Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Thơ nhân du xuân Tết Bính Thân

ĐI LỄ CHÙA

Đầu xuân tôi đi lễ chùa,
Cầu xin Đức Phật ban cho phước lành.
Cầu cho cuộc sống yên bình,
Người với người sống đầy tình yêu thương.

Cầu cho khắp mọi nẻo đường,
Bớt đi tai nạn đau thương mỗi ngày.
Cầu cho Người Việt đổi thay,
Thực phẩm luôn sạch hằng ngày được ăn.

Ai ơi giữ lấy lương tâm,
Không tẩy nhãn, mác để dân mắc lừa.
Đầu xuân tôi đi lễ chùa,
Cầu cho đất nước bốn mùa bình an.

Nam mô a di đà phật,
Nam mô a di đà phật,
Nam mô a di đà phật,
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp DSNL20


DU XUÂN CHÙA BA VÀNG
MÙNG 4 TẾT BÍNH THÂN

Ba Vàng chùa đẹp tuyệt vời,
Lung linh huyền ảo dưới trời, trong mây.
Cảnh quan hung vĩ nơi đây,
Ngắm nhìn mãn nhãn, ngất ngây lòng người.

Những hàng mái ngói đỏ tươi,
Nghiềng nghiêng từng dãy mỉm cười đón xuân.
Con người thân thiện ân cần,
Khuôn viên sạch sẽ thêm phần khang trang.

Xứng danh tên gọi Ba Vàng,
Tất cả miễn phí laị càng thanh cao.
Ba Vàng rất đỗi tự hào,
Hàng triệu du khách ra vào viếng thăm.
Tết Bính Thân 2016
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp DSNL20

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Bộ ảnh Du Xuân 2016 - máy Thầy

Ngày 14/2/2016 (mùng 7 tết Bính Thân) CLB tổ chức đi du xuân ở 3 chùa: chùa Địch Lộng, chùa Viên Đình, và chùa Đậu. Bộ ảnh từ máy Thầy Chủ nhiệm.

Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Thông báo của BCN CLB DSNL

I/ Về địa điểm thiền mới của các lớp DSNL 19 - 20
Sang tuần, sau rằm tháng giêng, các lớp DSNL 11, 17, 18 sẽ trở lại sinh hoạt theo lịch định kỳ. Riêng 2 lớp DSNL 19 - 20 sẽ sinh hoạt tại địa điểm thiền mới ở 262 Nguyễn Huy Tưởng
- Lớp DSNL19 sinh hoạt buổi đầu tiên vào sáng thứ tư 24/2
- Lớp DSNL20 sinh hoạt vào sáng chủ nhật 28/2
Có 3 hướng xe buýt chạy qua Nguyễn Huy Tưởng: 
- Đường Nguyễn Trãi có 7 xe: 01, 02, 19, 21, 27, 29, 60.
- Đường Nguyễn Tuân có 4 xe: 05, 29, 44, 60
- Đường Khuất Duy Tiến cũng có 4 xe: 22, 39, 78, 80. 
Địa điểm này là phòng sinh hoạt cộng đồng của chung cư 262 Nguyễn Huy Tưởng, yên tĩnh, an ninh tốt. 

II/ Chúc tết các hội viên - học viên từ 80 tuổi trở lên
CLB vẫn giữ nếp mừng tuổi các bác hội viên - học viên từ 80 tuổi trở lên. Ban Tài chính của CLB đã chuyển tiền mừng tuổi về các lớp. Đề nghị Ban cán sự các lớp triển khai vào buổi sinh hoạt khai xuân.

III/ Dã ngoại quý I/ 2016
Ban Dã ngoại thông báo đợt dã ngoại thiền của toàn CLB quý I năm 2016 sẽ vào ngày 19 - 20/3 (11-12/2 ÂL) tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tại Thanh Thủy. Hạn đăng ký tới ngày 13/3, Tập trung đi lúc 6h15 tại bể bơi Thái Hà.

IV/ Nghe giảng pháp
Ngày 24/3 từ 9h30 tại chùa Thiên Niên, 308 đường Lạc Long Quân, Hồ Tây, Tôn sư Khangser Rinpoche sẽ giảng về chủ đề "Sống mạnh mẽ và hạnh phúc". Cuối buổi có giải đáp. Mời hội viên - học viên CLB tới dự. 
Ban Chủ nhiệm CLB DSNL

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Du Xuân Bính Thân

         Ngày 14 - 2 - 2016, tôi có duyên được cùng CLB DSNL dã ngoại du xuân đầu năm mới. Điểm đến là chùa Địch Lộng - Ninh Bình, chùa Viên Đình - Ứng Hòa - Hà Nội, chùa Đậu - Thường Tín - Hà Nội. Sau gần một tháng nghỉ Tết mà cảm giác như lâu lắm, tôi thật háo hức mong được gặp lại Thầy Cô và các bác trong CLB.

         Buổi sớm, thời tiết khô ráo mang hơi ẩm lành lạnh của sương đêm. Hình như ai cũng mong được gặp lại nhau sau kì nghỉ Tết, khi tôi đến điểm tập trung sớm hơn 10' mà đã thấy mọi người tề tựu khá động đủ. Cả nhà tay bắt mặt mừng cùng những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới bình an và mạnh khỏe.

         Điểm đến đầu tiên của chuyến du xuân là Chùa Địch Lộng - Cổ Am Tự. Chùa có Động đã được vua Minh Mạng ban tặng danh hiệu là "Nam thiên đệ tam động", sau động Hương Tích và Bích Động. Cả đoàn vào lễ Phật tại chùa Hạ rồi sang Đình Đá thờ Lý Quốc Sư. Ngôi Đình được dựng bằng 16 cột đá. Trong đó có 8 cột đá xanh nguyên khối, mỗi cột tròn, to, cao hơn 4m đều được chạm nổi những con rồng lớn đang uốn lượn trong mây để hút nước, cá chép theo nước vượt lên. Tám cột quân to, tròn như cột cái khoảng 3m, hai hàng trước sau, mặt tiền đều được chạm khắc nổi các câu đối chữ Hán. Tất cả 16 cột đá này đều được đặt trên những tảng đá cổ bồng lớn cao 0,6m. Rất hiếm có ngôi đình nào có toàn bộ phần chính của nhà được làm bằng đá xanh nguyên khối chạm khắc công phu và tỷ mỉ như vậy! Ở đây đã thể hiện tài năng chạm khắc đá của các nghệ nhân vùng đất Cố Đô Hoa Lư lịch sử. 
         

         Sau đó cả đoàn theo bác vãi trẻ vượt 105 bậc đá cao và hẹp lên lễ chùa Thượng và thăm Động. Tôi thật sự choáng ngợp với Động chùa Địch Lộng với vòm hang đá cao khoảng 8m được treo quả chuông nặng gần 1 tấn - như lời bác vãi trẻ giới thiệu - chuông được đúc từ thời nhà Nguyễn. Cổng chùa có hai phiến đá lớn hình voi và sư tử trấn gác trước cửa chùa. Vào trong lòng Động cao khoảng 30 - 40m và rộng rãi là Ban Tam Bảo, tôi được chiêm bái những tượng Phật được tạc hoàn toàn bằng đá và đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Phật A Di Đà được tạc từ đá xanh nguyên khối và tượng Tam Thế Phật sơn son thếp vàng được ban từ thời vua Thiệu Trị. Trên vòm và vách hang những nhũ đá tạo thành vô số những hình tượng mang ý nghĩa Phật Pháp như cảnh Đường Tăng cưỡi ngựa đi thỉnh kinh, mãnh hổ chầu về Tây Phương. 

         Những nhũ đá nhỏ xuống tạo thành những hình người bị treo ngược đọa địa ngục do làm những điều xấu khi ở trên dương gian, giữa lòng hang tối là một nhũ đá nhô cao tròn và nhẵn thín hứng những giọt nước mát lạnh từ nhũ đá phía trên nhỏ xuống được gọi là bầu sữa mẹ. Tôi hứng những giọt nước từ bầu sữa mẹ áp vào mặt cảm thấy thư thái vô cùng và còn rất nhiều những hình tượng nhũ đá như những bức tranh nghệ thuật trên trần và vách hang mà tạo hóa đã tạo thành sắp đặt nơi đây thành chốn linh thiêng. Đi sâu vào trong, sau phủ thờ Đức Thánh Mẫu là hai giếng ngọc quanh năm đón những giọt nước mát rượi từ những nhũ đá nhỏ xuống. Tương truyền rằng nước giếng ngọc có thể chữa bách bệnh. 



         Đi qua vùng hang tối tới vùng hang sáng và đi cao dần lên cửa động trên được gọi là cổng trời. Đứng tại đây có thể nhìn bao quát toàn cảnh vùng núi Gia Viễn, đón ánh sáng. Không khí trong lành và những làn gió thổi vào cửa động len qua những vách đá tạo thành những âm thanh như tiếng sáo vi vu. Tôi hít một hơi thật sâu và cảm nhận rõ nguồn năng lượng tràn ngập nơi đây. Một số bác có ý muốn được ngồi thiền tại cổng trời nhưng vì sự an toàn nên Thầy Chủ Nhiệm đã sắp xếp cả đoàn trở lại ngồi thiền tại chùa Hạ. Tôi trở lại vườn tượng Phật ngưỡng vọng và chiêm bái những tượng Phật thành đạo được tạc hoàn toàn bằng đá. Chiêm bái tượng Phật Như Lai tọa giữa khu vườn ánh nắng lung linh thật an nhiên, tự tại. 



         Ca thiền 60’ bên hồ bán nguyệt, dưới chân Đức Phật thật nhẹ nhàng và bồng bềnh trôi qua thật nhanh. Tôi xả thiền mà cảm giác tiếc nuối muốn thiền thêm, thiền nữa. Cũng vừa tới trưa, mọi người lấy đồ ăn đã chuẩn bị từ nhà ra và quây quần cùng thọ trai. Sau ca thiền gương mặt ai cũng sáng bừng hoan hỷ và tràn đầy năng lượng. Nghỉ ngơi một lát, cả đoàn lại tiếp tục điểm đến của hành trình tiếp theo, chùa Viên Đình.


          Chùa Viên Đình là ngôi chùa được tôn thờ gìn giữ nhiều Xá Lợi Phật, Xá Lợi các bậc A La Hán và Xá Lợi Thánh Tăng nhiều nhất Việt Nam trong đó có một viên Xá Lợi của Đức Thích Ca Mâu Ni và cũng là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Lý nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn những kiến trúc cổ xưa. Chùa gắn liền với sự tích được xây dựng trên nền đất có hai cây duối có hình dáng như một cặp “vợ chồng” rồng rất lạ. Cặp duối đại thụ đã được vua Lý sắc phong là “thần mộc hộ quốc”. Một điều đặc biệt nữa, chùa Viên Đình sau khi được xây dựng xong, nhà vua còn cho đúc quả chuông đồng nặng hơn hai tấn và khắc lên đó một bài minh. Tương truyền tiếng chuông chùa Viên Đình có thể đuổi hết tà khí, yêu ma khi người dân trong vùng có sự không may ập đến. Ngày nay, cặp duối đại thụ và quả chuông ngàn tuổi vẫn còn nguyên vẹn trong khuôn viên chùa. 



         Khi cả đoàn vào lễ Phật xong lại được phước duyên nhà chùa mở cửa nhà thờ Tổ và thỉnh chuông cho cả đoàn được chiêm bái Xá Lợi Phật. “Theo kinh Phật, xá lợi là hiện thân của đức Phật và các vị thánh tăng đắc đạo, chính vì vậy xá lợi rất nhiệm mầu. Xá lợi sẽ tự bay đi nếu đến nơi nào đó không hợp duyên và xá lợi sẽ tự sinh sôi hoặc chuyển hóa màu sắc nếu công năng tu tập nơi đó rốt ráo”. Khi đứng bên tủ kính có những bảo tháp chứa ngọc Xá Lợi Phật lấp lánh muôn màu sắc, tôi và mọi người với tất cả lòng thành kính nhất tâm hướng về Đức Phật nguyện được ban cho sức khỏe, năng lượng dồi dào và đều cảm nhận rõ nguồn năng lượng vi diệu tại nơi đây. Tôi chợt nhớ lời Đức Phật dạy: "Làng mạc đây, núi rừng kia, thung lũng nọ, lối về non cao. Ngọc Xá Lợi an trú nơi nào, dân cư chốn ấy xiết bao an lành”. Tôi cảm thấy phước duyên được chiêm bái Xá Lợi Phật thật lợi lạc vô cùng. Rời chùa tiếp tục hành trình tới chùa Đậu mà lòng nguyện mong một dịp không xa tôi lại có dịp được trở lại đây và có nhiều thời gian hơn để được có thể tu thiền.


         Đoàn chúng tôi đến chùa Đậu trời cũng đã về chiều, lại gặp đúng ngày hội chùa được tổ chức hàng năm nên đường vào chùa khá đông. Theo dòng người vào lễ hội, tôi cũng vào được trong khuôn viên nhà chùa. Quê tôi ở Phú Xuyên giáp với Thường Tín, tôi đã nghe đồn về ngôi chùa cổ có thờ hai pho tượng là toàn thân xá lợi của hai vị thiền sư họ Vũ tu hành đắc đạo trụ trì tại chùa cách đây 300 năm, nhưng hôm nay tôi mới có duyên được chiêm bái ngưỡng vọng hai bậc chân tu trí lực uyên bác mà giới Phật tử cho rằng, hai vị thiền sư đã tu luyện được “lửa tam muội”, một loại lửa có thể chiến thắng mọi tác động bên ngoài và trường tồn với thời gian mà vẫn được lưu truyền trong Phật giáo. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân tới chùa là cổng tam quan đẹp và uy nghi hai tầng tám mái với các đầu đao cong vút bên trong được treo quả đại hồng chung được đúc từ thời Tây Sơn, hai con chồn đá ở thềm Tam Quan có niên hiệu thời Trần và đôi rồng đá ở thềm bậc Tiền Đường, đến nay đã có hơn 500 năm tuổi. Trong làn khói hương trầm mặc, tôi và các bác vào lễ Phật, chiêm bái những tượng Phật sơn son thếp vàng tuyệt đẹp và ngưỡng vọng công đức của Đức Phật. Cảm nhận thấy sự linh thiêng của ngôi chùa cổ và những bí ẩn nơi đây. Vãn cảnh chùa, tôi bị cuốn hút bởi kiến trúc mái chùa cổ với những đầu đao cong vút thật đẹp và uy nghiêm, các loại gạch đất nung có hoa văn thời Mạc, thời Lê và những bức tường gỗ được chạm khắc các hình rồng cuốn và hoa văn rất đẹp. Lễ tạ xong tôi theo đoàn hoan hỷ ra xe trở về trung tâm Hà Nội, trời đã xế chiều.

         Sau một kì nghỉ tết dài ngày mọi người trong CLB lại được gặp gỡ vui vẻ, quây quần sum họp, được lễ Phật, tham quan thắng cảnh, được thiền và được hiểu thêm về những ngôi chùa cổ của Việt Nam. Con cám ơn Thầy Chủ Nhiệm, cám ơn các Thầy Cô trong CLB đã tổ chức một ngày du xuân thật vui và ý nghĩa! Con kính chúc các Thầy Cô và các bác trong CLB một năm mới an vui và tràn đầy năng lượng, chúc CLB ngày một phát triển và vững mạnh!
Đặng Thanh Chúc
Lớp DSNL 19

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

DU XUÂN 2016

Hôm qua (14/2 tức mùng 7 tết) CLB DSNL đã tổ chức chuyến du xuân cho toàn CLB. Đoàn đã đến thắp hương lễ Phật tại 3 chùa: chùa Địch Lộng, chùa Viên Đình và chùa Đậu. Tại chùa Địch Lộng, sau khi thăm quan lễ Phật, đoàn ngồi thiền 1 tiếng, nghỉ ngơi ăn trưa rồi khởi hành về chùa Viên Đình. Tại đây đoàn may mắn được lễ Phật và chiêm bái xá lợi Phật. Trên đường về đoàn vào lễ Phật tại chùa Đậu.
Chuyến du xuân đầu năm với nhiều may mắn hy vọng sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho toàn câu lạc bộ chúng ta.
Dưới đây là một vài hình ảnh Thu chụp trong chuyến đi. 

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

CHÚC MỪNG NĂM MỚI BÍNH THÂN

Nhân dịp năm mới Ban Chủ nhiệm CLB DSNL 
chúc toàn thể hội viên - học viên và gia đình một năm mới bình an - hạnh phúc. 

CHÚC MỪNG NĂM MỚI BÍNH THÂN 2016

Ất Mùi thì sắp đi qua,
Bính Thân đang tới mọi nhà mừng vui.
Không gian đầy ắp tiếng cười,
Xuân về rộn rã dưới trời đầy hoa.

Chúc Câu Lạc Bộ chúng ta,
Người người mạnh khỏe, nhà nhà an khang.
Chúc Thầy Chủ nhiệm vững vàng,
Đưa Câu Lạc Bộ đàng hoàng tiến lên.

Chúc Thầy, Cô giáo vững tin,
Dìu dắt các lớp tu thiền dưỡng sinh.
Xin chúc học viên nhiệt tình,
Dẻo dai, bền bỉ, hết mình thiền tu.
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp DSNL20

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Nên đọc - nên nghe

Cuốn sách "Từ chánh niệm đến giác ngộ" là cuốn cẩm nang dành cho những người tu thiền. Đây là một cuốn sách quý, đúc kết kinh nghiệm trên 25 năm giảng dạy Phật pháp và hướng dẫn hành thiền của Thiền sư Ajahn Brahm tại Úc và các nước Đông Nam Á. Mời các bác đọc hoặc nghe tại các link sau:
Link đọc TẠI ĐÂY
Link nghe TẠI ĐÂY