Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Có một nơi

            Sau bữa sáng, bọn trẻ chăm chú nghe mẹ kể chuyện về thời bao cấp. 
         Bình thường, ăn xong, mỗi người một ngả chẳng có thời gian con cà con kê. Được dịp nghỉ lễ, làm gì cũng thong thả. 
         Ngày xưa, là cái thời bao cấp ấy, muốn ăn bánh mỳ phải đợi đến giờ, cô mậu dịch viên đủn chiếc xe bán bánh mì đến khu tập thể. Những chiếc bánh mì thơm lừng, vàng rộm vẫn còn nóng (ấy là lúc mới), nhưng muốn mua phải có tem phiếu. "Tem phiếu là gì hả mẹ?" 
         Được dịp con hỏi, ký ức ngày xưa hiện về. Cái thời ấy, vất vả thế, gian khổ thế, vậy mà sao nghĩ lại vẫn thấy vui, thấy ấm áp. Những ký ức không bao giờ quên và dường như rất nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi không muốn quên. 
         "Oài, mẹ sướng thế. Ngày trước mẹ đi học mỗi một buổi." "Bi có biết là trước mẹ được nghỉ tận 3 tháng hè và không phải đi học thêm không?" anh Phương nói chen vào. "Không, vẫn có học phụ đạo đối với học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi để đi thi học sinh giỏi."
         Có một nơi Thu thực sự rất muốn đến vào những ngày này. Muốn các con được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật của một thời gian khó, để các con hiểu được ông bà, cha mẹ đã sống như thế nào. Rất muốn các con trân trọng những gì mình đang có, biết sống yêu thương và chia sẻ hơn nữa.
         Nhân câu chuyện sáng nay trong gia đình, mời cả nhà tìm hiểu một nơi, có thể ai đó, giống Thu, cũng muốn tới để nhớ lại ký ức một thời.



Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 
– Ký ức một thời bao cấp

         Thời gian gần đây, tại Hà Nội có một quán ăn mang tên “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” thu hút khá đông khách, bởi quán ăn này tái hiện lại thời kỳ bao cấp, kí ức một thời gian khổ.
Không biển hiệu đèn màu nhấp nháy, không cửa kính bóng loáng, ấy vậy mà người vào ra quán cứ tấp nập.
         Quán ăn trên một con phố nhỏ gần hồ Trúc Bạch này được trang trí đơn giản với nhiều kỷ vật độc đáo như chiếc xe đạp “Vĩnh cửu” cũ, chiếc vô tuyến cửa lùa, chiếc cassette băng cối vẫn chạy được, chiếc đài đời cũ, âm thanh rè rè chỉ bắt được sóng AM, rồi chiếc cặp lồng nhôm không còn mới, chiếc quạt tai voi của Liên Xô cũ và ấn tượng là hòn gạch có ghi tên xếp hàng, chiếm chỗ– một nét đặc trưng của thời bao cấp – thời xếp hàng mua thực phẩm. Có lẽ thích thú nhất vẫn là những chiếc bát sứ men kiểu cũ màu xanh xanh nhàn nhạt và những chiếc ca uống nước bằng sắt tráng men.
         Để có được những vật dụng đơn giản của đúng thời bao cấp ấy, anh Phạm Quang Minh – chủ “Cửa hàng mậu dịch” cho biết: Để sưu tầm được đồ vật cho cửa hàng này rất khó. Các đồ vật này chủ yếu được lấy từ bạn bè, người thân còn lưu giữ, hoặc mua lại của những người sưu tầm. Cái khó nhất có lẽ là thiết kế một không gian phù hợp cho nhà hàng này.
 Điểm đến của một thời hoài niệm
         Đến quán, chúng ta sẽ bắt gặp những món ăn quen thuộc của thế hệ cha ông mình như: Cơm độn sắn, cơm độn khoai, đậu tẩm hành, cá diếc kho tương, dưa xào tóp mỡ và cả bia hơi…
         Thực khách cũng rất từ tốn, chấp nhận xếp hàng chờ đến lượt các cô, anh mậu dịch viên phục vụ. Chắc hẳn việc tự nguyện này không phải vì có cái biển “cấm chen ngang” treo trên tường mà có lẽ đã đến đây họ đều là những người hoài niệm, những người đã từng biết xếp hàng để đến lượt mua thực phẩm.
         Thực khách sẽ được gọi món và nhận món ăn bằng tem phiếu, những tấm tem phiếu ấy được chuẩn bị y hệt như dải tem phiếu mua thực phẩm ngày xưa. Anh Trần Thành Phố (22 tuổi), một anh mậu dịch viên của quán nói: “Khách đến, tôi đưa danh sách thức ăn, sau đấy là ghi phiếu. Mỗi đồ ăn tương đương với một tem phiếu. Tem phiếu xuất ra thì thanh toán trực tiếp luôn, sau đấy bếp làm đồ ăn xong đưa đồ ăn ra, tương đương với đồ ăn kia thì thu lại cái tem phiếu”.
         Không giống như nhiều quán ăn khác, chủ quán mở hàng chỉ đơn thuần vì cuộc mưu sinh, “Cửa hàng ăn uống mậu dịch” này như một giấc mơ đã ấp ủ từ chục năm trời của người chủ quán với nhiều kỷ niệm về một thời bao cấp.
         Đó là sự hoài niệm về một thời đáng để nhớ trong đời của những người từng trải qua – thời bao cấp. Với nhiều người, đó là thời đói khổ, thời kỳ bức bối, cái thời mà có tiền mà không biết tiêu ở đâu, không phải cứ có tiền mà mua được… Và với người chủ quán thì mở quán ra không phải để ôn lại cái khổ đó mà đơn giản chỉ để hồi nhớ lại một thời gian khó nhưng con người ta kiên cường hơn bao giờ hết để vượt khó vươn lên, để giới trẻ được biết thế hệ ông bà, cha mẹ mình đã sống thế nào và để ngẫm lại mình phải sống sao cho tốt hơn nữa khi mình được sống trong một xã hội phát triển như bây giờ.
         Trong dòng chảy cuộc sống đầy xô bồ, bon chen, những tâm hồn hoài niệm, trân trọng một thời sống gian khổ nhưng ấm tình người. Có thể ở đâu đó, ta vẫn thấy những vật dụng còn sót lại ít ỏi của thời bao cấp nhưng để gom lại tất cả, tạo nên một ký ức đáng để nhớ thì không phải ai cũng làm được./. 
Trà Ngọc/VOV – Trung tâm tin
(Nguồn: vov.vn)
Một vài bức ảnh về cửa hàng được chụp bởi Shotgun 911 đăng trên Blog cá nhân tháng 8/2012.
Xem thêm bài "Nơi lưu giữ những kỷ vật thời tem phiếu" trên trang Báo ảnh Việt Nam.

5 nhận xét:

  1. Ôi ngày nảy, ngày nay. Thời bao cấp có những nỗi khổ nếu có kể thì có khi bị cho là "chém gió, băm bèo", nhưng có những nếp sống tuyệt vời mà nếu có kể thì có khi cũng bị cho là "băm bèo, chém gió". Ngày nay có 4, 5 người đứng chờ một việc gì đó là đã có thể chen hàng rồi, đến sau chen lên trước để được giải quyết việc của mình trước, còn thuở ấy ư, xếp hàng đâu vào đấy chứ, ai mà thử chen ngang xem, "mọi người ... vì một người" ngay. Ôi, chuyện ngày xưa, kể đến bao giờ mới hết. Ngày xưa mỗi một phiếu "nhân dân" chỉ được mua 1 lạng thịt lợn một tháng, nếu mua sườn, thịt thủ thì được gấp đôi, ngày nay ư: trẻ em 1 lạng thịt một ngày. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh và nhiều sự việc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đời sống thực ngày ấy nay đã là kỷ niệm .Kỷ niệm khó phai mờ .Nguyên nhân của sự thiếu thốn trong cuộc sống là cả vấn đề vĩ mô mà phải trải qua bao thăng trầm của lịch sử mới đổi thay được.Ta trân trọng những gì có ngày hôm nay và thật qúi những nét đẹp của con người trong cuộc sống khó khăn ngày ấy !

      Xóa
  2. Chiều qua, sau tour du lịch Hồ Tây gần 2h, 3 mẹ con ghé quán ăn tối. Cảm nhận như thưởng thức bữa cơm gia đình. Thật gần gũi và ấm áp. Giá đồ ăn không rẻ nhưng giá trị về tinh thần thì không đếm được. Các con ngạc nhiên, ngắm kỹ từng thứ một. 3 mẹ con gọi món canh Hến nấu chua, dưa xào tóp mỡ, ốc om chuối đậu, cơm cháy bò cay, cà pháo, uống nước nụ vối. Bát, đĩa, ca đều là đồ sắt tráng men đúng như ngày xưa. Khách ăn cũng khác hẳn ở các quán ăn khác. Dường như giá trị tinh thần được nâng niu, gìn giữ hơn bao giờ hết. Cả nhà em chắc chắn sẽ còn quay lại nơi đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô Thu ơi! Con ngưỡng mộ cô quá! Con cảm ơn cô rất nhiều! Mặc dù trước đây con đã được nghe ông bà và bố mẹ con kể phần nào về thời BAO CẤP, nhưng qua bài viết này con được thấy rõ hơn, sinh động hơn...! Mặc dù con chưa từng được sống trong thời ấy, nhưng bây giờ trong con vẫn trào dâng lên một cảm xúc thật khó tả, cô ạ!!!










      Xóa
    2. @ Hoi Nguyen: Con đến đó một lần đi. Số 37 phố Nam Tràng, phía bên Hồ Trúc Bạch, gần phố Ngũ Xã, nơi có hiệu phở cuốn nổi tiếng của HN.

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.