Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

DUYÊN

 Bài viết của chị Nguyễn Hoàng Vân
Không ngờ cái duyên gặp lại cô Dung - Giám đốc trung tâm dưỡng sinh tổng hợp Thiên Sơn Hà lại đến nhanh thế. Mới tuần trước theo CLB đến đó để thiền chúng tôi mới được gặp và được nghe cô nói chuyện. Lúc đó chưa có ấn tượng gì nhiều lắm.

Theo lời giới thiệu của cô lúc nói chuyện với CLB, vợ chồng tôi đã tìm tới nhà cô để mua thuốc An cung ngưu hoàng hoàn. Nhà riêng của vợ chồng cô nhỏ, giản dị, nằm khá sâu trong một con ngõ nhỏ phố Ngọc Hà. Câu chuyện qua lại, cô nói nhiều về dự án xây dựng trang trại trên mảnh đất 30 ha ở Chí Linh, và một ý định đã nẩy sinh, chúng tôi đã giới thiệu với cô một người quen có tâm Phật, mê Phật pháp, là kiến trúc sư, hiện đang là Giám đốc một công ty tư nhân, đang xây dựng các công trình dân sinh và là người có thể giúp được cô thực hiện một phần dự án đã được phê duyệt trên khu đất đó.

 Ao thả cá có rất nhiều cá
Sáng 23/4, theo như đã hẹn, vợ chồng tôi cùng con trai và hai mẹ con người giám đốc đó đã lên Côn Sơn để gặp cô Dung.
Côn Sơn nắng đẹp, gió mát, không khí thật trong lành. Trong lúc chờ cô đi chợ chưa về mọi người đã tranh thủ ngồi thiền. Khoảng gần 2 tiếng đồng hồ sau thì cô về. 


Sau vài câu chuyện, chúng tôi đã được cô Dung đưa đi tham quan khu đất rộng 30 ha mà cô đã kể. Trang trại đó cách TTTSH khoảng hơn 10km, thuộc Chí Linh. Để vào đó phải đi qua khoảng gần 3km đường đất, khấp khểnh, lắc lư, và chỉ đủ để một xe ô tô loại nhỏ đi qua thôi, nếu trời mưa thì chắc là không đi nổi. Trong tương lai gần cô sẽ cho đổ bê tông con đường này. Dọc đường đi cho thấy đây là khu vực thưa dân và nghèo. Cô Dung giới thiệu trường tiểu học, nơi cô tài trợ xây một cái sân cho các cháu có chỗ chạy chơi. Xa xa kia là trường mẫu giáo - nơi cô xây 100% làm từ thiện. Ngay con đường đang đi vào khu đất là cũng do cô bỏ tiền đắp cho rộng để ô tô nhỏ có thể đi được, trước kia thì chỉ có xe máy đi được mà thôi.

 Chùa Cao Bài
Điểm đến đầu tiên đó là ngôi Chùa đã được cô tôn tạo để dân ở đây có chỗ thờ Phật và được nghe giảng Phật pháp, được học cách niệm Phật. Trước mặt chùa là hồ chưa được cải tạo. Bên trái chùa là ruộng lúa xanh rờn. Lúa ở đây tốt bời bời, thơm vô cùng. Chúng tôi hỏi được biết đây là giống lúa tẻ thơm, có mùi thơm như lúa nếp vậy. Bên phải chùa có một khu đất đã được xây bậc, có sân lát gạch và có tường thấp bao quanh, cô Dung có giải thích rằng ngày trước có một Quý Thầy đã ở đây, không hỏi ai, thầy đã cho xây chỗ đó định làm nhà ở và đã phạm phải thế đất (cô giảng giải nhưng tôi không hiểu lắm), vì thế mà thầy cứ tự nhiên bỏ chùa mà đi thôi, để chữa lỗi đó, cô dự định xây một cái tháp ở đó.

 Thầy Quang Tuệ
Tại đây chúng tôi đã gặp thầy Quang Tuệ, 19 tuổi (là người mà cô Dung đã kể cho CLB nghe). Thầy đang thọ trai, thức ăn của thầy là bí luộc và lạc rang do các cụ trong làng nấu giúp, bình thường là thầy tự nấu. Chỗ ở của thầy cũng chưa được khang trang, cô Dung đang hoàn thiện thêm một số hạng mục như nhà ở cho thầy, bếp ăn. Hiện thầy đang ở trong gian nhà Tổ.
Sau khi lễ Phật và lễ Thầy Tổ, thầy cùng cô Dung đưa chúng tôi đi tham quan trang trại. Đường đất rộng bên hồ đầy cá, cây rợp bóng nên nhiều bóng mát. Quang cảnh dường như vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ như đã từng có. Khu đất như một thung lũng được bao xung quanh bởi dãy núi thấp. Trên đỉnh một trái núi, cô đã cho xây trình dự án một ngôi nhà làm mẫu có tường, nền đều bằng đất, đây sẽ là một trong loại nhà sẽ được xây dựng tại khu đất này bên cạnh các công trình xây bằng tre, nứa, lá và gạch. Tại đây cô dự định sẽ xây dựng nhiều công trình, trong đó sẽ có một khu đất trồng toàn hoa cúc các loại, để mỗi khi xuân về du khách sẽ được thưởng ngoạn và chụp ảnh. Sẽ có một bức tranh tường lớn và dài phỏng theo nội dung của kinh Pháp Hoa.
Vì cũng đã muộn nên chúng tôi không ở lại đó được lâu, tạm biệt thầy Quang Tuệ, chúng tôi cúng dường thầy và lên đường trở về Côn Sơn.
Giữa trưa nên trời nắng lắm, nhưng cái nắng ở đây làm cho người ta không cảm thấy nóng nực. Chúng tôi ăn cơm trưa với hai mẹ con cô Dung. Cháu Mai Anh giản dị trong bộ quần áo nâu vải mộc. Hôm đến thăm nhà, cô nói cô đang cắt may quần áo cho cháu, chắc là bộ quần áo này đây. Quần ta, áo ta dài tay, rộng, chui đầu, 3 cúc cài trước ngực. Có ai tưởng tượng được không? Tưởng chừng công việc ngập tràn đầu, vậy mà cô vẫn cắt may được quần áo cho con. Mâm cơm có chay, có mặn. Món chay gồm đậu sốt cà, rau muống xào, dưa chuột trộn nộm, vừng lạc, món mặn có cá om dưa chua, thịt xíu. Hai mẹ con cô Dung ăn chay trường. Một điểm đặc biệt, trước khi bưng bát cơm ăn, chúng tôi đều ngồi chắp tay, mắt nhắm hờ tập trung nghe cháu Mai Anh đọc một bài phát nguyện, nội dung như sau:
"Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác. Xin tập ăn trong chánh niệm để xứng đáng thọ dụng thứ ăn này. Khi ăn xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu và tập ăn uống cho có chừng mực. Xin chỉ ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh; ăn như thế nào để gìn giữ lòng từ bi, giảm bớt khổ đau của các loài chúng sinh, bảo tồn đất Mẹ, và chuyển ngược quá trình hâm nóng của trái đất. Vì muốn thực tập con đường hiểu và thương nên thọ dụng thứ ăn này."
Tôi thầm nghĩ mỗi khi lên Côn Sơn, trước bữa ăn, nên chăng chúng ta cùng nhau đọc đoạn Phát nguyện này. 

Sau bữa cơm chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều. Cô Dung đã chia sẻ rất nhiều. Chúng tôi ngồi đó, cười có, khóc có. Qua nói chuyện với cô, tôi rút ra rằng cô biết rất rất nhiều, từ nữ công gia chánh, đến làm kinh tế, đến phong thuỷ, đặc biệt cô nói chuyện về Phật pháp rất hay, dễ hiểu, tất cả đều xuất phát từ chính cuộc sống của cô.

Từ một người quá nghèo, vì không có đủ tiền chỉ thiếu một chút nữa thì bỏ mạng khi mang thai đứa con đầu, may mà cứu được mẹ, còn đứa con thì không. Cô đã bị trầm cảm một thời gian dài sau đó, không đi đâu hết, chỉ ngồi trong màn, ai đến nói chuyện, cô cũng ngồi trong màn tiếp, không bước chân ra ngoài.

Cô tốt nghiệp đại học sư phạm. Dạy học là ước mơ của cô, đó là một ngành cao quý và vinh quang. Hình ảnh các thầy cô giáo đã khích lệ cô rất nhiều. Nhưng giấc mộng đã tan rất nhanh sau 2 năm đi dạy, sự thật không như mơ. Cô bỏ việc, đi làm nhiều việc linh tinh khác, kể cả làm quảng cáo. Ở đâu cô cũng làm hết mình và nhanh chóng được đưa lên vị trí lãnh đạo, quản lý, chính vì thế mà cô luôn  gặp sự ghen tỵ, hiềm khích, khó chịu cho nên cô không thể ở đâu lâu được. Cô giấu cha mẹ đi thi vào ngành mỹ thuật, khi thi được rồi cô mới thông báo cho cha mẹ biết. Cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng đều là hoạ sỹ, nên cô theo ngành này cũng là tất nhiên. Cô vẽ nhiều tranh, bán được nhiều tiền, và tiền đó cô đã đầu tư vào bất động sản để cho mình không thể nghèo nữa.

Sau khi đi tham quan nhiều nước, được chiêm ngưỡng các tác phẩm của các hoạ sỹ nổi tiếng thế giới tại các viện bảo tàng, tại toà thánh Vaticăng, cô bỗng thấy rằng các tác phẩm của mình không là một hạt cát so với những gì cô được thấy,  "thế mà mình đã  "ngã " vào đó ". Cô đã kể rất nhiều chuyện, nhiều lắm để cho chúng tôi thấy rằng chỉ có TU mới được giải thoát mà thôi.

Cô chuyên đi làm từ thiện, nơi nào có người nghèo, trẻ em nghèo cần giúp đỡ là có cô, từ Hòa Bình, đến Hà Giang, khắp nơi. Cô đầu tư vào Côn Sơn cũng như trong Chí Linh cũng là để giúp cho mọi người đến đây, đến với vùng đất đầy năng lượng này là như được trở về với chính mình, trở về với những gì ngày xưa mà ông cha ta đã làm, đã sống. Càng đi, càng nói chuyện, chúng tôi càng thấy ông bà ta ngày xưa thực sự có một cuộc sống quá gần với thiên nhiên, cuộc sống như vậy mới là cuộc sống, như vậy mới đúng là sung sướng, thảnh thơi.

Cô thiết kế giường nằm chỉ là tấm phản nhỏ vừa phải cũng là có chủ ý, sao cho khi ngủ cũng phải nằm chỉ vừa đủ thôi, làm cho ai đến đây cũng hiểu rằng đây là nơi để luyện tập, tu chỉnh bản thân mình chứ không phải để nghỉ dưỡng và chơi bời hưởng thụ. Cũng như các việc khác như giữ vệ sinh chung, gọn gàng ngăn nắp, tự giác – đó cũng là luyện tập. Cô tâm niệm rằng, cho dù cả nghìn người lên đây (kể cả các cháu bé ở lớp kỹ năng sống), chỉ cần có một người tu được, hiểu được những điều cô truyền đạt cho đã là có ích cho xã hội rồi. Cô có một chút buồn khi biết đã có người hạch sách các em phục vụ, yêu cầu thứ này thứ nọ.

Chúng tôi ra lưu luyến ra về khi câu chuyện vẫn đang còn chưa dứt, phải hẹn nhau dịp khác thôi. Chúng tôi có duyên với nhau mà.
Côn Sơn tháng 4/2011
Nguyễn Hoàng Vân

2 nhận xét:

  1. Vân ơi,đọc chuyện về cô Dung mình cảm phục quá. Chúng mình luôn tự hào là người năng động,không quản khó khăn nhưng nếu biết nhiều hơn mới thấy mình thật bé nhỏ và chưa làm được gì nhiều cho cộng đồng cả.Cầu cho cô Dung dược thành công và mong có dịp được hội ngộ cùng mọi người.

    Trả lờiXóa
  2. Bản thân mình cũng tự thấy mình là người yêu lao động, chăm chỉ, không bao giờ để thời gian chết, và cũng đã vượt qua nhiều khó khăn nhưng thực sự khi thấy những việc cô Dung đã và đang làm, thì thật bái phục.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.