Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỊNH ĐƯỢC KHI THIỀN?

Trần Nghĩa

Khi mới học Thiền phần lớn mọi người khó tập trung tư tưởng; cứ ngồi được một vài phút là “…bao ý nghĩ chợt đến, chợt đi…”. Những chuyện đời thường: miếng cơm manh áo, quan hệ gia đình, xã hội…những lo toan, toan tính cho cuộc sống hàng ngày…đấy là chưa kể đến lưng đau, tê chân…chỉ mong bài thiền chóng kết thúc để được thoải mái…tất cả cứ ùa đến; lấn át cả những lời chỉ dẫn của Thày. Làm sao để gạt bỏ được để tập trung vào thiền? Quanh chủ đề này đã có biết bao ý kiến, kinh nghiệm. Mỗi ý kiến, kinh nghiệm khác nhau; có người khi mất tập trung cứ niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật” là tập trung được; có người khấn Thày Tổ (con lậy Thày Tổ Dasira Narada cho con lực gia trì vũ trụ, kính mời Thày Tổ về trợ duyên giúp con tu tập thành công); cũng có người mỗi khi mất tập trung lại tập trung nghe lời dẫn của thày ở mỗi bài thiền, chăm chú nghe giúp ta tập trung được vào nội dung bài thiền.

Theo tôi để ĐỊNH được khi thiền cần sử dụng biện pháp tổng hợp:
1. Xác định tư tưởng
Đây là nội dung quan trọng nhất, nó quyết định thành bại của quá trình tu tập. Ta phải hiểu được chân lý: trên đời này không có gì là không có giá; muốn được phải mất. Muốn có sức khỏe phải dày công, kiên trì luyện tập, sẵn sàng chịu đựng gian khổ. Tập không đều, không tập trung tư tưởng khi tập, cứ phân tán…thì làm sao dứt bỏ được bệnh.

Phải có niềm tin vào pháp môn. Hãy nhìn vào những người đang tập có kết quả mà củng cố niềm tin. Không có niền tin lại sợ mệt mỏi, đau đớn thì không bao giờ tập có kết quả được. Hãy tự nhủ: "Họ làm được, ta cũng làm được." Họ có duyên, họ có tài họ tập nhanh có kết quả. Ta lấy cần cù bù thông minh, có niềm tin sẽ tới đích. Chính nhờ niềm tin và sự kiên trì hướng đích đã giúp ta có đủ nghị lực tập trung tư tưởng, không bị phân tán khi tập. Thành công trong cuộc đời là kết quả của tích tiểu thành đại. Nay cố một tý, mai cố một tý; nay ngồi thêm vài phút, mai ngồi thêm vài phút; dần dần thời gian ngồi thiền dài dần, ngồi hàng tiếng cũng không thấy mệt. Hiện nay ở câu lạc bộ có người đã ngồi được vài ba giờ liền, có người ngồi vào thiền chỉ vài phút là đã ĐỊNH được.

Tư tưởng đã xác định rồi, cùng với việc tập thiền ta cần tu luyện “Chân - Thiện - Nhẫn” cùng một lúc. Phải rèn luyện cả tâm và thân. Tâm trong sáng, sống chân thật, luôn có lòng từ bi thương người. Hãy buông bỏ mọi ràng buộc; bỏ tâm ganh tỵ, vui vẻ chấp nhận cái mình có. Không nên so sánh bực bội khi thấy ai đó có năng lượng hơn mình, có sức khỏe hơn mình, tập luyện tốt hơn mình…Duyên đến đâu ta vui vẻ chấp nhận đến đó.

Khi tâm tính đã thay đổi, tâm ràng buộc, ganh tỵ giảm đi… lúc đó tu thiền sẽ có bước thăng trưởng vượt bậc, sẽ tập trung hơn khi Thiền - nói theo cách nói chuyên môn là ta dễ ĐỊNH được khi ngồi thiền. Lúc đó sẽ là một ý thay cho vạn ý, chỉ còn một ý chí tu thiền, những tạp niệm sẽ rời xa chúng ta.

2. Chọn không gian thời gian phù hợp

Thiền ở đâu (vị trí thiền), thiền vào lúc nào…có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả thiền. Thiền ở nơi có năng lượng cao, nơi có không khí trong lành, không gian yên tĩnh…kết quả sẽ tốt. CLB thường đến Côn Sơn để thiền, mỗi lần đi thiền chỉ vài ba ngày thôi song kết quả có khi bằng ở nhà thiền vài ba tháng. Có nhiều yếu tố dẫn đến kết quả này song yếu tố địa linh đóng vai trò quan trọng. Học viên nào tích cực đi thiền dã ngoại kết quả tu tập sẽ tăng trưởng nhanh hơn các học viên khác. Ngay việc thiền ở nhà mình và đến CLB thiền cũng mang lại kết quả khác nhau, đến CLB thiền sẽ tốt hơn thiền một mình ở nhà.
Đến CLB thiền, có Thày, có lớp, có địa điểm tập trung nguồn năng lượng sạch lớn, thiền thấy vào hơn.
Tập thiền còn nên chọn nơi yên tĩnh, để không bị phân tán, chỉ tập trung vào thiền. Trong ngày thiền vào lúc nào cũng được; khi có điều kiện (thời gian rảnh rỗi) là thiền; nhưng tốt nhất là thiền vào một thời gian nhất định. Ở CLB nhiều người đang chọn thời gian từ 22 giờ đêm hoặc 4 giờ sáng hàng ngày để thiền. Thiền đêm không lo bị mệt đâu, bạn thử thiền đêm mà xem, không những không mệt mà còn khỏe ra, tỉnh táo hơn, minh mẫn hơn cho một ngày làm việc mới.

3. Chọn tư thế ngồi thiền thoải mái

Tư thế ngồi thiền ảnh hưởng đến kết quả thiền. Ngồi thiền trong tư thế không thoải mái, gò bó, đau đớn, mệt mỏi thì làm sao có thể tập trung vào thiền được. Biết rằng tư thế ngồi kiết già là tốt nhất nhưng đó không phải là tư thế bắt buộc; do cơ địa, nhiều người không thể nào ngồi kiết già được, hãy chuyển sang tư thế ngồi bán già hay ngồi khoanh chân, ngồi trên ghế…tóm lại nên ngồi ở tư thế nào mà mình thấy thoải mái nhất. Thoải mái ở đây với nghĩa tương đối thôi, Nếu ta ngồi lâu, dù ngồi ở tư thế nào thì cũng mỏi mệt, đau đớn, khó chịu.
Nếu có thể được hãy tập ngồi thiền trong tư thế kiết già. Và cũng đừng quên khi ngồi thiền hãy thư dãn, thả lỏng toàn thân và luôn giữ cho lưng luôn ở tư thế thẳng đứng.
Bệnh tật trong ta do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh đã xâm nhập vào cơ thể ta từ rất lâu rồi, hàng chục năm ủ bệnh, nay phát ra, không có phép thần tiên nào loại trừ nó trong thời gian ngắn được; chữa bệnh chẳng qua chỉ làm đình chỉ bệnh; chỉ có con đường tập luyện đúng cách, kiên trì lâu dài mới dứt khỏi được bệnh. Hãy kiên trì tập luyện, một tháng, một năm, nhiều năm…nhất định bệnh tật của chúng ta sẽ khỏi.
Cũng không nên quá lo lắng khi ngồi thiền đầu óc cứ nghĩ lung tung. Chúng ta cứ tập, cứ cố gắng mỗi ngày một chút; cùng với việc tu tâm tu tính tin chắc chúng ta sẽ ĐỊNH được khi thiền và khi đó là lúc chúng ta đã ở một trình độ rất cao, bệnh tật chuyển biến sẽ rất nhanh chóng.
Chúc mọi người tu thiền thành công.
Ngày 2/1/2012
Trần Nghĩa

3 nhận xét:

  1. Bài viết của anh Nghĩa rất bổ ích . Niềm tin thì có ,quyết tâm có nhưng kết qủa luyện tập còn hạn chế . Đọc bài của anh như một lời nhắc nhở để BL cố gắng hơn trong việc tu luyện . Cám ơn anh về bài viết .

    Trả lờiXóa
  2. Quả thực để định tâm được là điều khó nhất. Cháu cám ơn bác về bai viết rất cụ thể và thực tế này!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn chú Nghĩa đã có những bài viết rất bổ ích cho những người mới tập và những người tập chưa có kết quả nhiều. Ở CLB cháu thấy phần lớn mọi người viết bài ít đề cập đến những khó khăn và phương pháp tập sao cho hiệu quả. Rất mong chú viết nhiều bài như thế.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.