Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

BẢN THU HOẠCH

Người viết ở tuổi 76
Sinh năm Ất hợi
Thế gian biển cải
Thương hải tang điền!

Đã sáu mùa thu lá vàng rụng! Bao nhiêu nước chảy qua cầu! Nhiều bạn học các đợt đã có thành tựu, công lực cao, lượt lượt giã từ Thày, chia tay bạn. Riêng tôi, vẫn lẹt đẹt, đi cùng các bạn mới, dù nắng lửa, mưa sa, đều đặn mỗi tháng bốn lần đến lớp. Một cậu học trò già! Vợ tôi không buồn vì có chồng lưu ban, các cháu nội ngoại không chê tôi: “Ê ông học phải lưu ban!” Một số cư dân không biết lai lịch tôi, cứ thấy tôi lẽo đẽo trầm trầm, lặng lẽ qua cầu đến lớp. Có một nữ sinh hỏi tôi: “Sao ông học lâu thế? Hay ông là Thày giáo dạy lớp này?”
Tôi cười và cảm ơn cô bé. Buổi đầu gặp tôi, cô là nữ sinh lớp 10, nay đã là sinh viên năm thứ ba đại học. Tôi bảo cháu: “Ông là học trò lưu ban!” Cháu lại hỏi tôi: “Ông có mệt, có chán không?” Tôi nhỏ nhẹ tâm sự cùng cháu: “Ở bất cứ tuổi nào, cấp học nào cũng vậy, bao giờ được đi học cũng là hạnh phúc, bởi ở ngoài đời dù nhọc nhằn có hằn trên lưng, dù âu lo có bạc trắng mái đầu nhưng một khi đã vào lớp thì mọi thứ được gửi lại phía sau. Với chúng tôi, những người lính, thưở tuổi học đường phải xếp nghiên bút theo việc đao binh. Khi không cầm nổi súng nữa, về làm dân thường, ngày thường lo sinh kế, ngày nghỉ được đi học là một hạnh phúc. Do đó, từ nơi sâu thẳm của tâm linh, tôi cúi đầu kính cẩn biết ơn Thày Tổ. Từ đáy lòng mình, tôi trân trọng và biết ơn tấm lòng vàng của Thày chủ nhiệm Câu lạc bộ. Tôi yêu kính các bậc cao niên của lớp, tôi vui vẻ cũng các bạn trẻ.
Đây là tâm sự của tôi.
PHẦN THU HOẠCH
Tôi có được đọc một câu chuyện Trung Quốc. Có một cậu học trò lúc nhỏ, không thông minh dĩnh ngộ như các bạn cùng lớp. Có một hôm cậu ta buồn bã ra bờ sông chơi. Cậu bé đi mãi, đi mãi, tới một nơi thấy một bà lão cứ cắm cúi mài mãi một cục sắt khá to. Cậu bé hỏi cụ:
“Bà làm gì đấy?”
“Bà mài kim cháu ạ!”
“Mài kim?” Cậu bé kinh hoàng!
Một bà lão gần đất xa trời, mà lại mài chiếc kim bé xíu từ một cục sắt to đùng. Cậu ngắm mãi bà cụ, nghĩ rằng cụ là người tâm thần. Cậu lại hỏi:
“Thế bao giờ thì có thể khâu vá được hả bà?”
“Sắp được rồi bé ạ.”
Biết được tâm sự của cậu bé, cụ chỉ tay sang bên kia sông:
“Cháu có nhìn thấy hòn đá to đùng nhẵn thín kia không? Nước chảy đá mòn cháu ạ.”
Cậu bé chào bà lão, quay về nhà, Từ ấy, cậu miệt mài học tập. Và do đó nhân loại có được một nhà thơ Đường vĩ đại: Lý Bạch.
Theo gương tiền nhân, tôi cứ tập suốt một năm, cả một năm mà khí không chịu vào! Rồi có một hôm, tôi thấy Ấn đường nhấp nháy nhẹ nhàng. Tôi âm thầm vui sướng vì đã theo được các bạn rồi.
Sau đó tôi học bài “Rũ sạch bụi trần” và “Thiên địa nhân hợp nhất”. Tuy khí không vào ào ào như Thầy Hùng nói, nhưng tôi nghiệm ra rằng: “Giống như học ngoại ngữ, nếu kiên trì học xong một ngoại ngữ thì sau này học ngoại ngữ thứ hai sẽ không vất vả nữa.” Tôi cũng đã hỏi một số người nước ngoài, họ cũng bảo như vậy,
Đây là thu hoạch của tôi. Xin chúc sức khỏe, chúc phúc Thày Chủ nhiệm Câu lạc bộ, kính chúc Thày Hùng mở được nhiều lớp, đem lại hạnh phúc cho đời.
NXN
Lời góp:
Tác giả là một thương binh từ hồi kháng chiến chống Pháp. Ông bị thương ở bàn tay, bàn tay phải bị quặp lại. Trước khi nghỉ hưu, ông là PGS giảng dạy tại ĐHKHXH & NV. Hiện ngay tuy nghỉ hưu đã lâu nhưng ông vẫn tham gia viết sách, dạy ngoại ngữ. Nhà ông cách CLB hơn 2km, tuần nào ông cũng đi bộ đến CLB để luyện tập. Ông luôn cố gắng, bền bỉ, kiên trì . Đối với những bài tập khó, ông kiên trì luyện tập, không bỏ dở giữa chừng. Với những học viên mới, ông thường ân cần chỉ bảo, nhẹ nhàng động viên. Cùng với bà Thoa, bà Yến, ông Vân, ông luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Tất cả chúng tôi đều quý mến ông. 

5 nhận xét:

  1. Bài viết hóm hỉnh, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Ông là một tấm gương cho lớp trẻ học tập. Tính kiên trì của ông thật đáng nể.Ông còn là người quá khiêm tốn. Chúng tôi lớp học trò sau ông, chắc còn lâu mới theo kịp ông.Kính chúc ông luôn khỏe, luôn là tấm gương cho lớp trẻ.

    Trả lờiXóa
  2. Ông cũng là thày. Cảm ơn thày đã cho em bài học.

    Trả lờiXóa
  3. Cháu đã học được nhiều điều ở ông. Chúc ông luôn khỏe mạnh. Cháu luôn yêu quý và kính trọng ông.

    Trả lờiXóa
  4. Không biết ông có tin không, chứ tự bao giờ cháu không biết nữa, nhưng hôm nào đến CLB mà có ông là cháu lại thấy thêm ấm lòng, bản thân cháu cũng không hiểu là tại làm sao nữa, hay là vì lần ông ân cần bày cho cháu cách nhận biết nhanh nhất các quẻ dịch, hay là... thực sự cháu cũng không biết nữa, chỉ biết là có ông là cháu cảm nhận thấy CLB như có thêm hơi ấm vậy. Cháu cũng muốn "lưu ban" như ông để học cho được cách nhận biết quẻ dịch vì thực sự là cháu chưa nhập tâm được, ông đến CLB đều đều đi ông nhé, để CLB thêm hơi ấm từ ông. Chúc ông học từ từ, cứ "lưu ban" đi để chúng cháu còn được ngồi cạnh ông.

    Trả lờiXóa
  5. @ Chị Vân: Em cũng cảm nhận như chị. Hôm nào đến CLB nhìn thấy ông, nghe ông nói thấy lòng ấm áp hẳn. Nhất là hôm nào được ngồi thiền đằng trước ông, em cứ có cảm giác có một luồng khí nóng lan tỏa. Thiền xong, ông nhẹ nhàng đặt hai bàn tay lên hai bả vai em. Hai bàn tay ông nóng, ấm, rất dễ chịu. "Cộng hưởng năng lượng" ông bảo thế. Hôm nào ông không đến lớp là em lại thấy nhớ. Lát nữa em sẽ gọi điện báo cho ông biết kế hoạch đi Đền Sóc chủ nhật tới. Hôm qua ông cũng nghỉ, có khi ông không biết kế hoạch thiền dã ngoại.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.