Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

HỌC THIỀN THẾ NÀO CHO ĐÚNG

           Kính thưa Thày CN, các thày cô trong ban CN, các giáo viên và cán bộ các lớp.
         CLB vừa kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. 10 năm không dài, nhưng cũng đủ để kiểm chứng hiệu quả của môn thiền “Thu Lửa Tam Muội” theo pháp môn của Thày Tổ Dasira Narada. Chính nhờ hiệu quả rõ rệt về cải thiện sức khỏe mà CLB ngày càng có nhiều người đến tham gia học tập. Từ chỗ chỉ có một nhóm người rủ nhau tụ tập lại để tập thiền theo phương pháp chân truyền - không có tài liệu, chỉ ngồi thiền theo lời dẫn của thày. Đến nay CLB đã mở trên dưới 20 lớp với hàng nghìn lượt người tham gia. Chính thức hiện nay chúng ta, sau nhiều lần dồn dịch hiện còn 15 lớp với quân số trên 800 người tham gia đều đặn hàng ngày. CLB chúng ta là một tổ chức có đầy đủ tư cách pháp nhân (được cấp trên có thẩm quyền ra quyết định thành lập, có con dấu riêng); là một tổ chức chặt chẽ: có nội quy riêng, có ban chủ nhiệm điều hành chung, có các tiểu ban giúp việc từng mặt, có các lớp đang hoạt động có nền nếp và đặc biệt có đội ngũ giáo viên đầy nhiệt tình, tâm huyết đang dẫn dắt các lớp tu thiền có hiệu quả. CLB đã bước đầu hoàn thiện chương trình tài liệu giúp các lớp học tập có hiệu quả hơn. Hiện CLB đang có lớp học ở 4 địa điểm tại TP Hà Nội (ở BXT - trụ sở chính của CLB (6 lớp); TDH (6 lớp); Trường MNQT (1 lớp); NVH tổ 35 HQV (2 lớp). Còn rất nhiều người trong và ngoài thành phố có nguyện vọng xin tham gia lớp học song khả năng của CLB có hạn nên không thể phát triển thêm được nữa.

         Một thực tế là càng phát triển nhanh, càng mở nhiều lớp, công tác quản lý càng phức tạp. Các giáo viên đã không quản công sức, ngày đêm nghiên cứu, dày công tu tập để truyền đạt đúng đủ, nội dung đến các học viên. Nhưng ở đâu đó còn có lúc chúng ta chưa hiểu hết bản chất của môn Thiền Thu Lửa Tam Muội của Thày Tổ. Thày Tổ dậy chúng ta THIỀN là quá trình tu tập lâu dài, phải chấp nhận đau khổ để trả nghiệp; thiền là quá trình tu tập tự thân, không ai có thể làm thay mình được. Đến với CLB mọi người cần tu tâm và tu thân. Tâm có trong sáng, không bị ràng buộc bởi tâm tham, sân, si, hỉ, nộ, … thì tu thân mới hiệu quả. Tâm trong sáng, thân khỏe mạnh tu mới càng tinh tấn. 
         Quá trình luyện tập lâu dài để chúng ta có khả năng thu NĂNG LƯỢNG VŨ TRỤ giúp cơ thể cân bằng âm dương. Khi cơ thể ÂM DƯƠNG cân bằng thì bệnh tật sẽ được đẩy lùi. Đây thực sự là khoa học và duy vật, không phải như một số người cho đó là môn duy tâm học. Không phải tà ma quấy phá, không phải số kiếp quy định. Chúng ta biết rằng bệnh tật là do môi trường ô nhiễm, do ăn uống không vệ sinh, do sinh hoạt không đúng, v.v... kể cả do di truyền từ đời cha ông để lại. Tất cả những thứ đó gọi là độc tố tích tụ trong mỗi người. Vậy thì muốn khỏi bệnh chỉ có một con đường là đào thải các độc tố tích tụ trong mỗi người ra ngoài. Đức Phật chỉ cho ta biết có 8 vạn 4 nghìn NGHIỆP (bệnh) con người gánh chịu và ngài cũng chỉ ra 8 vạn 4 nghìn pháp môn tu tập để giải trừ các nghiệp đó. Thiền THU LỬA TAM MUỘI là một trong 8 vạn 4 nghìn pháp môn trên. Như vậy mỗi loại NGHIỆP (bệnh) đều có cách giải trừ khác nhau. Ta không thể cộng tất cả các pháp môn với nhau để tạo thành một thứ thức ăn hổ lốn cho sự tập luyện. Ta lấy một ví dụ sau:
         Nước có hai dạng, nước sạch và nước bẩn. Nước bẩn do nhiều nguyên nhân: do nhiễm a xit, do nhiễm phèn, do nhiễm kim loại nặng, hay do bị nhiễm bùn đất…Mỗi loại nước bẩn phải có cách làm sạch khác nhau; Nước nhiễm kim loại nặng mà dùng cách khử a xit chỉ làm cho nước bẩn thêm; nước nhiễm bùn đất phải dùng phương pháp lọc mới sạch được.
       Nói như vậy để thấy môn thiền THU LỬA TAM MUỘI do Thày Tổ DASIRA NARADA không thể trộn với môn thiền mật tông hay bất cứ môn thiền nào khác. Bởi mỗi pháp môn có cách thức, phương pháp khác nhau. Có thể cùng đến một đích, nhưng con đường đi đến đích đó khác nhau. Ta đi từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh có thể đi bằng đường bộ cũng có thể đi bằng đường hàng không hay đường biển. Các đường đi đó rất khác nhau.
         Các lớp thuộc CLB cơ bản đã học hết nội dung chương trình; các lớp mới nhất cũng đã học được gần 1 năm. Phải chăng chúng ta học hết chương trình là đã tu thiền xong. Hiểu như vậy là sai lầm; tu thiền là cả một quá trình lâu dài, gian khổ. Ai có nghị lực, cố gắng liên tục, không nản chí… và phải luyện tập đúng cách thì mới đem lại hiệu quả; Ta thường nói người có duyên mới đến được môn thiền và cũng có duyên mới kiên trì tu tập và đạt kết quả. Nhiều người muốn tu thiền đã rời bỏ cuộc sống đời thường, khăn gói lên núi, chấp nhận sống một cuộc sống hoang dã, khổ hạnh… để trả nghiệp mới mong thoát khỏi kiếp luân hồi; nhưng những người đạt được chính quả không nhiều. Chúng ta tu giữa đời thường càng khó khăn vất vả hơn. Ở CLB chúng ta nhiều người tu thiền hàng năm không thấy chuyển biến gì, nhưng họ vẫn kiên trì tu tập và một ngày nào đó tự nhiên thấy được năng lượng tuôn chẩy vào cơ thể, công năng có sự tăng trưởng vượt bậc. Kinh nghiệm đã được chia sẻ, họ không chỉ ngồi thiền (ở lớp, ở nhà) mà còn kết hợp tu tâm tính; làm nhiều việc tốt, giúp nhiều người khó khăn. Họ hiểu rõ luật vô thường của cuộc sống. Cái gì cũng có thể xẩy ra đối với mình, nên không còn tâm ghen ghét, ganh tỵ; không còn sống kèn cựa, ích kỷ.. cái tôi trong họ giảm dần; cáu giận, oán hờn dần lui xa. Tình thương yêu muôn loài cứ nẩy nở, lớn dần lên. Và như vậy họ tu thiền ngày càng tinh tấn. Chỉ cần luyện theo các bài thiền đã học, kết hợp với tu tâm tính chúng ta có thể học cả đời cũng chưa đủ. 
         Chúng ta cám ơn Thày Tổ Dasira Narada đã để lại cho đời pháp môn tu thiền kỳ diệu này; cám ơn người đã mang pháp môn về truyền dậy cho chúng ta và cũng không thể quên ơn những người thày không quản gian khó vất vả để hàng ngày dạy chúng ta tu thiền. Tu thiền có thành công hay không tất thảy đều do mỗi người quyết định. Chúc mọi người tu thiền thành công.
Hà nội 1-2015
Trần Văn Nghĩa

1 nhận xét:

  1. Bài anh Nghĩa gửi đã lâu, đợt đó vì bận nên Thu chưa đăng ngay, để lâu quên mất. Hôm vừa rồi anh Nghĩa nhắc đến mới về tìm lại. Thành thật xin lỗi anh Nghĩa và bạn đọc.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.