Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Kỹ năng sống

TỰ TRÁCH MÌNH TRƯỚC KHI TRÁCH NGƯỜI.
Trích bài giảng của Đại Đức Thích Thông Phương.
(Tiếp theo kỳ trước)

Một yếu chỉ để sống tốt nữa là phải thường tự trách mình trước khi trách người. Nghĩa là phải khéo tự trách mình trước rồi mới trách người sau, chứ đừng có trách người trước khi trách mình. Thường thì người ta hay trách người khác trước khi trách mình, chúng ta tu Phật phải ngược lại, tự trách mình trước. Đó cũng là cách giải tỏa nhiều phiền não cho mình. Bởi vì cứ lo trách người mà không dám trách mình, cứ đổ lỗi cho người còn mình lúc nào cũng tốt nên dễ sinh phiền não, bực bội bất mãn.
Cuối cùng, thấy ai cũng đáng trách hết, còn mình thì sao? Đây là một kinh nghiệm mỗi khi bị huynh đệ làm điều gì bất như ý cho mình thì phải tự xét tìm xem bản thân đã có khuyết điểm gì, nên người mới đối xử như vậy. Thí dụ họ cư xử tệ, có vẻ khinh thường mình, thì trước khi trách họ chúng ta phải trách mình trước, nghĩ lại chắc mình tu cũng có chỗ khiếm khuyết gì đó, hay đức hạnh của mình còn kém nên mới như vậy. Nếu như đức của mình cao thì họ đâu đối xử xấu. Quán xét kỹ thì sẽ thấy nhẹ nhàng, bớt phiền trách người khác. Tự kiểm mình để tu thêm chút nữa, vun bồi đức hạnh mình thêm chút nữa, được vậy thì tâm nhẹ nhàng và tu tiến thêm. Ngược lại, chưa gì đã trách người khác, thì càng sanh bực bội, càng thêm phiền não, không khí càng nặng nề hơn nữa.
Quý phật tử đã đọc câu chuyện ngài Milarepa, Ngài bị ông thầy ngược đãi một cách vô lý, nhưng Ngài cũng vẫn nhẫn nại, tự trách mình mà không oán giận thầy. Ngài tự trách nghiệp ác mình tạo nên mới gặp hoàn cảnh không hay. Đúng là trước kia Ngài cũng tạo nhiều nghiệp ác nên hiện tại thường tự trách lại mình, và Ngài càng tăng thêm sức nhẫn nhục. Nhờ vậy những quả báo ác của Ngài giảm bớt, và được giác ngộ trong hiện đời, nếu Ngài oán trách thì nghiệp ác không cởi bỏ được. Nếu người biết sống, sẽ có tiến bộ khéo vươn lên. Điều quan trọng là phải thường tự kiểm lại mình, tự trách mình, trách mình trước chứ đừng theo thói quen là trách người ta trước.
Việt Nam có kể câu chuyện về Thiền sư Hiện Quang là vị sư đầu tiên của sơn môn Yên Tử. Có lần, Ngài thấy vị thị giả dâng cơm, bất cẩn xẩy tay rơi mâm cơm xuống đất. Thầy thị giả sợ quá, vội lấy tay hốt cơm vô. Vì hốt vội nên cơm lẫn với đất đem dâng cho Ngài. Ngài thấy vậy tự trách mình: “Ta sống không làm lợi ích cho ai nhiều, nhọc công người cung cấp đến phải như thế.”
Ý của Ngài là thấy mình sống không làm được lợi ích cho ai nhiều mà còn phải làm phiền người. Từ đó, Ngài mặc áo bằng lá cây, ăn các thứ trái lượm được trong núi rừng chứ không dùng cơm để khỏi cần người cung cấp. Trải qua mười năm như vậy.
Đó là tinh thần tự trách mình, người tu được như vậy thì nhẹ nhàng không phiền não. Đây là những phương cách và là kinh nghiệm để chúng ta học hỏi. Người học đạo phải khéo biết soi lại như vậy.
Nhà thiền kể câu chuyện về Thiền sư Lâm Tế - Nghĩa Huyền khi còn đang tham học. Mỗi lần, đến thưa học pháp với ngài Hoàng Bá đều bị ăn một gậy và không trả lời gì hết. Nếu chúng ta đi cầu pháp mà gặp trường hợp như thế thì chắc là oán trách rồi bỏ đi vì ông thầy thô lỗ quá. Nhưng Ngài không trách gì hết, chỉ tự trách mình vô minh, nhiều chướng duyên nên không sáng tỏ được ý chỉ thầy dạy. Chính cái tâm như vậy nên mới tiến bộ, mới thành bậc Tông sư sau này.
Ở Việt Nam cũng có câu chuyện rất hay là “bến đò sáu mươi” nói về Sơ tổ Trúc Lâm.
Bấy giờ, vua Trần Nhân Tông lên núi tu nhưng cũng thường đi giáo hóa, thăm dạy các nơi. Ngài tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) nên mọi người xưng gọi là Trúc Lâm Đầu Đà. Vì Ngài mặc áo tu tầm thường, đi chân trần, nhìn không giống ông vua, nên có một lần đi từ nơi Thiên Trường qua bến đò ở xã Nghi Dương, nay là xã Ngũ Phúc thuộc huyện Kiến Thụy - Hải Phòng để thăm chị gái, tức là công chúa Thiên Thụy, tu ở chùa Nghi Dương.
Lúc ấy, trời sẩm tối có viên xã quan đi kiểm tra chuyển canh. Nhìn thấy vị sư khoác túi vải gầy gò, chống gậy dò đường đi ra bến đò. Vị xã quan đã ngà ngà say, hách dịch hỏi giấy tờ tùy thân của Đại sĩ. Đại sĩ từ tốn nói: “Tôi ở trên núi, lỡ đi có việc gấp nên quên mang theo giấy tờ”. Xã quan liền túm lấy Đại sĩ đấm cho sáu mươi đấm. Vừa lúc đó, gia nhân của công chúa Thiên Thụy tới đón Đại sĩ, thấy vậy mới hoảng hốt quát to: “Đó là Thượng hoàng, sao dám hỗn vậy?”. Xã quan nghe rồi hết hồn, run sợ quỳ rạp xuống lạy xin tội. Đại sĩ ôn tồn bảo tên xã quan phải khéo, từ đây trở đi phải chừa tật rượu chè, hống hách; rồi Ngài quay lại nói với gia nhân công chúa: “Đây cũng do nghiệp chướng của ta, không nên làm khó xã quan”. Vì vậy, từ đó bến đò này mới có tên là bến đò sáu mươi.
Như vậy, Ngài cũng tự trách nghiệp chướng của mình, trước do không khéo tạo nên nay mới gặp chuyện không hay, Ngài không trách người. Một vị vua danh tiếng, một vị Thượng hoàng đầy uy quyền khi bị người sĩ nhục vẫn không oán trách mà chỉ tự trách lại mình. Đối với chúng ta thì việc này có dễ làm không? Đó là những bài học sống, là tinh thần học đạo của người xưa.
Hoàng Vân sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.