Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Thiền dã ngoại

DU LỊCH TRANG TRẠI ĐỒNG QUÊ


         HgVan vừa được theo lớp đào tạo giảng viên của CLB do Thầy chủ nhiệm dẫn đầu đi dã ngoại tại trang trại Đồng quê – Ba Vì trong 2 ngày (10, 11/11/2012) nhằm khảo sát cơ sở mới cho những lần đi thiền dã ngoại tiếp sau của CLB DSNL.
         Từ trang trại về, ngoài ấn tượng về quang cảnh thiên nhiên của khu trang trại và sự tiếp đón đặc biệt của chủ nhân thì trong tâm trí HgVan lúc nào cũng vấn vương hình ảnh của chị chủ – đó là hình ảnh một người phụ nữ hơi khó tả và hơi khó hiểu. Không thể tả chị là người đàn bà đẹp. Chị gầy, khắc khổ, gương mặt xương xương, ăn mặc xuềnh xoàng nếu không nói là xấu, thậm chí còn hơi luộm thuộm, giọng nói đanh gọn, chị nói nhanh, động tác cũng nhanh, mắt sắc, thoạt nhìn thấy khó gần, … nhưng không hiểu sao tôi như bị chị cuốn hút, mắt hầu như lúc nào cũng nhìn thấy chị, trong đầu luôn tự đặt câu hỏi về chị.
         Cảm giác đầu tiên của tôi về chị là khó tính, là chẳng ra dáng bà chủ tí nào. Thậm chí tôi còn có cảm giác là chị hơi “điên điên” (tôi xin lỗi vì dùng những từ này, nhưng về sau này khi đọc các bài báo viết về chị, đã có người cũng dùng từ đó để nói về chị). Cho đến tận bây giờ, ngồi viết bài này, hình ảnh của chị vẫn xâm chiếm toàn vẹn ý nghĩ của tôi. Có lẽ là do cơ duyên, tôi được Thầy chủ nhiệm vẫy lại ngồi tiếp chuyện chị cùng Thầy và anh Đinh Lê Vân Sơn. Qua cuộc nói chuyện ấy, cảm nhận của tôi về chị đã dần dần thay đổi, và tôi đã phần nào hiểu được tại sao tôi thấy chị hơi “điên điên”.
         Về nhà, tôi lục ngay GOOGLE để tìm hiểu về thân thế con người chị thì biết rằng mình vừa tiếp xúc với một con người đáng nể phục, một con người lao động thực thụ thậm chí quên bản thân mình vì môi trường, vì trường tồn của nền văn hóa, vì điều mà quá ít người thấu hiểu và đồng tình. Một con người có trình độ cả về khoa học duy vật và duy tâm.


         Chị chính là tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, vốn là lưu học sinh ở Liên Xô cũ, thuộc trường Năng lượng Matxcova, sau khi tốt nghiệp về nước chị công tác tại Viện Khoa học công nghệ Việt Nam. Chuyên ngành nghiên cứu hệ thống của chị là một sự lạ lẫm đối với ngay cả trong giới khoa học. Hệ thống mà chị nghiên cứu có thể là làng, xã, huyện hay cả một xã hội. Còn du lịch nông nghiệp – hình thức du lịch mà nhóm khảo sát CLB vừa được tham dự - như một cái duyên và là cả một sự suy tư khoa học, một sự tiếp nối sự nghiệp và say mê nông nghiệp của cụ thân sinh ra chị - ông Ngô Tấn Nhơn, một trong những Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ NNPTNT) thời kỳ đầu tiên của nước ta.
         Qua quá trình nghiên cứu, chị nhận ra rằng du lịch nông nghiệp đang là một trong những khuynh hướng du lịch quan trọng, hấp dẫn của thế giới. Không chỉ được sống trong một không gian văn hóa làng xã, mà khách khi tham gia du lịch nông nghiệp còn được trực tiếp tham gia sản xuất, thưởng thức các sản vật đặc thù của địa phương, chính vì thế mà chúng tôi đã được sống những giây phút với cảnh “nhà quê” như ruộng lúa, kênh mương, nhà vách đất, sân đất, cây rơm, chõng tre, được tát nước gầu dai, được cấy lúa, bắt cá bằng nơm, rồi nướng cá ăn tại chỗ, được ăn bánh cuốn nóng tráng tại chỗ, được xay lúa, giã gạo, uống rượu quê do chị ngâm với loại thuốc dân tộc, uống nước chè tươi được hái từ cây chè cổ ngay trong vườn nhà … Đối với chúng tôi, những người lớn tuổi đã từng đi sơ tán thời kháng chiến chống Mỹ thì cối giã gạo, cối xay lúa hoặc cấy, cày, tát nước … không có gì là lạ lẫm cả, nó gợi cho chúng tôi nhớ lại một thời đã qua, nhưng đối với thanh, thiếu nhiên, thiếu nhi bây giờ thì họ không thể biết được những thứ đó là gì và để làm gì. Với hình thức du lịch này, chị Oanh đang muốn cho thế hệ sau này hiểu và biết được người nông dân, cha ông ta đã làm thế nào để có được hạt gạo mà nấu nên cơm và hiểu biết thêm về thiên nhiên cây cỏ….
         Chị không muốn đau lòng hơn nữa với những đoạn văn của trẻ: "Con gà nhà em da trắng tinh, không có lông, không có đầu, không có chân, ngồi ngay ngắn trong cái hộp xốp mát lạnh” hoặc “Cây lúa rất to, bóng của nó che rợp một góc làng. Mỗi lần về quê em đều ngồi hóng mát dưới gốc cây lúa”. .. Đọc các bài báo về chị, HgVan được biết thêm là ngôi nhà sàn, nơi đang được dùng làm nhà bếp là ngôi nhà sàn cổ do chị mua lại của một người dân tộc cách đây đã lâu, ngôi nhà sàn mà đoàn đã ở là nơi từng tổ chức các buổi hội thảo lớn, nhỏ… rồi các ngôi nhà khác rải rác trên lưng chừng núi… đều mang đậm nét văn hóa đồng bằng bắc bộ. Để có được công trình này, chị đã nghiên cứu rất nhiều, bỏ công sức, tiền của để đầu tư thực hiện ước nguyện của mình. Chị đã thu được thành công nhất định.
         Nhiều đối tượng du lịch đã đến với trang trại của chị, nhưng đối tượng là các “thiền viên” như đoàn CLB ta đối với chị thì là lần đầu. Bởi thế nên chị luôn theo sát, đưa đi tham quan, tự thân hướng dẫn du lịch, chị tìm hiểu đối tượng du lịch này rất kỹ - một điều không phải người chủ nào cũng làm được. Chị ngồi thiền cùng, chị cùng dậy sớm với CLB, bởi thế nên lúc nào tôi cũng nhìn thấy chị. Chắc chắn chị sẽ tìm hiểu nhiều hơn nữa, chị sẽ làm được những gì mà đoàn đã góp ý trước lúc chia tay trang trại. Đây cũng lại là một việc mà chưa bao giờ HgVan tôi gặp mặc dù đã đi tham quan du lịch cũng khá nhiều. Chị và toàn bộ nhân viên trang trại ngồi giao lưu với đoàn CLB, lắng nghe đối tượng du lịch đặc biệt này nói gì, góp ý gì để có thể phục vụ tốt hơn ở các lần sau. Chị tâm sự rằng, để thành công, chị và các nhân viên luôn tâm niệm đã làm là phải làm thật. Và chị đã làm thật, tự tay chị đốt bồ kết khắp trang trại để đuổi muỗi, để xua tà khí, tự tay nhặt rác, quét sân… nên chỗ ở, sân, nhà đều sạch, nấu ăn sạch, rau rừng, rau sạch tự trồng. HgVan tôi thực sự tin tưởng rằng với sự cầu thị của chị để sao cho phục vụ tốt hơn, cộng với sự cố gắng tu và thiền của những thiền viên thì những chuyến dã ngoại về sau này sẽ thu được kết quả thực sự như ý. 
         Để đọc thêm về chị xin hãy vào GOOGLE, gõ từ khóa T.S. Ngô Kiều Oanh, sẽ có rất nhiều bài viết về chị, đặc biệt là về lĩnh vực tâm linh.
 Hoàng Vân

4 nhận xét:

  1. Các bác lớp ST4 và ST6 đọc bài này chắc phấn khởi vì có thêm thông tin cho chuyến đi sắp tới vào đầu tháng 12.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Thu đã sửa bài hộ chị.

    Trả lờiXóa
  3. @ Chị Vân: Em chỉ mong có người đăng bài để được sửa thôi. Để Blog mốc meo buồn lắm. :)

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là phải có một chút "LẠ" thì mới có hứng viết. Chẳng trách...
    Cứ hay đi dã ngoại thì tất có bài đăng thôi. Chứ cứ ở nhà thì "quen" mất rồi, không viết được.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.