Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Sự vô tình của người lớn

  (Nguồn ảnh: Internet)
Trẻ con rất trong sáng và đơn sơ, trái tim chúng quá mong manh. Chúng rất nhạy bén trong cách bày tỏ tình cảm cũng như đón nhận những thông điệp tình yêu từ người lớn. Đặc biệt là từ những người chúng yêu thương.
Khi thành người lớn, chúng ta có bao nhiêu chuyện để chú ý, lo toan… Với cuộc sống vất vả đòi hỏi nhiều cố gắng. Với bổn phận nặng nề của người làm cha, làm mẹ. Lo cho chồng/ vợ, lo cho con ăn học, lo đưa con vào nề nếp, lo cho cha mẹ hai bên, lo ứng xử trong xã hội… Hàng trăm chuyện chiếm hết tâm trí của người lớn. Đó là chưa kể gánh nặng tinh thần và vật chất của những ai nghề nghiệp chưa ổn định, tình cảm đang bị tổn thương, hôn nhân sắp gãy đổ…
Chúng ta có khi nào tự hỏi: trái tim chúng ta đã bị bao nhiêu lớp bụi của cuộc sống che phủ hoặc lấy mất đi độ nhạy bén của thế giới yêu thương? Trái tim chúng ta theo năm tháng dường như đã trở nên cứng rắn, vô cảm trước những tín hiệu tình thương của con em, nhất là các trẻ còn nhỏ dại.
Tình cảm trao đi mà không được nhận lại một cách vui vẻ hay bị từ khước là nỗi đau vô vàn của người lớn. Còn con trẻ thì sao? Với trái tim trong như pha lê, chưa vướng bụi trần ai này thì nó còn mong manh dễ vỡ đến cỡ nào? Nếu bị tổn thương, sự đau khổ sẽ rất trầm trọng, khó phai. Còn đau xót hơn là trẻ chưa biết nói, chưa biết diễn tả những gì mình cảm thấy, chưa biết tự bảo vệ mình. Chính vì điểm yếu này của con trẻ mà người lớn cần phải thận trọng hơn trong cách đối xử với trẻ. Khi biết và ý thức được hành vi, thái độ cũng như lời nói của chúng ta gây tổn thương cho trẻ nhiều lúc đã quá muộn, phải ân hận suốt đời…
Dường như những điều chúng ta lo cho con còn thiên nhiều về đáp ứng nhu cầu vật chất, vì khi có vấn đề là nó hiển hiện ngay. Còn đời sống tinh thần và tình cảm thường ẩn giấu, khó thấy nên dễ bị lãng quên, thiếu quan tâm. Lắm lúc chúng ta thật vô tình và chính những vô tình đó đã tạo những vết thương cũng vô tình.
Người lớn chúng ta thường để mắt, để tâm đến những gì trong đời, trong gia đình? Mắt chúng ta thấy gì? Tai nghe gì? Và lòng cảm thấy thế nào?
 (Nguồn ảnh: Internet)
Có lẽ khi ra đường chúng ta thấy ổ gà nhiều hơn là những hàng cây xanh. Về nhà chúng ta thấy rác và sự bừa bãi, lộn xộn gây nên bực mình mà không thấy được ánh mắt sáng rỡ của con, nụ cười thiên thần của bé, những cử chỉ âu yếm, sự tha thiết nồng ấm của vòng tay ôm… Sự vô tình của người lớn đã tạo nên nỗi đau cho con và cho cả chính mình. Vì khi biết được con đau, con khổ, tôi chắc những người cha, người mẹ còn thấy khổ, thấy đau hơn con nữa.

Cuộc sống quí giá, thời giờ quí giá. Con em của chúng ta là vô giá. Thế nhưng, chúng ta đã vô tình làm rơi rớt hay có khi vô tình giẫm đạp lên những kho báu này. Chúng ta đã bỏ điều chính yếu - tình yêu - để chạy theo những cái phụ thuộc…
(Nguồn: blog Bao Viet Nam trên Opera)

3 nhận xét:

  1. Dạo này Bé về toàn kể chuyện bạn bị mắng oan do bởi bố bạn có bồ đã lâu và chuyện bây giờ vỡ lỡ. Con bé có tội gì đâu, nhưng khổ nỗi không mắng nó thì biết trút giận vào đâu. Hai đứa kia thì còn quá nhỏ chả biết gì, còn người gây ra tội thì cuốn "xéo" về ở hẳn với bồ. Con bé con từ chỗ đang được chăm sóc rất chu đáo giờ gần như bị bỏ lửng. Bé kể chuyện nhà bạn vanh vách. Nghe mà thương con bé quá. Từ một đứa nhút nhát, hiền lành, hơi tồ, nó trở nên lỳ lợm và bướng bỉnh. Hỡi ơi, lỗi tại ai?

    Trả lờiXóa
  2. Đây là một đề tài ai cũng muốn bàn, muốn góp chuyện, nhưng khi gặp hoàn cảnh thực tế, mấy ai đã nhớ lại những câu chuyện đã bàn, đã đọc để soi lại mình. Buồn.
    Trẻ con có đứa tồ tẹt, vô tư, nhưng có đứa rất nhậy cảm, sâu sắc. Đơn cử con mình khi còn bé thôi, mẹ gọi một bạn nào hoặc em nào đó bằng "con", "con chào bác chưa?" hoặc "cô chào con" là khi về nhà, thế nào con mình cũng hỏi ngay "em ấy (hoặc bạn ấy) có phải con mẹ đâu mà mẹ gọi bằng con?". Giật mình, mình phải giải thích cho con: mẹ gọi là con nhưng xưng là bác, là cô, còn chỉ xưng mẹ với mỗi anh em con thôi. Thế là mặt con mới giãn ra, cười cười. Trẻ con là thế đấy. Nữa là các con phải đối mặt với những việc tày đình: cha mẹ có bồ. Thật đau lòng.

    Trả lờiXóa
  3. Thật là cuộc đời không như màu hồng ta nghĩ. Đấy là chưa kể gặp những kẻ lừa đảo, lừa tiền, lừa tình...một cách trắng trợn và gặp các đối tượng theo cách gọi nhân gian gọi là " Dê cụ xổng chuồng" Thì sẽ phải sống và phải ứng phó ra sao đây đối với những tình huống như thế này nếu bản lĩnh không vững? và cuộc đời đầy bi quan bi đát đến nhường nào...nặc danh

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.