Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

NHỚ VỀ NGÀY 27.7

Hôm nay ngày 27.7.2010, ngày tưởng niệm về THƯƠNG BINH LIỆT SỸ Tổ Quốc, rất vui mừng CLB chúng ta lại có bài kỷ niệm về ngày đó mà chủ nhiệm CLB lại là 1 cựu chiến binh của Trung Đoàn TU VŨ anh hùng, của Sư Đoàn 308, người đã và đang mang tâm sức của mình và đồng đội tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của người chiến sỹ QĐND Việt Nam phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân…Tôi viết những dòng này, không phải vì điều gì khác, mà vì tâm sự của tôi từ đáy lòng! Bởi vì gia đình chúng tôi cũng là 1 gia đình THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Cho nên tôi hoàn toàn có thể chia xẻ từ trái tim mình những tình cảm chân thật của mình với Thầy chủ nhiệm, với tất cả những chiến sỹ QĐND Việt Nam trong ngày lễ này.
Hai chiến binh chống Pháp 1950
Anh trai cả chúng tôi là liệt sỹ Nguyễn Sơn Lâm, một trong những chỉ huy TỰ VỆ HẢI PHÒNG. Ngày 30.10 năm Bính Tuất 1946, ngày thứ 3 giặc Pháp gây hấn ở Hải Phòng, khi đang ở vị trí chỉ huy mặt trân Đông Khê, thấy 1 liên lạc đơn vị đầu trần không mũ , Sơn Lâm đã lấy ngay chiếc mũ sắt đang đội trên đầu nhừơng cho đồng đội liên lạc. Không may ngay sau đó, một quả đạn cối bay đến , nổ ngay cạnh nơi anh. Một mảnh cối găm ngay giữa trán người chỉ huy quên mình vì đồng đội.
Đại đội tự vệ Hải Phòng 1946
Thù nhà, nợ nước, toàn gia đình chúng tôi đi kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc.
Bố tôi, cụ Nguyễn Sơn Hà hoạt động trong Quốc Hội, Mặt Trận Tổ Quốc (bấy giờ là Mặt Trận Liên Việt). Người đã có vinh dự thay mặt Quốc Hội mang thanh gươm “Mã Đáo Thành Công” của Quốc Hội tặng cho sư đoàn 308 trong ngày lễ sư đoàn hoàn thành huấn luyện, chuẩn bị ra quân (chiến dịch Biên Giới 1950). Sự kiện này, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp còn nhớ và kể lại trong lần chúng tôi đến thăm người 1994, nhân dịp Hội sử học Hải Phòng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Sơn Hà (1894-1994).
Liên quan đên sự kiện này, gia đình còn lưu giữ những tấm ảnh về ngày lễ ra quân đó của sư 308, và biên bản về ngày lễ đó. Tôi nói thêm về việc này, vì trong bài viết về ngày khánh thành Đài Tưởng Niệm Trung Đoàn ở Thái Nguyên, trong đó có nói đến thanh gươm Mã Đáo Thành Công của Quốc Hội trao tặng sư 308 năm xưa.

Mẹ tôi lúc kháng chiến 8 năm, là hội trưởng Hội Phụ nữ Tỉnh Thái Nguyên. Đó là tổ chức đỡ đầu cho 2 tiểu đoàn Phủ Thông và Bình Ca của sư 308. Gia đình còn lưu giữ được 1 số hình ảnh của chỉ huy tiểu đoàn đó. Trong ảnh là 2 đại đội trưởng tiểu đoàn Bình Ca, mà mẹ tôi ghi tên là HUẤN, QUỲNH. Các anh nay ai còn ai mất?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, nguyên Hội Trưởng Hội Liên Hiệp
Phụ Nữ tỉnh Thái nguyên. Người thứ 3 từ trái qua phải, hàng ngồi.
Tổ chức đỡ đầu 2 tiểu đoàn Phủ Thông và Bình Ca của sư 308
Bác tôi đi bộ đội 8 năm. Anh trai, anh rể, chị gái, cô chú..của tôi đều đi bộ đội và phục vụ trong quân đội…Vì lẽ đó, năm 1997, chúng tôi đã quyết định lấy ngày 27.7 là “Ngày gia đình” của chúng tôi. Ngày đó, chúng tôi mang vòng hoa đi thăm các liệt sỹ, rồi toàn gia tụ họp tại nhà thờ gia đình làm lễ tưởng niệm cha, mẹ, anh trai liệt sỹ và các đồng đội của anh, ôn lại lịch sử truyền thống gia đình theo cụ Hồ cứu nước.
Có lẽ vì thế, xuất hiện 1 sự kiện tâm linh năm 2009: Trong khi gia đình chuẩn bị ngày giỗ cha tôi tại Hải Phòng 30.11, có 2 nhà ngoại cảm của Hải Phòng (hoạt động trong Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) hỏi thăm đến nhà, nói là có 1 số vong của liệt sỹ Hải Phòng có về nói là xưa kia họ bị giặc giam giữ và hy sinh trong ngôi nhà cụ Hà hồi kháng chiến 8 năm, nay họ vẫn đang trú ngụ ở nhà thờ này vì gia đình luôn tưởng nhớ tới họ, hương khói cho họ, và họ đề nghị 2 nhà ngoại cảm đó đến thắp hương cho cụ Hà để thay mặt họ cám ơn gia đình!

Buổi lễ năm 2009 đó, có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp và nhiều quan khách tham dự và chứng kiến sự kiện tôi vừa nêu.
Ngôi nhà thờ này, bộ đội Thông Tin đã từng đến thăm, ôn lại kỷ niệm kháng chiến 8 năm…
Năm 2010 , ngôi nhà thờ cụ Sơn Hà, đã được xếp hạng di tích văn hoá kỷ niệm danh nhân Hải Phòng.
Tôi chia sẻ tâm sự này với những chiến sỹ QĐND nhân ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27.7, cũng là "Ngày gia đình chúng tôi”, gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà mà chúng tôi đã chọn.
Cái tâm sự này nó lắng đọng trong lòng mà ngày thường hay quên lãng. Với tôi, không hiểu sao nó đột nhiên vụt dậy, liên quan đến 1 giấc mơ thú vị mà tôi đã ghi lại và giờ kể ra đây chia sẻ cùng bạn đọc, nhất là đối với các chiến sỹ QDND kháng chiến 8 năm.
Chuyện rằng năm 2004, khi tôi đang công tác xa tổ quốc, tận xứ SENEGAN châu Phi xa xôi. Nóng, khô hạn, lại xa nhà, nên buồn lắm! Tối tối, sau 1 ngày đi làm mệt nhọc, thường hay kéo nhau lên gác thượng trải chiếu nằm, nghêu ngao, nhìn trời cao trăng sao vằng vặc, xung quanh thiên nhiên mênh mông, nhớ nhà, nhớ quê hương da diết, mà người Pháp gọi là La Nostalgie.
Chợt nhớ bài hát của anh bộ đội 1954-1955 “Mời anh đến thăm quê tôi” mà anh trai tôi lúc đó đang ở quân ngũ , về nhà dạy các em (tôi lúc đó 11-12 tuổi). Anh vừa đàn, vừa hát say sưa lắm, lời ca là niềm tâm sự của anh bộ đội cụ Hồ sau 8 năm kháng chiến. Bài ca có lời như sau:
MỜI ANH ĐẾN THĂM QUÊ TÔI
Màn đêm xuống không trăng sao. Lòng tôi nhớ tới hôm nào,
từ biệt làng đi chiến đấu, diệt đồn giặc dưới ánh trăng sao!
Qua chín năm xông pha, đời vui tiếng hát câu hò
Trở về làng tôi vẫn nhớ đời bộ đội quen với gian lao!
Xóm quê tôi bên bờ sông Hồng, đò xưa về bến cũ!
Khắp thôn trang đang tưng bừng, nô nức khắp cánh đồng!
Đến hôm nay biến thành nông trường, đời vui lên phới phới!
Chín năm qua bên bờ chiến hào tưởng mơ về quê xưa….
Mời anh đến thăm quê tôi đồng xanh bát ngát lưng trời, bà mẹ già đang ru cháu, cả cuộc đời nay mới thấy tương lai!
Anh tới thăm quê tôi mà nghe tiếng sáo lưng trời! Ngày gặt mùa bao cô gái ngồi dệt lụa dưới ánh trăng sao.!
…………….
Từ trong sâu thẳm trong tâm trí, bài hát trở về sau mấy chục năm mà tôi cũng không nhớ ai là tác giả, và lời ca có đúng như vậy không...
Thế rồi tối hôm ấy 8.8.2004, đêm nằm ngủ nằm mơ thấy mấy bài hát thời kháng chiến 8 năm cứ ngân nga mãi trong lòng. Tôi bèn vùng dậy ghi lại tâm sự đó và bài ca đó, những bài ca mà có lẽ tôi học từ anh chị lớn đi bộ đội về dạy cách đó nửa thế kỷ! (khoảng 1948-1950 gì đó) . Tên bài hát là gì không nhớ. Ai là tác giả càng không biết. Bây giờ cứ gọi là bài “
Lập chiến công”, hay “Tiến ra xa trường” vì lời ca hào hùng, gợi lại kỷ niệm chiến thắng Sông Lô khi giặc Pháp tiến công lên Việt Bắc thu đông 1947. Bác nào còn nhớ bài ca này, ai là tác giả, lời ca chính xác thì xin cho biết ý kiến nhé!
Lời ca tôi nhớ và đã hiện về trong giấc mơ ấy như sau:

LẬP CHIẾN CÔNG
Tiến ra xa trường! Đoàn quân ra đi mang theo lòng yêu nước với chí chiến đấu quyết tâm lập chiến công huy hoàng. Đoàn quân ra đi mang theo một khúc hát quyết thắng!
Chiến công lập bằng can trường của người chiến sỹ chốn xa trường diệt bầy xâm lăng. Rồi đây những chiến công lập thành anh hùng ngàn đời còn truyền sử xanh!
Nằm im trong khe đá lá che kín người, mỉm cười, chờ đoàn xe tăng địch tới! Phóng bom ba càng theo chiếc xe tan tành rơi! Kìa một người vừa lập xong chiến công!
Tan xác mấy trăm tầu chiến! Ca nô trôi theo, giặc thù chìm theo! Lừng lẫy chiến công oanh liệt của một đoàn quân Sông Lô oai hùng!
Lời bài ca này có lẽ nói về chiến thắng Trên Sông Lô năm nào! Nhưng cũng rất phù hợp với những thông tin về chiến thắng TU VŨ mà trang web nhà đã đưa. Nào tầu chiến, nào xe tăng, tầu bò bị nhận chìm trên dòng sông này! Ai đã từng lên K9 tham quan khu di tích, hẳn rất đồng cảm với bài viết về chiến thắng TU Vũ, cũng như lời bài ca “Lập chiến công” nêu trên.
Bây giờ, tôi vẫn rất muốn biết rõ lời, nhạc của bài ca và tác giả của nó. Vì bài ca này cũng như bài “Chiến thắng An Châu”…đã gắn liền với những kỷ niệm và truyền thống dân tộc, trong đó có gia đình bố mẹ chúng tôi.
Nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27.7, xin chia xẻ niềm tâm sự cùng bạn đọc, nhất là với tác giả đã đăng bài về chiến thắng TU VŨ năm xưa, những người lính sư 308 thời chống Pháp.
Rất mong nhận được thông tin về những chiến sỹ 308 thời kháng chiến có quan hệ với gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà và bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi như ruột thịt!
Tôi mong muốn một ngày nào, được đón tiếp các anh chị trong ngày lễ 27.7 tại nhà thờ cụ Sơn Hà Tại Hải Phòng.
Địa chỉ tôi: Nguyễn Sơn Tùng. 67 Phó Đức Chính, Ba Đình, Hà Nội.
Tel: 04.3 8291 590. dd: 0976 479 841
Email: sontung67pdc@yahoo.com
Hà Nội, 27.7.2010

5 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh về sự chia sẻ. Bài viết của anh thật sự làm em xúc động. Thật vinh dự khi được sinh ra và lớn lên trong những gia đình với những truyền thống đáng trân trọng và tự hào như gia đình anh. Mong rằng truyền thống đó, niềm tự hào đó sẽ được lưu truyền mãi mãi trong các thế hệ mai sau. Hy vọng anh sớm nhận được phản hồi về những thông tin mà anh cần.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Tùng a! Thật là đáng tự hào và vinh dự khi mình được sinh ra và nuôi dưỡng dưới một gia đình truyền thống và anh hùng

    Trả lờiXóa
  3. Mời anh Sơn Tùng ngheMỜI ANH ĐẾN THĂM QUÊ TÔI
    Nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn
    Trình bày: Trọng Tấn

    Trả lờiXóa
  4. Xin chia sẻ với anh Sơn Tùng về cảm nghĩ của người thân của những hương hồn anh dũng đã hiến trọn cuộc đời cho nền tự do độc lập của Tổ Quốc .Sẽ luôn là niềm tiếc thương đối với người đã khuất nhưng cũng là niềm tự hào nhắc ta sống sao cho xứng đáng với truyền thống vẻ vang của gia đình đúng không anh Tùng nhỉ? chia sẻ của anh về ngày 27/7 rất cảm động. Vinh dự cho anh được là thành viên của gia đình cách mạng .

    Trả lờiXóa
  5. S. Tùng:

    Cám ơn mọi người đã đọc và chia xẻ tình cảm về ngày 27.7.
    Thật thiêng liêng khi chúng ta có tran tin này để chia xẻ cùng nhau nhưng điều tu tập, nhưng điều tâm sự!
    Chia xẻ về 27.7 là chúng ta chia xẻ về truyền thống vẻ vang của QĐND, trong đó có đóng góp của chúng ta, gia dình chúng ta. Nói như Đạo Phật day: Đó là nghiệp lành của chúng ta đã hy sinh, phấn đáu xây dựng nên, làm sao từ bỏ nó
    được, vì nó đã thành đời sống tâm linh của mỗi người.
    Xin chúc các bác, các anh, các chị
    trong CLB làm được nhiều Nghiệp Lành, từ bỏ được nghiệp ác như tấm gương của thầy Nguyễn Mạnh Thường và cô Huệ trong CLB chúng ta
    Xin trân trong cám ơn các bạn đã cùng tôi chia xẻ tình cảm trong ngày 27.7.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.