Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Tự chữa stress không dùng thuốc

Lương y Võ Hà
Những căng thẳng trong cuộc sống có thể khiến bạn điên đầu.
Việc kiểm soát hơi thở kết hợp day ấn một số huyệt vị có thể giúp thư giãn và an thần, giảm stress. Nhờ đó, bạn có thể giảm được những nguy cơ mà yếu tố này gây ra cho hệ thần kinh và sức khỏe nói chung.
Bạn hãy tiến hành tuần tự các động tác sau:
1. Vuốt ấm vành tai: Dùng ngón tay trỏ và ngón cái vuốt dọc vành tai cùng bên từ trên xuống dưới. Vuốt chậm và nhẹ khoảng 21 lần. Y học hiện đại và y học cổ truyền đều công nhận rằng một số vùng ở phần ngoài của cơ thể có liên quan với các cơ quan nội tạng. Trong đó, vành tai là một trong những vùng quan trọng nhất, có hệ thống thần kinh dày đặc và tinh tế. Việc tác động vào giúp tái lập sự cân bằng bên trong cơ thể, điều hòa thần kinh. Với động tác vuốt cho hai vành tai ấm lên, bạn sẽ được thư giãn toàn thân, khí huyết lưu thông.
2. Vuốt dọc xương chân mày: Dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ đầu chân mày, dọc theo xương chân mày ra đến chân tóc phía ngoài đuôi mắt. Vuốt chậm và nhẹ khoảng 21 lần. Vùng chân mày và cánh tay có những điểm phản xạ tương ứng nhau. Do đó, động tác này tạo được sự thư giãn cơ bắp giữa vùng cánh tay và bàn tay. Hai bàn tay có những huyệt vị quan trọng liên quan đến nhiều bộ phận cơ thể nên nếu nó được thư giãn, toàn thân cũng sẽ dễ chịu.
3. Vuốt dọc hai bên mũi: Dùng ngón trỏ của một bàn tay vuốt một bên mũi, rồi dùng hai bàn tay vuốt cùng lúc cả hai bên. Vuốt dọc từ điểm giữa hai chân mày (huyệt Ấn đường) dài theo hai bên thân mũi, qua khóe miệng đến tận góc cằm. Vuốt chậm và nhẹ khoảng 21 lần. Theo học thuyết kinh lạc, kinh Dương minh được phân bố dọc theo hai bên mũi và miệng, là một kinh đa khí, đa huyết, có chức năng bảo vệ khí. Vì vậy, động tác này giúp khí huyết lưu thông ra ngoài, làm gia tăng tác dụng thư giãn.
4. Day ấn huyệt Ấn đường: Dùng ngón trỏ của bàn tay phải ấn nhẹ vào điểm giữa hai chân mày trong vài giây, day thành vòng tròn chung quanh điểm này khoảng 21 vòng. Khi tác động vào huyệt Ấn đường, cơ thể sẽ tiết ra chất Endorphine nội sinh, có tác dụng giảm đau, giáng khí và an thần.
5. Kích thích vùng sau đầu: Đặt nguyên 2 bàn tay vào 2 vùng gáy ở sau đầu, sát cạnh phía sau tai. Vuốt nhẹ từ trên xuống dưới phía sau hai vành tai. Vuốt khoảng 21 lần. Động tác này có tác dụng chống khí nghịch, điều trị thần kinh suy nhược và làm đầu óc nhẹ nhõm.
6. Quan sát hơi thở: Sau khi thực hành 5 động tác trên, ngồi thoải mái trên một cái ghế có chỗ tựa lưng, hai tay đặt nhẹ trên đùi hoặc nằm xuống nghỉ ở một nơi yên tĩnh, thoáng mát. Trong thời gian này, hãy chú ý quan sát hơi thở bằng cách tập trung tư tưởng ở vùng bụng dưới, hoặc tại một điểm mà các nhà khí công hoặc đạo gia gọi là Đan điền (dưới rốn khoảng 3 phân). Lúc hít vào, bụng dưới hơi phồng lên. Lúc thở ra, bụng dưới hơi xẹp xuống. Thoạt đầu có thể bạn chưa quen với lối thở bụng nhưng điều này không ảnh hưởng gì. Nên nhớ là chúng ta cần thư giãn, vì vậy không cần quan tâm đến hơi thở sâu hay cạn, nhiều hơi hay ít hơi. Chỉ cần thở nhẹ, thở bình thường là đủ. Điều quan trọng là phải chú ý quan sát để biết rõ là ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống của làn da bụng.
Chậm, nhẹ và tập trung tâm ý vào từng động tác là điều cần thiết để phương pháp đạt được hiệu quả. Chú tâm quan sát sự lên xuống của da bụng để cảm giác âu lo hoặc căng thẳng mất đi. Đây là nguyên tắc dùng sự ức chế thần kinh ở một điểm hoặc một vùng nhỏ để gây ra quá trình ức chế lan tỏa khắp vùng dưới vỏ não, tạo hiệu ứng thư giãn, nhập tĩnh. Việc chú tâm quan sát sự phồng lên, xẹp xuống ở bụng dưới còn giúp tạo nên quán tính thở sâu của cơ thể, rất hữu ích cho việc dưỡng sinh, tăng cường sức khỏe về lâu dài. Theo quan điểm "thần đâu, khí đó" của y học cổ truyền, việc tập trung tư tưởng ở vùng bụng dưới sẽ làm cho ý và khí lưu chuyển về phía dưới cơ thể, giúp giáng khí và làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dẫn đến trạng thái thư giãn.

Lưu ý:
- Động tác 6 có thể thực hành trong một buổi tập cùng 5 động tác trên, cũng có thể tập riêng lẻ, tùy theo ý thích và điều kiện thời gian của mỗi người.
- Tất cả 5 động tác đầu kéo dài khoảng 5 hoặc 6 phút. Nếu thực hành đúng, tập trung cao, tình trạng thư giãn đồng bộ giữa cơ bắp và thần kinh sẽ xảy ra. Một số người có khả năng tập trung tốt có thể dần dần đi vào giấc ngủ sau khoảng vài chục hơi thở ở giai đoạn 6.
(Nguồn: Báo Sức Khỏe & Đời Sống)

1 nhận xét:

  1. Rất tốt cho người ngồi suốt ngày như chị Vân, cám ơn Thu nhé.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.