Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Phòng tránh ngã ở người cao tuổi

Ảnh chụp trong chuyến du xuân

cùng CLB năm 2009
Với người cao tuổi, việc bị ngã (té) là rất nguy hiểm. Ngoài việc xương khó liền, các biến chứng do nằm lâu gây loét, hoại tử rất cao. Bác Trần Thị Tỵ (sinh năm 1929), hội viên lâu năm của CLB bị ngã đã lâu, đến nay tuy bác đã đi lại được nhưng vẫn chưa thể leo lên gác để đến sinh hoạt cùng CLB. Thu chia sẻ cùng cả nhà bài viết của chị Nguyễn Thị Nhuần đăng trên FB. Chân thành cảm ơn chị. Hy vọng tất cả các hội viên - học viên chúng ta sẽ biết cách phòng chống cho mình và cho người nhà khỏi bị ngã. 

KHI MẸ TÉ

         Mẹ tôi té khi tôi đang sống ở Úc. Cô em dâu nói qua điện thoại: mẹ đau lắm chị ạ, cứ kêu suốt đêm.
          Hồi đó tôi chưa đi học điều dưỡng. Tôi chỉ hiểu là mẹ bị đau, rất đau. Về thăm mẹ mấy tháng sau, tôi thấy mẹ có thể ngồi dậy được, người xanh xao và không đứng được. Mẹ tôi bị gãy cổ xương đùi. Điều kiện ở quê xa, chẳng mổ chắp được chỗ gãy, mẹ cũng đã ngoài 80. Tuy tôi mang về một cái xe lăn, mẹ cũng chỉ ngồi vào cho tôi đẩy ra thềm nhà một chút rồi lại kêu chóng mặt đòi vào.
 
       Mẹ tôi mất sau hai năm nằm liệt giường. Nghe tin mẹ mất tôi bay về ngay. Chiều muộn ngày hôm sau có mặt bên mẹ, nhìn mẹ lần cuối, đau đớn thấm vào thân và tâm. Bà ngoại bên chồng tôi cũng té gãy cổ xương đùi rồi nằm liệt giường cho đến khi mất.
         Tôi đi học điều dưỡng. Ngoài ý muốn có một công việc ổn định, tôi còn muốn học để biết cách chăm sóc người bệnh, những người như mẹ và bà, phải chịu bao đau đớn mà tôi thì dốt nát không biết làm gì để giúp.
         Thế là bây giờ, sau khi nhận bằng cử nhân điều dưỡng và 3 năm làm việc, tôi đã ngộ ra rằng có một việc tưởng đơn giản mà cực kỳ quan trọng là phải phòng té cho những người già, người yếu. Tại sao? Vì rằng, khi té, ngoài việc dễ đập đầu vào vật cứng gây tai biến nguy hiểm, họ còn hay bị gãy xương. Phụ nữ lớn tuổi hay bị gãy cổ xương đùi. Người già yếu thì dinh dưỡng và trao đổi chất đã kém đi, xương loãng, té thì dễ gãy, mà gãy thì khó hoặc không thể liền. Điều kiện mổ điều trị không được như bên Úc. Và đã nằm xuống thì dễ bị lở loét và dễ bị viêm phổi. Vết loét cũng khó hoặc không thể lành do nhiễm trùng và kém dinh dưỡng. Thế là “dậu đổ bìm leo”. Điều quan trọng nữa là đau đớn kéo dài, việc chăm sóc sẽ vô cùng mệt mỏi.
         Tôi như chim phải tên sợ cành cong, chỉ sợ nghe tin ai đó già hay yếu mà bị té. Có nhiều sự việc xảy ra ngoài ý muốn, trong đó có những việc mình không ngăn chặn được. Nhưng tôi tin là có những việc mình có thể ngăn được nếu mình biết đề phòng. Tôi viết ra đây chỉ với thiện ý là để ta rút ra bài học cho những người thân của mình và cả cho mình.
         Khi học và cả khi đi làm, dù ở nhà dưỡng lão hay trong bệnh viện, chúng tôi luôn được nhắc nhở và bắt buộc phải thẩm định nguy cơ té ngay khi bệnh nhân nhập viện. Rồi khi xuất viện phải lên kế họach phòng té cho họ ở nhà.
         Ở ta, việc chăm sóc gần như hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình nên mọi người cần quan tâm đến việc phòng té cho người già yếu và phòng cho mình nữa.
         Cứ bệ nguyên tiêu chuẩn Úc thì việc thẩm định nguy cơ té khá phức tạp. Chúng tôi phải điền vào các bảng mẫu, tính điểm rồi xác định bệnh nhân có nguy cơ ít, trung bình hay nguy cơ cao, từ đó xác định các biện pháp khắc phục tùy thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân và điều kiện thiết bị có sẵn.
          Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ chọn vài nguy cơ quan trọng dễ thấy:
- Tuổi cao (>80), như mẹ tôi hay bà ngoại tôi, thường là ăn uống kém, mắt mờ, cơ xương kém.
- Trạng thái thần kinh thay đổi: bức bối, lẫn lộn, hành vi bột phát. Những người có tính cách như mẹ tôi, cứ muốn là đứng bật dây để đi, chẳng để ý đến chỗ lồi lõm dưới chân, hay chân mình đã yếu không đi nhanh được. Mẹ tôi bị té khi bà thấy gà bới thóc phơi ngoài sân. Kêu con cháu không thấy đứa nào, bà bực mình đứng dậy chạy ra đuổi gà và bị té. Cần phải giải thích cho họ về nguy cơ té, những mối nguy hiểm và biến chứng có thể xảy ra và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
- Những người có vấn đề về vận động: đau xương khớp do thoái hóa hay các nguyên nhân khác, yếu cơ hay rối loạn chức năng vận đông trong các bệnh như Parkinson hay những người bị tai biến mạch máu não, yếu/liệt nửa người. Cố gắng đi lại, vận động là điều quan trọng để duy trì sức khỏe cho họ. Nhưng, phải có người đi bên cạnh, có thiết bị an toàn trợ giúp nếu cần, và chỉ đi ở những chỗ an toàn để tránh bị té hay bị người khác xô phải.
- Người bị tiểu són, khó kiểm soát việc đi tiểu, đi cầu. Điều này nói ra nghe kỳ kỳ, nhưng thật sự là quan trọng. Họ vội vã chạy đi hay cuống quít tìm bô, bị vấp, trượt chân trong nhà tắm, nhà vệ sinh và bị té. Bà ngoại tôi bị té khi đêm đi tiểu ngồi vào bô bị lệch. Bên này họ dùng ghế bô, ban đêm để cạnh giường. Rất tiện lợi và an toàn. Khi các cụ tắm cũng thế, nên có ghế tắm để họ ngồi cho an toàn.
- Người dùng từ 5 loại thuốc trở lên, dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm huyết áp, thuốc làm loãng máu v.v. Những thuốc này dễ gây chóng mặt hay khó cầm máu (thuốc làm loãng máu) làm cho những người già khi té bị chảy máu não hầu như không cứu được. Nếu đứng lên bị chóng mặt, cách tốt nhất là nhắc bệnh nhân đứng lên từ từ lên rồi vịn tay vào thành ghế, thành giường hay vật gì đó cho chắc và cho đến khi hết chóng mặt mới bước đi.
         Tóm lại, nếu thấy ‘cụ’ có nhiều nguy cơ bị té, ta nên để ý nhắc nhở, có người ở gần để khi nào cần thì giúp ngay. Tìm các dụng cụ trợ giúp thích hợp như nạng vòng (walking frame) hay nạng đẩy 4 bánh (4 weel walker), đi các loại giày dép mềm, khó trượt, dễ xỏ và ôm chắc vào chân.
         Một việc quan trọng trong phòng gãy xương, đặc biệt đối với phụ nữ sau mãn kinh, (dễ bị chứng loãng xương) là uống thêm Canxi và vitamin D. Vitamin D có tác dụng giúp cho việc hấp thụ canxi và xương hóa. Nó còn tăng sức đề kháng của cơ thể chống một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa, kề cả ung thư đại tràng và một số dạng ung thư máu. Canxi thì dễ rồi, còn khỏe, nên ăn các loại cá nhỏ có thể nhai cả xương, uống sữa v.v... Về vitamin D, có thể ăn các loại thức ăn như cá nhiều mỡ, trứng và cả phơi nắng hợp lý. Tốt nhất là đi thử máu xem có thiếu vitamin D không và uống thêm vitamin D theo chỉ dẫn của bác sỹ. Dùng các loại thực phẩm chức năng (thuốc bổ xương, Canxi + vitamin D) cũng là một biện pháp phòng.
         Bị ám ảnh bởi cái sự ‘té’ nên mỗi lần chăm sóc các cụ già, tôi lại nhớ đến mẹ. Dù không chăm sóc được cho mẹ nhưng tôi vẫn nhìn thấy mẹ trong từng bệnh nhân tôi tiếp xúc. Tôi cũng hiểu rằng chẳng có gì ngăn chặn hết được việc té, nhưng mong sao mọi người cùng để ý đến việc này để giảm bớt những đau đớn có thể tránh được cho người bệnh và đỡ mệt mỏi cho người thân.
         Cầu chúc cho tất cả những người già yếu không bị té.
Adelaide, South Australia 
13/2/2015
Nguyễn Thị Nhuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.