháp chữa bệnh, rất quan trọng và rộng lớn. Thanh Tịnh Tâm góp phần vào điều chỉnh sự an lành của con người, đi sâu vào toàn bộ bản thể thân mạng, nhưng đồng hành hạn định tồn tại của sinh mệnh trên đời. Thanh Tịnh Tâm không phải chấm dứt bệnh tật, mà làm vơi bớt bệnh khổ, nhờ hóa giải bằng thân ý với Ý Niệm Biết và Ý Niệm Lành dẫn đến việc lành tạo quả lành trong đời sống. Vì thế chữa bệnh phải biết phạm vi của phương pháp, không nên nói bệnh nào cũng chữa được. Nếu thầy thuốc là người nâng được sự chữa bệnh của mình đi vào được Thân Ý và Thân Tâm, thầy thuốc ấy tất nhiên phải là người có đời sống tu tập. Đây là một vị thầy thuốc danh thơm tiếng tốt, khi người bệnh và người thầy tâm ý đồng hiệp. Được nghỉ ngơi chủ động, toàn bộ các cơ quan được tưới tẩm năng lực nhiều lần mỗi ngày khi ở trạng thái Thanh Tịnh Tâm. Nếu bạn ở trạng thái tâm thức nghỉ ngơi, thì thân tướng được nghỉ ngơi, khi nghỉ ngơi chính là bồi đắp năng lượng cơ thể. Nếu cả ngày ở trong trạng thái ấy, thì cả ngày được bồi đắp năng lượng. Bạn luôn luôn được ở trong trạng thái hạnh phúc. Đó chính là quà tặng của Thanh Tịnh Tâm mà người viết hay nói là kho báu vĩ đại trong đời bạn. “Cười đi đừng lo lắng nữa” - “thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, an trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời”. (thơ thiền Nhất Hạnh) Luôn luôn nạp năng lượng mới, nhờ thế tăng khả năng chuyển hóa và đào thải. Khi các tế bào được bồi dưỡng nhiều năng lượng thanh sạch, tế bào sẽ hoạt động tốt, gia tăng đào thải khí trược, làm thanh sạch cơ thể, tạo tính bảo tồn thân tướng mỗi ngày một tốt hơn. Các tạng phủ được cơ hội điều chỉnh, giải độc, bồi dưỡng như nó vốn là. Tăng sức mạnh nội thân, tăng sức đề kháng của cơ thể. Cơ thể sẽ được khỏe mạnh và an bình. Đây là một phương pháp chữa bệnh tuyệt vời, nó hoàn chỉnh cả thân và tâm. Bạn nên nhớ rằng, mỗi con người vào trần thế bằng một Căn Cơ (bằng một gene khác nhau, bằng một nguồn duyên khác nhau, bằng tổ tiên khác nhau, bằng một dân tộc khác nhau.), vì thế chúng ta giống nhưng rất khác nhau, nên bệnh tật cũng vô cùng khác nhau. Thanh Tịnh Tâm có khả năng điều chỉnh các khác biệt đó rất mạnh mẽ và đưa về một trạng thái cân bằng duy nhất, cho dù bạn ở nguồn căn cơ nào, có khác nhau thời gian và công lực tu tập. Vì trước sau gì chúng ta cũng là MỘT, đều là con Trời, đều là Phật.khi chúng ta nhận ra điều này, vấn đề bệnh tật không còn chỉ là thảm họa, mà ẩn tàng phương tiện, như phi thuyền lực nghịch càng lớn thì bay càng mạnh, nghịch cảnh của bệnh tật càng lớn thì tiến bộ càng vĩ đại, nếu chúng ta biết đặt đúng vị trí và dùng nó. Nếu không NÓ chỉ là bom khủng bố phá hoại một kiếp người mà thôi. Tăng năng lượng dự trữ. Năng lượng này không phải chỉ có năng lượng cho tế bào mà cả năng lượng cho thân ý và thân tâm. Thần quang người tu tập phát lộ, ẩn chiếu sự an lành tự tại. Niềm vui ẩn kín không ngừng lan tỏa, nơi họ có một sức mạnh kỳ lạ làm rung động lòng người. Sự chứng đắc này ai tu thì có không thể nói hết được. Tăng vẻ đẹp thần sắc và khí sắc. Người tập sẽ lâu già, hoặc trẻ lại. Khi một cơn giận, buồn, hoặc lo âu xâm chiếm lòng người, con người có thể nhận ra trên khuôn mặt của họ. Sự chuyển động của thân ý được rọi chiếu ra bên ngoài, nhất là ở khuôn mặt. Cũng vậy một sự bằng an luôn luôn hiện diện nơi tâm ý cũng ánh lên một sự thuần khiết nơi sắc diện, sự thanh khí này làm cho châu thân mỗi ngày mỗi mềm mại, nhất là khuôn mặt trở nên khả ái không phấn son nào bì kịp. Các bạn hãy tin điều đó là sự thật, khi nhìn các người tu đã chứng đắc, các bạn sẽ hiểu điều đó là sự thật.
Kính chúc bao người trong bệnh tật, nhận ra hồng phúc tất nhiên của khổ đau, biến thành nội lực tiến bộ tu tập, đạt được thành quả viên mãn trong đời mình, đạt thành tựu cảnh giới.
Lương y Dương Phú Cường
Trưởng Ban Giảng huấn Hội Đông y quận Gò Vấp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.