Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

KỸ NĂNG SỐNG

(Trích bày giảng của Đại Đức Thích Thông Phương)
I/ AI CŨNG CÓ LỖI
Sống trên đời này không ai là không có lỗi. Khắp thế gian này không người nào dám tự hào là mình không có lỗi, nên phải biết nói lời xin lỗi.
Người xưa nói “Nhân vô thập toàn”. Nghĩa là làm người không ai hoàn toàn, mà không hoàn toàn tức là còn có lỗi, có sai sót. Hầu hết mọi người còn sống trong mê, trong cái tương đối, cho nên không thể nào tránh khỏi lỗi lầm. Nếu người hoàn toàn không có lỗi chắc là hiền thánh rồi. Còn là phàm nhân thì ai cũng có lỗi, có sai sót, đâu thể tự hào là mình không có lỗi, chính cái tâm tự hào là lỗi rồi.
Có ông Cừ Bá Ngọc năm 20 tuổi ông đã biết kiểm lại mình và biết lỗi để tận sửa sai sót. Khi qua tới năm 21 tuổi, kiểm lại thì ông thấy lỗi cũng chưa hết. Rồi qua năm 22 tuổi nhìn lại năm 21 tuổi thấy cũng vẫn còn có sai sót. Như vậy, cứ mỗi năm ông tự kiểm lại, tự sửa đổi. Đến năm 50 tuổi vẫn còn nhận ra lỗi lầm của năm 49 tuổi. Thế là phải sửa suốt đời chứ không phải sửa một năm hay hai năm là đủ.
Câu chuyện trên là bài học kinh nghiệm giúp chúng ta bắt chước tập nhìn kiểm lại một năm qua để sửa lỗi và chuẩn bị cho năm tới không còn sai sót. Nhờ vậy, chúng ta dẹp bớt tâm tự hào và thường tự kiểm tra lại mình.
II/ KHÔNG CỐ CHẤP, TỰ MÃN, TỰ CAO TỰ ĐẠI.
Nếu không biết tự kiểm tra lại mình thì đó là một thiếu sót lớn, là thiếu tu. Bởi vì phàm nhân thì phải còn có sai sót, mà có sai có lỗi thì phải sửa. Phải thường tự kiểm tra lại mình để thấy được lỗi, để có tâm khiêm tốn vừa là tự sửa, vừa loại bỏ được tâm tự phụ. Tự phụ là luôn cho mình không có lỗi, luôn luôn đúng, lúc nào cũng hay nên không chịu nghe lời khuyên của ai hết. Từ tự phụ dần đưa đến tự cao tự đại, mà khi đã thành tự cao tự đại thì sao? Hòa thượng Tuyên Hóa giải thích theo kiểu chiết tự chữ Hán: Chữ "tự" đi với chữ "đại" thành chữ "xú" nghĩa là hôi thối. Vậy "tự đại" là "hôi thối".
Khi biết được những ý nghĩa này rồi thì mỗi người phải khéo tự kiểm tra lại mình để khiêm tốn trở lại. Một khi đã quen tự cao tự đại thì cho là mình hay, là cao nên không chịu nhận lỗi, có khi thà chết cũng không nhận lỗi. Đó là nguy hiểm, là lỗi lầm rất lớn.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, có câu chuyện về một chàng trai tính tình cố chấp (cũng là tự phụ). Hôm đó, anh ta ngồi xe ngựa để đi phương Bắc, giữa đường gặp người bạn già lớn tuổi, mới hỏi: “Anh đi đâu vậy?” Anh đáp: “Tôi muốn đi đến nước Sở”. Ông bạn mới hỏi: “Anh đến nước Sở à! Nghe nói nước Sở ở phương Nam sao anh lại đi phương Bắc, chắc là anh đi ngược đường rồi”. Lúc ấy, nếu anh ta là người khéo biết lắng nghe thì kiểm lại, thấy đi sai đường liền chuyển hướng. Đằng này, anh ta không chịu nhận sai mà còn biện bác trở lại. Nói: “Không sao, ngựa của tôi rất giỏi, anh không phải lo”. Ông bạn nghe vậy, nói: “Ngựa dù giỏi mà đi lầm thì càng đi càng xa”. Nhưng anh vẫn khăng khăng không chịu nghe. Anh nói: “Bác chẳng cần phí tâm như vậy, tôi có đủ lộ phí để đi đường”. Ông bạn già mới nói: “Tiền đi đường của anh dù có nhiều, nhưng phương hướng đã không đúng rồi thì anh làm sao đến được nước Sở dù có tiền đầy túi”. Đến như vậy mà anh ta vẫn cố chấp không nghe. Lại nói: “ Cũng không hề gì, tôi có một người xa phu rất giỏi đánh ngựa”. Anh ta cứ cố chấp bảo vệ cái lý của mình, mặc cho ông bạn lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm giải thích tận tình. Đó gọi là chết cũng không nhận lỗi.
Vậy, cuối cùng anh ta sẽ đi đến đâu? Dù cho có nhiều lộ phí, có ngựa giỏi, có xa phu giỏi nhưng mà lạc đường thì làm sao đi tới đích? Cho nên, nếu biết quay lại từ đầu thì đã nhẹ nhàng, còn khi lạc rồi mà quay trở lại thì càng xa nữa, bởi vì ngựa giỏi chạy càng nhanh thì lạc càng xa. Đó gọi là thiếu tinh thần biết lắng nghe, biết nhận lỗi, khiến người nhìn thấy chỉ biết lắc đầu thương xót.
Đó là một bài học kinh nghiệm cho chúng ta, không nên học theo kiểu đó, không tự phụ, phải biết lắng nghe, tự sửa đổi, biết tự kiểm tra lại mình.
(còn tiếp)
Hoàng Vân sưu tầm
Lời bàn: Hãy biết im lặng nghe mọi người xung quanh nói, hãy suy nghĩ kỹ rồi hãy bàn. Các cụ đã dạy: "Uốn lưỡi bảy lần hãy nói".

5 nhận xét:

  1. Thu: chị đang bài này, không hiểu có chữa được "bệnh" không? Adidaphat.

    Trả lờiXóa
  2. @ Chị Vân: Em cũng chẳng biết nữa.

    Trả lờiXóa
  3. "Bệnh" đó chỉ có chính bản thân tự chữa.

    Trả lờiXóa
  4. @ Nặc danh: Với điều kiện tiên quyết là tự bản thân phải biết là mình đang có "bệnh". :D

    Trả lờiXóa
  5. Để biết mình đang có bệnh, chỉ có cách duy nhất là tu tâm, tu tính thôi ạ. Bệnh này chắc thiền nhiều, tăng thời gian lên cũng hết được đấy ạ.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.