Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

CẨN NGÔN

Đầu xuân của năm mới, MN được may mắn nhận món quà rất ý nghĩa. Đó là một cuốn sách ghi lại những bài giảng về Phật Pháp của Đại Đức Thích Đạt Ma Khế Định. Cuốn sách có tên là "Con đường tự thắng mình". Nhân một ngày đẹp trời, MN tình cờ ngồi đọc và thấy rất tâm đắc với một bài giảng có tên là "Cẩn ngôn". MN muốn gõ lại bài giảng đó, xem như là một món quà tặng quý bạn đọc của trang nhà, cùng với lời cầu chúc bình an tới quý Thầy Cô, các bác, các cô chú, các anh chị và các bạn hội viên của CLB. :D

                    CẨN NGÔN
   Đại đức Thích Khế Định thuyết giảng tại Thiền tự Đạo Viên Canada       
          
1.     Dẫn nhập
     Hôm nay Quý Thầy có bài chia sẻ với quý Phật tử. Chúng ta thấy rằng bệnh từ miệng mà vào, mà họa cũng từ miệng ra.
      Trong cuộc sống, nếu không khéo, trong lúc giận nói những lời ác khẩu là tạo tội. Nếu tu sơ sài thì không thấy gì hết nhưng nếu đi sâu vào công phu thì thấy nó tạo tác rất lớn, khó đi sâu vào thiền định. Cho nên hôm nay tôi chia sẻ bài pháp “CẨN NGÔN”. Cẩn là cẩn trọng, ngôn là lời nói. Cẩn ngôn là cẩn trọng lời nói.

      Cổ đức nói: “Một lời nói ra có thể cứu người, mà một lời nói ra cũng có thể giết người” hay “Lời nói như mũi tên bắn ra có thể làm tổn thương người khác”.
Trong Kinh Phật Tứ Sâm, Phật dạy: “Xét kỹ mọi việc rắc rối, lôi thôi ở đời chỉ sự cãi vã các điều không đâu mà ra, tai vạ từ cửa miệng mà ra, ngàn tai ương, muôn tội lỗi trở ngại trói buộc lấy thân mình”. Thần khẩu hại xác phàm, nói nhiều thì lỗi nhiều. Trong Kinh A Hàm Phật dạy: “Này các thầy Tỳ Kheo, trên đời này có ba lối nói. Lối nói thứ nhất là nói lời như phân”, tức là nói lời ác khẩu đến người khác, làm cho người ta đau khổ, nhức nhối. Một người nếu bị người ta nói nặng giống như một mũi tên bắn vào ngực. Nếu ta biết cách chuyển hóa thì rút mũi tên ra, băng bó vết thương lại thì vết thương sẽ lành. Còn nếu không biết chuyển hóa thì mình lấy mũi tên ra nhưng lại đâm vào người khác chung quanh mình (tức là đem kể lại), thì những người chung quanh tiếp tục bị mũi tên đâm. Đó là lời nói như phân: “Lối nói thứ hai là nói lời như rác”. “Lối nói thứ ba là nói lời như mật”, nghĩa là ai đó đang bức xúc, đau khổ, mình dùng lời nhu nhuyến để an ủi, chia sẻ. Chúng tat u Thiền phải nhớ những lời nhu nhuyến thanh tịnh đến người khác.
2.     Cẩn ngôn có lợi ích gì?
         Trong Kinh Pháp Cú, phần Song Yếu có ghi: Vua Ba Tư Nặc ở nước Xá Vệ một hôm thiết lễ trai phạn cúng dường Đức Phật. Lúc chuẩn bị cúng dường có hai người lái buôn tới. Người lái buôn thứ nhất nghĩ và nói thế này: “Phật như đế vương, đệ tử như trung thần, Phật giảng thuyết pháp, đệ tử đọc tụng truyền bá. Vua Ba Tư Nặc thật là sang suốt, biết cách cúng dường”. Ngược lại, người lái buôn thứ hai nghĩ và nói rằng: “Vua Ba Tư Nặc thật là ngu, đã là vua rồi, còn cần gì nữa. Phật như bò, đệ tử như xe. Bò kéo xe chạy đông chạy tây. Phật có đạo hạnh gì mà phải kính tin theo”. Người thứ nhất khởi thiện tâm và có lời cẩn ngôn, chánh niệm, do đó được Tứ thiên vương ủng hộ. Ví dụ quý Phật tử đáng ra năm nay bệnh nặng nhưng chỉ cần khởi niệm tâm, dùng lời nhu nhuyến thanh tịnh với người khác tự nhiên được chuyển hóa. Còn người thứ hai khởi ác tâm nên quỷ La Sát đến xúi giục uống rượu say, sang hôm sau bị năm trăm chiếc xe bò cán chết và thần thức bị sa vào địa ngục A Tỳ. Người thứ nhất thấy vậy không về nhà nữa mà đi sang một nước khác, nước này đang thiếu vua, thấy người này có vầng khí tốt nên mời làm vua. Sau khi lên ngôi, vị vua này biết nhờ hồng ân của Phật nên mời Phật đến. Lúc này Phật có bài kệ:
Tâm là gốc muôn pháp
Tâm đứng đầu sai tử
Trong tâm khởi niệm ác
Nói ác và làm ác
Thì tội khổ theo ta
Như xe lăn theo vết
     Trong cuộc sống, một niệm ác vừa dấy khởi phải biết cách chuyển hóa, nếu không sẽ nói ác và làm ác. Chuyển hóa như thế nào? Một niệm vừa khởi, thấy biết nhưng không trụ niệm, không chạy theo niệm trên nên chuyển hóa được. Đi suốt qua tất cả mà không trụ vào cảnh thì thoát.
Tâm là gốc của muôn pháp
Tâm đứng đầu sai sử
Trong tâm khởi niệm thiện
Nói thiện và làm thiện
Thì phước lạc theo ta
Như bóng đeo theo hình
(Đức Phật A Di Đà. Ảnh chụp tại chùa Viên Đình, năm 2014)
     Theo tinh thần tu hành, rất sợ ác khẩu. Trong Sa Di luật nghi ghi lại: Trong một tinh xá vào thời Đức Phật có vị Tỳ kheo già, tụng kinh bị khan tiếng. Có một Sa di trẻ tụng kinh rất hay thấy vậy nói rằng: “Thầy tụng kinh giống như chó sủa”. Ông thầy Tỳ kheo già đã chứng A La Hán thấy vậy kêu lại và nói: “Ta đã chứng A La Hán, nếu con nói như vậy sẽ bị đọa địa ngục. Con phải sám hối đi”. Vị Sa di trẻ sám hối rồi, mặc dù không qua địa ngực, ngạ quỷ nhưng vẫn chịu 500 kiếp làm chó. Sauk hi đọa làm chó, đến đời cuối cùng bị người ta chặt bốn chân vứt xuống vực. Gặp Ngài Xá Lợi Phất cho ăn cơm và chú nguyện. Sau khi chết, nhờ phúc duyên làm Sa di trong đời Đức Phật Ca Diếp, ngày hôm nay gặp được Ngài Xá Lợi Phất chú nguyện nên tái sinh làm con ông trưởng giả. Đến 7 tuổi gặp lại Ngài Xá Lợi Phất khai thị chứng quả A La Hán. Sau khi chứng quả rồi, nhìn lại những đời quá khứ và nguyên nhân của nó. Ngài phát nguyện cả đời không thọ giới Tỳ kheo, chỉ làm Sa di thôi.
     Trong Kinh Phạm Võng có một cô gái được mẹ dắt đến tinh xá, gặp một vị Tỳ kheo già mắt chảy gỉ nhèm. Thấy vậy cô liền nói: “Ông Tỳ kheo này giống như con quạ mù”. Câu chuyện này đến tai Đức Phật, Phật nói: “Do cô gái này nói lời ác khẩu đến thầy Tỳ kheo nên năm trăm kiếp sẽ làm quạ mù”. Người mẹ nghe vậy sợ quá đến đảnh lễ Đức Phật khóc lóc, nhờ năng lực của Đức Phật để chuyển hóa lại. Các Thầy Tỳ kheo thưa: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là bậc đại từ, đại bi, tại sao lại thọ ký như thế?”. Phật nói: “Ta không thọ ký thì pháp cũng thế. Pháp nhĩ như thị”. Do đó, chúng ta thấy nếu không cẩn ngôn thì dù Phật có ra đời cứu cũng không được. Tu phải kiểm soát lời nói chứ không phải chuyện đơn thuần. Một lời nói mình nói ra tác động làm cho người khác đau khổ thì trong cuộc đời mình sẽ gặp phải những điều khó khăn đến. Trong Cổ học tinh hoa, Lão Tử nói; “Con người khi sống thì mềm yếu, khi chết thì cứng. Muôn vật cây cỏ khi sống thì mềm yếu, khi chết thì khô cứng. Cho nên cứng là con đường chết, mà mềm là con đường sống”. Tinh thần Thiền là phản quan tự kỷ, lo bổn phận mình là đủ, luôn luôn phản chiếu lại tâm thức của mình là đủ, luôn luôn phản chiếu lại tâm thức của mình, chánh niệm, cẩn ngôn, còn chuyện của người ta là chuyện nhân quả người ta gánh. Thiền sư Vô Đức có một đệ tử hay nói xấu huynh đệ, Ngài bèn gọi ra nói: “Nhà ông tối thui, sao ông không chịu thắp đèn”. Vị đệ tử nghe nói liền tỉnh ngộ, sụp xuống lạy. Thế nào là Tổ? Ngôn hạnh tương ưng. Mình tưởng ngôn hạnh tương ưng là phải nói ra những lời sấm sét, nói cho người khác ngộ đạo, mà là các ngài dè dặt, cẩn ngôn. Tóm lại, nói ít không phải là ít nói mà không nói những điều vô ích.
(Trích theo, "Con đường tự thắng mình", NXB Hải Phòng, HN 2012)

3 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.