Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Tết với người cơ nhỡ

         Tết với mỗi nhà là dịp các thành viên trong gia đình xum họp, quây quần bên mâm cỗ, cùng nhau đón giao thừa, là dịp trẻ nhỏ diện quần áo mới, nhận phong bao lì xì, là dịp cả gia đình cùng đi lễ chùa, đi thăm chúc tết ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè, hàng xóm. Đối với những người không có gia đình thì sao?
         Được sự đồng ý của tác giả, Thu xin chia sẻ 2 bài viết của nhà văn Thùy Linh và nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Đã hơn 10 năm nay, anh, chị và các bạn cùng tổ chức bữa cơm tất niên cho các cháu mồ côi, bị bỏ rơi, lang thang, cơ nhỡ tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 thuộc bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
*****
NƠI KHÔNG CÓ TẾT
Thùy Linh
         Bữa cơm tất niên ở Trung tâm bảo trợ XH 4 (Ba Vì) có đủ các món cho bữa cỗ. Tụi trẻ ăn rào rào. Ăn không kịp thở. Nhưng có mấy cô bé vẫn ý tứ lắm.
         Năm nay chỉ có 2 đứa trẻ dưới 1 tuổi. Người ta đem bỏ trước cổng Trung tâm khi còn cả cuống rốn. Các mẹ đặt tên là Diệu Châu và Thành Công. Ngoan lắm. Tự cầm bình tu một hơi hết bình sữa. Chả khóc lóc, kêu gào. Chắc biết thân biết phận nên tự chăm sóc từ bé xíu...

         Còn bên người lớn thuộc diện cơ nhỡ thì thảm lắm: người tâm thần, tàn tật, dở dở ương ương...Cũng hơn 300 cả già lẫn trẻ, lẫn nhỡ nhỡ. Thành một ngôi nhà lớn. Dù có cây đào ở kê ở sân, dù có cỗ thịt, bánh chưng tết. Nhưng vẫn không có nổi cái Tết vì thiếu hơi ấm thân tình, sum họp...Cám cảnh lắm.
         Năm nào cô bạn nhỏ tên Nguyệt (bị liệt hai chân) cũng viết sẵn cho mình một lá thư từ trong năm để chờ tết gặp là trao. Năm nay em đưa cho mình hẳn mấy quyển vở ghi nhật kí. Vừa đọc vừa luận vì sai chính tả và không biết cách diễn đạt. Vẫn ngóng cuộc sống ngoài kia lắm. Biết làm sao bây giờ?
         Còn một bé dở dở ương ương năm nào lên cũng túm lấy tay mình, bắt xin việc để đi làm, mắt hoe hoe đỏ. Thương cháu mà biết nói sao? Tất cả đều chào râm ran, vui vẻ khi thấy khách đến thăm. Vì quen mặt rồi mà. Hơn 10 năm lên đây. Cuộc sống của họ vẫn vậy, không chút thay đổi. Nhiều người già đi, bệnh tật yếu hơn...
         Một góc nhỏ lặng lẽ dành cho những kiếp gọi là người và đang gắng tồn tại cho hết kiếp người...Cầu mong kiếp sau họ sẽ chuyển được nghiệp...
7/2/2013

 *****
CỖ TẤT NIÊN CỦA TRẺ MỒ CÔI VÀ CƠ NHỠ
Phạm Ngọc Tiến

 Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (đứng, áo màu ghi) 
         Trong hình là bữa cỗ Tết sớm của đám trẻ mồ côi và cơ nhỡ ở Trung tâm bảo trợ xã hội số 4 (Ba Vì, Hà Nội) năm Nhâm Thìn. Đã lại một năm trôi qua.
         Hơn chục năm nay nhóm bạn của nhà văn Thùy Linh và mình năm nào cũng đến địa điểm này mổ lợn, tổ chức cỗ Tết sớm cho đám trẻ. 
         Ngoài quà Tết cho trẻ, suất cỗ như nhau. Đám văn nhân và bạn bè cùng cán bộ nhân viên của Trung tâm chỉ hơn bọn trẻ món tiết canh và...rượu. Bữa nào mình cũng say lướt khướt. Năm nay dự định tổ chức vào ngày 26 âm tức 27 Tết. Thật là mừng, một bạn viết của mình là bạn X, doanh nhân định cư ở Ba Lan biết tin ủng hộ 500 USD. Sẽ có 104 túi quà mỗi túi trị giá 100 ngàn cho các con. Cảm ơn tấm lòng của bạn X rất nhiều. Ai muốn đối tửu và nhậu tiết canh cùng mình hãy can đảm lên đường.
31/1/2013
*******

Về Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 4



ĐÔI NÉT VỀ TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI 4

Trung tâm Bảo trợ Xã hội IV thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội được thành lập tháng 10/1984 hiện đóng trên địa phận xã Tây Đằng - huyện Ba Vì - tỉnh Hà Tây, có diện tích 2,4 ha, cách Hà Nội 60 km về phía Tây với công việc: Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng: Trẻ mồ côi bất hạnh, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ lang thang đường phố có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em không rõ nguồn gốc; những người già cả, ốm đau không nơi nương tựa, người lang thang xin ăn, người tàn tật lê lết, người có những hoàn cảnh khó khăn.
Số liệu giám đốc Trung tâm mới cung cấp ngày 6/1: Hiện có 349 người đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây trong đó: trẻ em là 53 cháu, người già là 296 người.
- trẻ dưới 5 tuổi có 01 cháu gái.
- trẻ từ 6-12 tuổi có 14 cháu.
- trẻ từ 13- 16 tuổi có 36 cháu.
- trẻ từ 17-18 tuổi có 02 cháu.
Họ hầu hết là ở các tỉnh phía Bắc, một số ở các tỉnh phía Nam. Đây là những người yếu thế trong xã hội, có những hoàn cảnh éo le đặc biệt thương tâm, thiếu may mắn, mỗi em, mỗi cháu, mỗi người có những cảnh đời tội nghiệp sót sa, phải lưu lạc tha hương. Đối với trẻ em, trung tâm chăm sóc, nuôi dạy, hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm để hoà nhập cộng đồng. Hiện có 52 em đang học văn hoá từ cấp I đến cấp III ở 3 trường của địa phương Ba Vì.
Chỉ tính từ năm 2000 trở lại đây đã có 6 em mồ côi thi đỗ vào các trường Đại học: Đại học Bách khoa: 1 em; Đại học Ngoại ngữ Hà Nội: 2 em; Đại học Văn hoá: 2 em; Đại học Mở: 1 em. Hơn 20 năm kể từ ngày thành lập, Trung tâm đã dựng vợ, gả chồng cho 17 em, hiện có việc làm, thu nhập ổn định và có cuộc sống hạnh phúc; 87 em được trường Trung học Hoa Sữa tiếp nhận, đào tạo nghề, đã có việc làm.
Trung tâm thật sự là tổ ấm cho các em. Đối với các cụ già cô đơn, tàn tật, được phục hồi sức khoẻ, sống thanh thản, yên ổn về vật chất và tinh thần. Mức sinh hoạt phí do Nhà nước đài thọ: 800.000đ/người/tháng, nên còn rất khó khăn thiếu thốn, đơn vị phải tích cực chăn nuôi, trồng rau để cải thiện bữa ăn.
(Tổng hợp từ các nguồn Internet + Ban GĐ TT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.